Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện - Lợi và hại

Nơi nào có suối nơi đó có thủy điện
Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện - Lợi và hại

Trước lợi ích từ các nhà máy thủy điện, chỉ trong một thời gian ngắn, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã được ồ ạt bổ sung và điều chỉnh quy hoạch hàng loạt các dự án thủy điện. Riêng Gia Lai quy hoạch trên cả ba lưu vực sông Sê San, Sêrêpok, sông Ba với 113 bậc thang thủy điện. Tại Quảng Nam, đến nay có đến 58 dự án thủy điện (trừ những dự án đã được phê duyệt nhưng sau đó bị thu hồi). Hoặc chỉ riêng một huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định cũng có đến 11 dự án thủy điện… Không ít người nói vui, các địa phương này đã hoàn thành chỉ tiêu “phủ sóng” thủy điện. Lợi ích thủy điện thì ai cũng rõ, nhưng những tác tại của nó thì không phải ai cũng biết và lường trước được…

Nơi nào có suối nơi đó có thủy điện

Từ thành phố Quy Nhơn đến thủy điện Vĩnh Bình mất khoảng 4 tiếng đi ô tô, đường đi tuy có đèo dốc, nhưng về cơ bản đã được đổ nhựa hoặc bê tông hóa. Hai bên đường nhiều nơi làng mạc đã khá xôm tụ, xa xa những khu đồi trọc ngạo nghễ phơi mình trong nắng. Lần lên thượng nguồn sông Kone, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn những con suối khá nhỏ bé, những dòng suối đã đang và tiếp tục được khai thác để làm nên hệ thống 5 thủy điện bậc thang Vĩnh Sơn thuộc huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định, một trong những huyện có nhiều thủy điện nhất nước với 11 dự án.

Những công trình thủy điện được xây dựng nối nhau trên đoạn sông Kone tại huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định. Ảnh: Chiến Dũng

Những công trình thủy điện được xây dựng nối nhau trên đoạn sông Kone tại huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định. Ảnh: Chiến Dũng

Những tưởng hệ thống sông Kone là nơi có nhiều thủy điện bậc thang rắm rối, thế nhưng, khi qua đất Quảng Nam, những con số lại một lần nữa làm chúng tôi ngạc nhiên. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Quảng Nam có tất cả 58 dự án thủy điện, trong đó có 10 dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn do Bộ Công thương phê duyệt với tổng công suất 1.094 MW. 48 dự án còn lại là thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với tổng công suất quy hoạch là 507,1 MW.

Riêng hệ thống thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tính đến nay có tổng công suất quy hoạch lên đến 1.601,6 MW, bao gồm quy hoạch do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt và Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Trong số 10 dự án thủy điện bậc thang trong quy hoạch thủy điện do Bộ Công thương phê duyệt đến nay đã có 2 thủy điện đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai xây dựng và 6 dự án đã phê duyệt báo cáo đầu tư và dự kiến khởi công trong quý 4-2009 và năm 2010.

Đối với các dự án thủy điện thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, hiện có 4 công trình đã phát điện, 7 công trình đang khởi công xây dựng, 12 dự án đã thẩm định thiết kế cơ sở và dự kiến khởi công trong quý 4 - 2009 đến quý 1 -2010, 1 dự án đang thẩm định thiết kế cơ sở và 20 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, lập dự án đầu tư.

Hầu hết dự án thủy điện trước khi được triển khai thực hiện đều có nghiên cứu và xây dựng báo cáo tác động môi trường. Trong đó, một số dự án thủy điện bậc thang có công suất lớn đều đưa ra chức năng cắt lũ vào mùa mưa, giải hạn vào mùa khô cho vùng hạ du. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai chức năng năng này đều… khó khả thi, thậm chí có lúc còn có tác dụng ngược như gây thêm lũ lớn vào mùa mưa và làm tăng hạn hán vào mùa khô.

Điển hình là vụ A Vương xả lũ hồi tháng 9 vừa qua đã nhấn chìm toàn bộ vùng hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn. Việc xả lũ để bảo vệ hồ là cần thiết, tuy nhiên kiểu xả lũ của A Vương ngay lúc đỉnh lũ vùng hạ du đạt mức báo động 3 quả là không thể chấp nhận được.

Ngay sau khi cơn lũ vừa dứt, cả chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đều bức xúc trước hành động xả lũ của A Vương, thì lãnh đạo Nhà máy thủy điện A Vương bác bỏ toàn bộ, thậm chí “tỉnh bơ” báo cáo là hồ A Vương đã vận hành cắt đỉnh lũ cho vùng hạ du(!?). Không những thế, lãnh đạo nhà máy này cho rằng việc vận hành hồ của mình là hoàn toàn theo đúng quy trình của Bộ Công thương.

Lợi thì có lợi nhưng...

Không thể phủ nhận những lợi ích từ thủy điện tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, vừa khai thác tốt tiềm năng khu vực này vừa góp phần cung cấp điện cho cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện theo kiểu…”phủ sóng” như ở khu vực này hiện nay quả là… “xưa nay hiếm” và trở thành mối đe dọa khôn lường đối với đồng bào vùng hạ du.

