“A lô, chú Bình bí thư phường phải không? Tôi là Thưởng, đại diện bà con hẻm 20 Bờ Bao Tân Thắng, khu phố 3, đề nghị lãnh đạo phường có cách nào chống ngập giúp dân, chứ công trình xây dựng đối diện chắn ngang không có đường thoát nước”. Dù đang dự cuộc họp với Chi bộ Khu phố 5 nhưng khi nghe cuộc điện thoại nói trên, ông Bình tất tả chạy đến khu phố 3 để nắm tình hình…
Lắng nghe dân
Câu chuyện trên giữa một người dân với Bí thư Đảng ủy phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) Võ Trương Bình được chúng tôi chứng kiến khi đi thực tế trên địa bàn. Vừa gặp ông Thưởng tại đầu hẻm 20 Bờ Bao Tân Thắng, Bí thư Võ Trương Bình đã xắn quần đi dọc rãnh nước chảy ra từ khu đất của dự án kế bên. “A lô, chị Dung nếu không bận việc gì xuống hẻm 20 Bờ Bao Tân Thắng bàn việc nhé”, ông Bình gọi điện mời Chủ tịch UBND phường Hoàng Mỹ Dung đến để cùng giải quyết việc chống ngập cho dân. Ngay chiều hôm đó, chủ dự án trên khu đất đã có mặt tại UBND phường để bàn phương án đào một mương thoát nước tạm nối với hệ thống cống của đường Bờ Bao Tân Thắng, nhằm chống ngập cho hơn 20 hộ dân của hẻm 20.
Khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05 theo chủ đề của năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị thường chọn nội dung trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc bám sát nhiệm vụ chính trị ở từng vị trí, địa bàn, cương vị công tác và kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân. Trong đó, phải kể đến gương điển hình Hoàng Thị Lợi, Trưởng khối vận Đảng ủy phường Bến Nghé (quận 1). Hàng ngày, chị Lợi dành phần lớn thời gian xuống các địa bàn thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; qua đó kịp thời lắng nghe phản ánh của dân, vận động người dân tham gia lực lượng nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tại địa bàn. Ngoài nhiệm vụ trên, chị còn kết hợp trao đổi, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp và tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hơn 30 trường hợp tại địa phương. Chị Lợi vui vẻ nói: “Có gần dân mới thấy phải có trách nhiệm hơn nữa với dân, từ chuyện đời sống dân sinh, tranh chấp, khiếu nại đến chuyện đường sá, ô nhiễm, an ninh trật tự… Khi có chuyện gì xảy ra ở địa bàn là có mặt cán bộ, đảng viên xuống tận nơi lắng nghe, giải quyết, nên người dân thấy yên lòng lắm”.
Đối với thiếu úy Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận 10, công việc hàng ngày chỉ là tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu, nhưng qua tiếp xúc thường xuyên với người dân, nữ chiến sĩ cảnh sát này thấu hiểu được những hoàn cảnh khó khăn của người dân, vì nhiều lý do mà hàng chục năm qua chưa có hộ khẩu để được hưởng các chính sách chăm lo của Nhà nước. Thiếu úy Ngọc Diệp tâm sự: “Vừa qua có trường hợp một bà cụ hơn 80 tuổi bị lãng tai và không biết chữ, đến xin nhập hộ khẩu theo con. Bà chỉ nhớ mấy chục năm trước có hộ khẩu ở miền Tây, tỉnh Đồng Tháp hay Vĩnh Long gì đó, nhưng đã bị xóa hộ khẩu từ lâu rồi. Bà bỏ đi sinh sống ở nhiều nơi, không chỗ nào ổn định. Theo quy định thì bà không được nhập hộ khẩu theo con ở TPHCM vì không xác định được gốc và cũng không có giấy tờ gì chứng minh đã có hộ khẩu hay được cấp CMND ở đâu. Không có hộ khẩu đồng nghĩa với việc bà sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế, bảo trợ người già và các chế độ an sinh khác. Nghĩ vậy, tôi tới nhà gặp người con trai của bà tìm hiểu, xác minh đúng quan hệ mẹ con và đề nghị anh viết tường trình. Sau đó, tôi chủ động đề xuất với lãnh đạo đội tham mưu cấp trên cấp hộ khẩu cho bà”.
