Trong lúc ngồi đợi anh bạn đồng nghiệp Báo Phú Yên họp giao ban đầu tuần, anh bảo vệ Báo Phú Yên đưa cho mượn vài số báo Phú Yên tháng 11-2009 để đọc, trong 5 số báo tôi có trong tay thì có đến 4 số báo có đăng tin các cơ quan chức năng địa phương bắt gỗ khai thác lậu trên địa bàn tỉnh, thấp thì 5 - 7m3 cao thì 15 - 20m3/vụ. Tuy nhiên, sau vài ngày tìm hiểu thực tế tại các tỉnh miền Trung, chúng tôi nhận thấy, diện tích rừng mất hợp pháp cũng đang diễn ra khá nghiêm trọng…
Rừng mất hợp pháp!
Sau gần 4 tiếng xuất phát từ huyện lỵ huyện Đồng Xuân, chiếc xe hai cầu Jolie cố trườn qua đoạn dốc cuối con đường lên thủy điện La Hiêng 2, thuộc xã Phú Mỡ huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên trong ánh mắt lo lắng của bác tài xế. Không biết bao nhiêu lần những người ngồi trong xe phải xuống để giảm tải cho xe có thể vượt dốc. “Lên dốc đã khó, lát nữa xuống sẽ khó và nguy hiểm hơn nhiều…”, bác tài chia sẻ lo âu. Đây là đỉnh núi cao thứ hai của huyện và phía bên kia ngọn núi là địa bàn tỉnh Gia Lai. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống có độ sâu khoảng gần 100m, con suối thượng nguồn sông La Hiêng thật hiền hòa chảy giữa hai dãy núi cao được phủ dày bởi những cánh rừng già.
Thật khó có thể hình dung, con suối hiền hòa này lại mang một lượng nước khổng lồ đổ về hạ lưu như hồi đầu tháng 10 vừa qua. Một cán bộ của Công ty cổ phần VRG Phú Yên thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư của thủy điện La Hiêng 2, chỉ tay về ngã ba của con suối nói: “Đó sẽ là đập ngăn dòng suối, khi tích nước đủ thì chỗ chúng ta đang đứng ở đây sẽ là một phần của lòng hồ…”.
Thủy điện La Hiêng 2 được xếp vào loại thủy điện nhỏ có 2 tổ máy với tổng công suất 16 MW nhưng nhìn phần diện tích rừng già sẽ bị nhấn chìm trong lòng hồ, bất cứ ai cũng phải tiếc nuối. Một cán bộ huyện Đồng Xuân phân trần: “Trước khi bị chìm dưới nước, những cánh rừng này sẽ được cấp phép để tận thu gỗ, nên sẽ chỉ còn lại đồi trọc bị nhấn chìm thôi…”. Theo thông tin chúng tôi có, những năm qua, huyện đã làm tốt công tác phủ xanh đồi trọc… Tuy nhiên, với những gì chúng tôi quan sát được thì diện tích đồi trọc vẫn lớn hơn nhiều so với diện tích đã được phủ xanh.
Quả thật, khá nhiều những đồi được phủ xanh bởi cây tràm, cừ hoặc bạch đàn. Tuy nhiên, với những gì chúng tôi quan sát được thì diện tích đồi trọc vẫn lớn hơn nhiều so với diện tích đã được phủ xanh.
Theo kế hoạch, Chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng của Chính phủ sẽ được tỉnh Phú Yên hoàn thành vào năm 2010. Việc thực hiện nhiều dự án trồng rừng mới sẽ nâng độ che phủ rừng của tỉnh này lên trên 45% trước năm 2015. Tuy nhiên cùng với việc trồng rừng thực sự, trên thực tế có không ít dự án mang danh nghĩa là trồng rừng nhưng thực chất là…để khai thác, cạo trọc rừng xanh.
