Đến nay, Việt Nam đã tham gia nhiều Điều ước quốc tế về SHTT, bao gồm: Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước Stockholm năm 1967 thành lập tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Hệ thống Madrid gồm Thỏa ước Madrid năm 1891 về đăng ký quốc tế về nhãn hiệu và Nghị định thư liên quan đến thỏa ước năm 1989, Hiệp ước hợp tác quốc tế về bằng sáng chế (PCT) năm 1970, Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà xuất bản, ghi âm và tổ chức phát sóng, Công ước Brussel năm 1974 về bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, Công ước Geneve năm 1971 về bảo hộ nhà xuất bản, ghi âm chống việc sao chép không được phép, Công ước UPOV năm 1961 về bảo hộ giống cây trồng mới. Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ năm 1997 về thiết lập quan hệ quyền tác giả, Hiệp định Việt Nam - Thụy Sĩ năm 1999 về sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994 trong khuôn khổ các văn kiện của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Người quan tâm có thể xem và tải về toàn văn các văn kiện trên từ các trang web như: www.noip.gov.vn (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam), www.cov.vn (Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam), www.wipo.int (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới), www.upov.int (Liên minh Bảo hộ giống cây trồng quốc tế)…
Trong số các điều ước quốc tế trên, 3 Điều ước đa phương có các quy định liên quan trực tiếp đến các vấn đề về nhãn hiệu mà các doanh nghiệp có thể thường phải xem xét tuân thủ và vận dụng trong kinh doanh là: Công ước Paris, Thỏa ước và Nghị định thư Madrid và Hiệp định TRIPS, sẽ được điểm qua tại bài 5 tiếp theo.
Ngoài ra, Việt Nam cũng thừa nhận và áp dụng Bảng phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ dùng trong đăng ký nhãn hiệu theo Thỏa ước Nice năm 1957 và Bảng phân loại quốc tế các yếu tố hình của nhãn hiệu theo Thỏa ước Vienne năm 1973. Bảng phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ dùng trong đăng ký nhãn hiệu phân bổ tất cả các chủng loại hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp tiến hành kinh doanh vào 45 nhóm, bao gồm 34 nhóm hàng hóa và 11 nhóm dịch vụ.
Bảng phân loại quốc tế các yếu tố hình của nhãn hiệu phân bổ tất cả các yếu tố đồ họa của nhãn hiệu thành 29 loại, trong đó có 144 phân loại với 1.887 mục. Hai bảng phân loại này luôn được doanh nghiệp lẫn các cơ quan nhãn hiệu quốc gia tham chiếu và vận dụng để tiến hành tra cứu các nhãn hiệu tương tự hoặc trùng lắp trong các hoạt động liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu.
ĐÀO MINH ĐỨC
Thông tin liên quan:
Bài 3: Luật SHTT Việt Nam 2005: Các quy định chung liên quan đến nhãn hiệu
Bài 2: Cấu trúc Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam năm 2005