Coi việc dân như việc của nhà mình
Ở phường 9 quận Phú Nhuận có gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhiều năm liền - ông Hoàng Văn Điều, cựu chiến binh 2 thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thương binh 3/4. Năm nay dù đã hơn 80 tuổi, nhưng bất cứ việc gì liên quan đến người dân ở phường, ở khu phố 4 và ở tổ dân phố 51 - nơi ông Điều có thâm niên gần 30 năm làm tổ trưởng - đều có ông tham gia, nếu không với vai trò bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, ban mặt trận khu phố, chi hội trưởng hội cựu chiến binh, chi hội trưởng hội người cao tuổi, thì cũng là phó ban truyền thống kháng chiến hưu trí, hội chữ thập đỏ. Cứ nghe dân phản ánh việc gì trên địa bàn là ông có mặt ngay, bất kể khuya sớm, mưa nắng. Hàng tháng ông còn trích một phần lương hưu, trợ cấp thương binh của mình để giúp đỡ các hộ nghèo, các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, đóng góp vào các quỹ “Vì người nghèo”, thiên tai, bão lũ, “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”… của địa phương. Thiếu ở đâu thì ông đi vận động người thân trong gia đình, doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp. Chỉ riêng năm 2016, ông đã vận động được gần 60 triệu đồng tổ chức các hoạt động chăm lo cho người dân. Ngoài ra, trong hai năm 2016-2017, ông còn đứng ra vận động dân đóng góp được hơn 300 triệu đồng để nâng cấp, chỉnh trang 2 tuyến hẻm 19 và 21 Hồ Văn Huê... Còn rất nhiều việc làm nghĩa tình, vì dân của người cựu chiến binh, người đảng viên 60 năm tuổi Đảng, thương binh Hoàng Văn Điều cho khu phố 4 và phường 9, để mỗi khi có người nhắc đến tên ông, ai cũng thầm thán phục, biết ơn người cán bộ lão thành hết lòng vì dân.
Ở quận Thủ Đức thì có Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Bình Chánh Phạm Hoài Minh Tâm, dù có thời gian công tác ở phường này chỉ hơn 4 năm nhưng cũng đã có hơn 50 công trình, việc làm lo cho đời sống của người dân, nhất là với những hộ nghèo, hộ cận nghèo và các địa bàn khó khăn, phức tạp. Trong đó, đáng kể là 30 công trình sửa chữa, mở rộng các tuyến hẻm và 3 khu vui chơi thể dục thể thao phục vụ người dân với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Điều đáng quý là số tiền lớn trên đều do Bí thư Phạm Hoài Minh Tâm đi vận động người thân trong gia đình, doanh nghiệp, người dân trong phường và trích từ đồng lương, thu nhập ít ỏi hàng tháng của mình để lo cho dân. Anh Lê Văn Hòa (ngụ tổ 34, khu phố 2) xúc động khi nhắc đến những việc làm của Bí thư Phạm Hoài Minh Tâm: “Anh ấy có một tấm lòng vì dân, lo cho dân, việc khó không ngại, thấy ở đâu có khó khăn là tìm cách lo cho bằng được”.
Câu chuyện về những tấm gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà chúng tôi kể ở trên nằm trong số 247 gương tiêu biểu được Thành ủy TPHCM tuyên dương trong đợt sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 05. Họ đã làm nên hàng ngàn việc tốt mang nhiều ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực giúp cho cuộc sống của người dân được tốt hơn lên, xã hội phát triển văn minh, hiện đại hơn. Trên hết của những việc làm cao đẹp này, cho mọi người thấy rõ hơn, quý trọng hơn những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ - như tài sản vô giá mà Người đã để lại cho thế hệ hôm nay học tập, noi theo.
Phong trào “Nụ cười từ trái tim”
Triển khai thực hiện năm chủ đề của Chỉ thị 05, Đảng ủy Sở Y tế TPHCM đã phát động cán bộ, đảng viên, nhân viên y tế xây dựng phong cách, thái độ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực, với mục tiêu 100% các đơn vị trong toàn ngành xây dựng khẩu hiệu hoặc thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện cho đơn vị mình. Tất cả khoa, phòng, bệnh viện của TP đều có khẩu hiệu: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Đồng thời, triển khai nhiều hình thức, phong trào thi đua như tổ chức hội thi cấp bệnh viện cho mọi đối tượng về quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp, tích cực rèn luyện y đức, tinh luyện y thuật, xây dựng người cán bộ y tế với “Nụ cười từ trái tim”, có thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực…
(Nguồn: Đảng ủy Sở Y tế TPHCM)
(Nguồn: Đảng ủy Sở Y tế TPHCM)