Hầu hết các thủy điện này đều có “báo cáo tác động môi trường” nhưng theo các chuyên gia, hầu hết các báo cáo này chưa đánh giá đúng mức độ tác động của thủy điện đối với môi trường mà chỉ mới dừng lại ở lợi ích kinh tế. Điều dễ thấy nhất là thủy điện “góp thêm lũ” gây ra lũ lớn vào mùa mưa và gây khô hạn vào mùa nắng cho vùng hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và minh chứng cho điều này là trận lũ chưa từng xảy ra tại Quảng Nam trong 100 năm qua hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Ngày 29-9, khi đỉnh lũ vùng hạ du sông Vu Gia đạt mức báo động 3 thì cũng là lúc thủy điện A Vương xả lũ để bảo vệ hồ. Lũ “nhân tạo” chồng lên lũ tự nhiên đã khiến mực nước lũ vượt hơn đỉnh lũ lịch sử 1999 đến 1,5m, có nơi vượt đến 2m. Chính cơn lũ bất thường này đã làm cả chính quyền và người dân đều không kịp trở tay gây thiệt hại đáng kể cho chính quyền và nhân dân vùng hạ lưu.

Nhà máy thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) ngừng hoạt động vì phải sửa chữa máy móc hư hỏng do sự cố xả lũ ngày 29-9-2009. Ảnh: Vũ Văn Thắng

Nhà máy thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) ngừng hoạt động vì phải sửa chữa máy móc hư hỏng do sự cố xả lũ ngày 29-9-2009. Ảnh: Vũ Văn Thắng

Ông Lê Trí Tập, chuyên gia thủy lợi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng quy trình vận hành hồ thủy điện A Vương là một quy trình sai, chỉ chú trọng hai nhiệm vụ là an toàn công trình và an toàn phát điện mà hoàn toàn không đả động gì đến tham gia cắt lũ và giảm lũ cho vùng hạ du. Nếu như A Vương xả lũ ở cao trình 363m trong ngày 28-9 (khi hạ du mức lũ ở mức báo động 2) đến ngày 29-9 (khi vùng hạ du đỉnh lũ đạt mức báo động 3) thì A Vương đóng cửa xả sẽ có khả năng cắt đến 140 triệu mét khối lũ cho hạ du. Đằng này, A Vương do quá chú trọng đến chức năng phát điện và chức năng bảo vệ an toàn hồ và đã làm điều ngược lại.

Điều mà người dân vùng hạ du lo ngại nhất hiện nay là chỉ mới thủy điện A Vương xả lũ mà đã gây ngập một cách kinh hoàng. Nếu sau này tất cả 58 thủy điện tại Quảng Nam, 113 thủy điện tại Gia Lai, vài chục thủy điện tại Bình Định, Phú Yên… đi vào hoạt động, nếu không có cơ chế phối hợp xả lũ, giữa các thủy điện có hồ chứa trên cùng dòng cứ mạnh ai nấy xả, lúc ấy, vài trăm hồ chứa nước của các thủy điện phía thượng nguồn giống như những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân chờ… thiên nhiên kích nổ.

Các chuyên gia cũng đưa ra giả thuyết, nếu một rủi ro do thiên tai (mưa và lũ lớn) gây vỡ một công trình thủy điện thì sẽ gây hiệu ứng đô-mi-nô đối với các hồ chứa trên hệ thống và hậu quả không thể tính được, nhất là đối với hệ thống thủy điện bậc thang.

Còn nhớ, năm 1999, trên 600.000 dân Tam Kỳ nằm ngay dưới chân hồ Phú Ninh hốt hoảng khi hồ Phú Ninh với dung tích hơn 400 triệu mét khối đã bị lũ về vượt mức gia cường và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Lúc ấy, các bộ ngành đã đưa ra phương án xả lũ, thậm chí dùng thuốc nổ đánh vỡ bờ đập.

Thế nhưng, lúc ấy ông Lê Trí Tập, một chuyên gia thủy lợi với kinh nghiệm 30 năm và cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa quyết định “sống còn” là gia cường, gia cố bờ đập để đập có thể chứa nước cao thêm 30cm nữa, nếu qua sáng hôm sau mưa vẫn lớn thì mới phá đập.

Lý giải cho quyết định của mình, ông Lê Trí Tập cho rằng nếu như xả lũ vào ban đêm thì hàng trăm ngàn dân dưới chân con đập không thể trở tay kịp. Điều ấy đồng nghĩa với giết dân. Và, quyết định của vị “anh hùng” Lê Trí Tập đã cứu được cả hàng trăm người dân. Trong khi đó, thủy điện A Vương đã xả lũ vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm đó là lũ vùng hạ du đang mức báo động 3, lại vào thời điểm giữa đêm khuya.

Bài 4: Về đâu những cánh rừng miền Trung?

C.Dũng - Ng.Khôi - H.Trọng

Miền Trung sống chung với bão lũ

- Bài 1: Bão dồn, lũ dập

- Bài 2: Không “phòng” khó “chống”!

Tin cùng chuyên mục