TPHCM sẽ thay đổi phương thức, khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) trong công tác cải cách hành chính (CCHC) để phân tích nguyên nhân và có giải pháp khắc phục. TPHCM khuyến khích người dân cung cấp địa chỉ trách nhiệm những cá nhân, tập thể có dấu hiệu nhũng nhiễu trong quá trình làm thủ tục hành chính. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến xung quanh vấn đề trên.
* Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về nỗ lực thúc đẩy CCHC trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay?
- Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến: Từ đầu năm đến nay, TPHCM triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo thực hiện CCHC. Trong đó, có 3 giải pháp trọng tâm, gồm: đề cao và xác định trách nhiệm người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và xử lý sau kết quả thanh tra, kiểm tra.
Trong đó, nhiều sở ngành, quận huyện đã chủ động thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tạo thuận lợi cho người dân, DN thực hiện thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. TPHCM đã giao một số cơ quan làm đầu mối thực hiện thí điểm thủ tục liên thông điện tử, thí điểm rút gọn quy trình dịch vụ công trực tuyến… để người dân, DN tiết kiệm được chi phí, thời gian và có thể giám sát được cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục.
Ngoài ra, lãnh đạo TPHCM sẽ truy trách nhiệm lãnh đạo của cơ quan, đơn vị không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả công tác CCHC hoặc để công chức, đơn vị cấp dưới có biểu hiện làm khó người dân, DN nhằm nâng cao trách nhiệm phục vụ các yêu cầu chính đáng của người dân. Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, UBND TPHCM nhận thấy các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp CCHC cơ bản đúng hướng, theo yêu cầu công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân, DN; đặc biệt là ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu. Tuy nhiên, bên cạnh các nỗ lực đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, hiện công tác CCHC vẫn tồn tại không ít hạn chế, vướng mắc.
* Đồng chí có thể nói rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại vừa đề cập?
- Có thể nói, TPHCM có nhiều nỗ lực và luôn đi đầu việc ứng dụng công nghệ để xây dựng chính quyền điện tử và phục vụ người dân, DN. Thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, người dân, DN có thể thực hiện các thủ tục hành chính mà các sở ngành, quận huyện đã cung cấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục hành chính còn vướng mắc về thể chế như bản vẽ là bản file hoặc khổ giấy A4 gửi qua mạng, giá trị pháp lý của chữ ký số hoặc giá trị pháp lý của kết quả thủ tục hành chính (không có chữ ký, con dấu đỏ) và người dân còn gặp khó khăn hoặc chưa có điều kiện và thói quen với cách thức nộp thủ tục hành chính qua mạng. Hiện nay, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và áp dụng, TPHCM đang chỉ đạo trang bị cơ sở vật chất và thành lập các tổ hỗ trợ ở phường, xã để giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Về phía bộ máy chính quyền, việc nhân rộng những mô hình CCHC hiệu quả ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm. Thậm chí, nhiều nơi có dấu hiệu ngán ngại, né tránh, không muốn làm vì đụng chạm lợi ích. Không chỉ thế, một bộ phận cá nhân, tập thể chưa chủ động tham khảo, áp dụng mô hình đã áp dụng thành công ở các nơi khác mà xây dựng mô hình mới dẫn đến lãng phí, thiếu đồng bộ.
* Chính quyền TP sẽ làm gì để khắc phục?
- Thông qua đề án “Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh”, UBND TP sẽ tổ chức đánh giá lại công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ thủ tục hành chính qua mạng, cũng như cung cấp các tiện ích cho người dân, DN. Từ đó, UBND TP sẽ chỉ đạo thực hiện theo hướng hiệu quả, đồng bộ và tiết kiệm; đồng thời, nhân rộng các mô hình CCHC hiệu quả.
Tôi nhấn mạnh, nơi nào lãnh đạo quan tâm đôn đốc, giám sát thì cán bộ gương mẫu, có trách nhiệm khi giải quyết hồ sơ, thủ tục. Ngược lại, nơi nào lãnh đạo buông lỏng thì cán bộ lơ là, gây phiền hà cho người dân. Vì vậy, TPHCM đã yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, quận huyện phải trực tiếp theo dõi, quản lý, chỉ đạo, kiểm tra công tác CCHC, không được khoán trắng cho cấp dưới. TPHCM còn yêu cầu mỗi quận huyện, sở ngành, tùy vào thực tế mà có các giải pháp kiểm soát cán bộ, công chức như gắn camera, ghi âm tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ; đẩy mạnh việc khảo sát ý kiến, chấm điểm cán bộ và gửi thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hạn.
Trong thời gian tới, TPHCM ban hành quy định về “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”, ban hành quy định về “Trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước”. Khi đó, TPHCM sẽ có tổ kiểm tra thực hiện quy tắc thực hiện kiểm tra cơ động để phát hiện và xử lý các vi phạm của đội ngũ công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị.
* Số lượng người dân tham gia đánh giá mức độ hài lòng cũng như chấm điểm cán bộ còn thấp. Vậy, TPHCM sẽ thay đổi cách thức, ghi nhận ý kiến của người dân, DN ra sao?
- TPHCM chú trọng công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và xác định đây là thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. TPHCM đang triển khai công tác bằng nhiều hình thức như khảo sát trực tiếp trên kiosk, máy tính bảng đặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trên hệ thống internet (https://danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn); bản giấy và khảo sát độc lập (trực tiếp hoặc qua điện thoại) của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết cá nhân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nhưng vẫn còn tỷ lệ phiếu chưa hài lòng, trong đó còn chưa hài lòng đối thái độ của công chức. TPHCM dù có nỗ lực, đạt nhiều kết quả trong CCHC, nhưng chỉ cần một vài cán bộ làm không tốt vẫn gây ra nhiều tai tiếng. Vì vậy, TPHCM sẽ có chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển động đồng bộ.
Chính quyền TPHCM mong người dân, DN quyết liệt “nói không” với tiêu cực và kịp thời cung cấp địa chỉ trách nhiệm về các trường hợp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Cơ quan chức năng sẽ bảo mật thông tin cá nhân người cung cấp thông tin.
* Xin cảm ơn đồng chí!