Cụ thể ngày 29/5/2008, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng kinh tế (giai đọan 1) trên địa bàn huyện Đồng Xuân, cho phép Công ty TNHH Bình Nam (Công ty Bình Nam) đầu tư trồng rừng sản xuất trong phạm vi vùng quy hoạch đầu tư trồng và chăm sóc 3.038,7ha rừng kinh tế. Theo đó, Sở NN-PTNT Phú Yên đã thẩm định và cho phép công ty này “xử lý thực bì bằng phương pháp phát trắng toàn diện với trạng thái rừng IC. Trong quá trình tổ chức thi công, nhà đầu tư lưu ý không phát dọn những cây đường kính lớn hơn hoặc bằng 10cm cây sinh trưởng phát triển bình thường, cây không cong queo, sâu bệnh, nhằm mục đích giữ lại cây bản địa mục đích trên khu vực và góp phần hạn chế tình trạng xói mòn”. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Phú Yên, Công ty Bình Nam đã tiến hành triển khai thực hiện dự án. Đến nay, công ty này đã phát dọn thực bì tại hai xã Xuân Quang 1 và Xuân Lãnh với diện tích 400ha. Tuy nhiên, thay vì phát dọn thực bì, lợi dụng trong văn bản của Sở NN&PTNT Phú Yên cho phép “xử lý thực bì bằng phương pháp phát trắng toàn diện”, công ty này đã “phát trắng toàn diện” rừng xanh.
Điều đáng nói là, mặc dù đã hoàn thành các bước thủ tục đầu tư nhưng Công ty Bình Nam chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai. Trong đó, đối với diện tích đất do địa phương quản lý (224,2ha), công ty chưa lập thủ tục thuê đất. Còn đối với diện tích đất đã giao cho dân theo Nghị định 163 của Chính phủ (2.890,8ha), công ty cũng chưa có phương án sử dụng đất, phương án liên doanh, liên kết với người dân theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi để thực hiện dự án. Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, Công ty Bình Nam đã tiến hành việc “phát trắng toàn diện” trên diện tích qua kiểm tra thực tế được xác định là 326,9ha. Tương tự Công ty Trường Thành Xanh (thuộc Công ty tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành) cũng được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt 755 ha, Công ty Trường Thành Xanh đã không ngần ngại “phát trắng toàn diện” bất kể cây lớn, cây bé.
Tháng 12-2004, Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 1 trực thuộc Công ty Điện lực III, công trình thủy điện đầu tiên có mặt trên đất Bình Định, đi vào sản xuất và hòa vào lưới điện quốc gia. Chỉ trong vòng 3 năm sau, UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư hàng loạt thủy điện lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có trên 20 thủy điện được cấp phép hoặc nằm trong quy hoạch. Một điều tất yếu là cùng với việc “bùng nổ” các nhà máy thủy điện là hàng ngàn hécta rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trong quy hoạch đã được “cấp phép”, “khai tử”. Hầu hết các dự án thủy điện đều tập trung ở thượng nguồn sông Konle và huyện nằm ở đầu nguồn sông này là huyện Vĩnh Thạnh hiện đã có đến 11 công trình thủy điện lớn, nhỏ đã được xây dựng và được phê duyệt.
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có 79 hồ chứa nước thủy lợi (tính riêng hồ có dung tích trên 5 triệu m3) với tổng dung tích trữ gần 2,4 tỷ m3, 27 hồ chứa thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý có tổng dung tích 6,426 tỷ m3 và nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ khác do các công ty ngoài EVN quản lý. Việc xây dựng các hồ chứa nước đã gây ngập hàng chục ngàn ha diện tích rừng. Điểm lại một vài địa phương cụ thể sẽ thấy con số kinh hoàng tại tỉnh Quảng Nam, các dự án thủy điện đã gây ngập hơn 4.000ha rừng đầu nguồn, hoặc thủy điện sông Ba Hạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên làm ngập trên 5.466ha rừng.
Ngoài diện tích bị ngập do lòng hồ chiếm chỗ, số diện tích rừng bị chặt phá để xây dựng hành lang lưới điện cũng khá lớn, riêng tỉnh Quảng Nam mất khoảng 6.000ha.
“Lũ gỗ”
Cơn lũ kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua đã đưa hàng chục ngàn m3 gỗ từ thượng nguồn về “tập trung” tại khu vực cầu Quảng Huế (bắc qua sông Vu Gia, đoạn qua xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và cầu Diên Bình (Đắc Tô, Kon Tum). Ngay khi cơn lũ chưa rút hẳn, hàng ngàn người dân của huyện Đại Lộc và Đắc Tô đã đổ xô đi “thu hoạch” gỗ do cơn lũ “ban tặng”.
Tại Quảng Nam, toàn bộ khu vực cầu Quảng Huế trở thành một bãi gỗ nổi trên sông nhiều chưa từng thấy, với số lượng lên đến 20.000 khối đã khiến dòng sông Vu Gia trong thời kỳ lũ rút bị tắc nghẽn. Trong số gỗ bị kẹt tại đây có đầy đủ các chủng loại và quy cách gỗ: dài có, ngắn có, gỗ tròn có, gỗ bảng vuông có… Thậm chí có cây gỗ dài hàng chục mét với chu vi vài người ôm không hết. Ngay trong lũ, người dân đã đổ xô ra lấy máy cưa làm dấu gỗ. Đến khi lũ rút, chân cầu Quảng Huế trở thành một “xưởng cưa khổng lồ” trên mặt nước với hàng ngàn người chen chúc với tiếng máy cưa nổ inh trời, xe cộ xen nhau cẩu gỗ mang về.
Trong khi đó, trên hồ thủy điện A Vương cũng có hàng ngàn phách gỗ từ thượng nguồn trôi về, phần lớn trôi về phía cửa đập chính, một phần khác đã trôi về cửa nhận nước Nhà máy thủy điện A Vương. Để cứu nhà máy, Công ty CP Thủy điện A Vương phải cử công nhân dùng nhiều phương tiện để đẩy gỗ ra xa cửa xả để tránh gỗ trôi vào cửa nhận nước sẽ phá hủy công trình.
Trước đây, việc phá rừng thường diễn ra tại dãy Trường Sơn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, nhưng cho đến khi xảy ra “lũ gỗ” thì mới biết rừng thượng nguồn đã bị “cạo trọc”. Nhìn từ bên ngoài, những cánh rừng xanh bạt ngàn nhưng không ai có thể ngờ bên trong khu rừng ấy đã bị “cạo” rỗng ruột. Theo nhận định của các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, số gỗ này chủ yếu là gỗ do lâm tặc đã khai thác, tập kết để chờ ngày về xuôi và đã bị lũ lớn cuốn trôi xuống xuôi trong cơn lũ. Với khối lượng gỗ bị cuốn về xuôi khổng lồ như thế, có thể suy ra các cánh rừng đã bị tàn phá với quy mô lớn. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lớn cho vùng hạ du.
Chuyên gia thủy lợi Lê Trí Tập cho biết, nguyên nhân lũ miền Trung ngày càng lớn, đột ngột và dày chính là do rừng bị mất quá nhiều khiến rừng không còn khả năng giữ nước. Rừng giữ nước, mất rừng làm cho sự truyền lũ càng nhanh. Nếu rừng dày, lũ phải mất một thời gian dài mới xuống đến hạ du, còn hiện tại rừng bị cạo trọc khiến các cơn lũ đi với tốc độ cao và dữ dội, nhấn chìm và phá hủy tài sản của nhân dân vùng hạ du.
C.DŨNG - N.KHÔI - L.THIỆN
Tin bài liên quan
>>> Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện - Lợi và hại
>>> Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 2: Không “phòng” khó “chống”!
>>> Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 1: Bão dồn, lũ dập