Đổi mới công tác cán bộ và cơ chế kiểm soát quyền lực

Bài 3: Kiểm soát quyền lực là yêu cầu bức thiết


Qua 30 năm đổi mới, 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ, nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu nhưng còn không ít hạn chế, tồn tại, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc tham nhũng, tiêu cực.... 

Nhận thức về những vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Và mới đây,  Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”…

Không ai được đứng ngoài pháp luật, đứng trên Đảng

Trên thực tế, việc giám sát quyền lực ở Việt Nam là vấn đề khá mới vì từ năm 2013, Hiến pháp mới bổ sung thêm nội dung kiểm soát quyền lực. Trong các văn kiện Đảng trước đây cũng không nói một cách cụ thể vấn đề kiểm soát quyền lực.

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, do đây là vấn đề mới nên trong nghị quyết mới đây của Đảng mới nói tới việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là từ trước tới nay, chúng ta không làm, hay không kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo; bởi cũng đã có những quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ lãnh đạo, cũng như Điều lệ Đảng.

Tuy nhiên, các quy định đó chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Bởi kể từ khi Đảng ra đời, cũng như sau khi giành được chính quyền từ năm 1945 tới nay, chúng ta vẫn chưa có được một quy định về chức năng nhiệm vụ của từng cấp ủy. Do đó, dẫn tới tình trạng lấn sân, bao biện và làm thay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
“Có những bí thư tỉnh ủy làm cả những công việc thuộc ủy ban, chính quyền; ký cả những dự án đầu tư, như thế là không rõ, lẫn lộn về chức năng nhiệm vụ của bản thân. Có những người vi phạm khuyết điểm là do cố ý, nhưng cũng có những người vi phạm là do không hiểu rõ chức năng nhiệm vụ quyền hạn của bản thân. Trong nhiều vụ xử lý kỷ luật cán bộ vừa qua có những sai phạm là do ký những văn bản không thuộc thẩm quyền...”, PGS-TS Nguyễn Viết Thông nêu rõ.
Vì thế, trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp ủy, từng cá nhân trong cấp ủy, cũng như từng vị trí lãnh đạo trong Đảng. Cùng với đó, phải công khai các quy định, quy chế về kiểm soát quyền lực để mọi cá nhân cán bộ lãnh đạo, đảng viên biết mà thực hiện. Đồng thời, phải trao quyền nhiều hơn nữa cho ủy ban kiểm tra các cấp để giám sát kiểm tra, cũng như phải dựa vào sự giám sát của quần chúng nhân dân, đảng viên. Cùng với đó, khi phát hiện vi phạm dù ở cấp nào, vị trí nào cũng phải xử lý thật nghiêm minh.
“Mọi quyền lực đều phải giám sát, không ai được đứng ngoài pháp luật, đứng trên Đảng được. Cán bộ quyền lực càng cao khi đã bị lạm dụng, tha hóa quyền lực thì tác hại vô cùng khủng khiếp. Thực tế bây giờ không chỉ có lạm dụng quyền lực mà còn lạm dụng, tham nhũng chính sách, gây ra những tác hại, hậu quả rất lớn…”, PGS-TS Nguyễn Viết Thông nhận định và cho rằng, khi quy chế kiểm soát quyền lực được xây dựng xong thì phải do Ban Chấp hành Trung ương ban hành mới có giá trị, ảnh hưởng và tác động lớn trong Đảng và toàn xã hội. Khi ban hành rồi phải tính đến việc triển khai thực hiện như thế nào, quy chế giám sát và xử lý ra sao nếu vi phạm? Bởi thực tế cho thấy, Đại hội Đảng XII quy định về 19 điều đảng viên không được làm, đã được đưa vào Điều lệ Đảng, Cương lĩnh Đại hội, nhưng vẫn có đảng viên, lãnh đạo cấp trên vi phạm là do lãnh đạo chỉ đạo chưa nghiêm túc.
Khó thì hãy dựa vào dân
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, qua công tác giám sát, kiểm tra, nhiều vụ việc liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy, một số cán bộ sử dụng quyền lực chưa đúng quy định; có những người được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế kiểm soát.
“Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, lợi dụng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền. Do đó, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền” - đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương đang tiến hành lấy ý kiến các cấp để hoàn thiện dự thảo quy định kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, gồm 4 chương, 16 điều. Trong đó có quy định 8 cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhận diện 19 hành vi chạy chức chạy quyền (5 hành vi của người chạy và 14 hành vi của người được chạy, cả hành vi của tập thể và cá nhân). Dự thảo còn quy định 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức chạy quyền; quy định về việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền…
Phải khẳng định rằng, việc đánh giá đúng, chính xác thực trạng kiểm soát quyền lực, thực trạng chạy chức chạy quyền, chống chạy chức chạy quyền, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực, cụ thể để tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ bằng việc ban hành quy định về nội dung này có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay. Khi quy chế được ban hành, điều cốt tử là thực thi một cách triệt để, công khai, minh bạch. Trong đó, yếu tố rất quan trọng là người đứng đầu phải thực hiện dân chủ. Cần phải gắn quy chế với việc thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII, đồng thời nghiêm túc học tập, làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Một người cán bộ, khi đã suy thoái đạo đức, không tôn trọng danh dự bản thân, thì hành động xấu, sai phạm rất dễ xảy ra. Quyền lực là của nhân dân, mà tổ chức Đảng và Nhà nước giao cho họ. Nhưng khi có quyền thì họ lại tha hóa quyền lực vì mục đích cá nhân. Đó chính là mặt trái của công tác cán bộ mà chúng ta cần phải giám sát, xử lý nghiêm khi sai phạm. 
GS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát quyền lực là một vấn đề bức thiết khi chúng ta đang trao cho những người cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương những chức vụ quyền hạn, trách nhiệm và tài sản rất lớn nên đòi hỏi phải có cơ chế để kiểm soát, ngăn ngừa các biểu hiện về lạm quyền, lộng quyền dẫn tới những tiêu cực như: tham nhũng, vun vén cá nhân và lợi ích nhóm. Hơn nữa, không chỉ cần có cơ chế kiểm soát mà còn cần phải có cả tổ chức để kiểm soát quyền lực, cũng như quy trình để đánh giá, kiểm soát từng chức vụ, từng cán bộ có chức, có quyền thì mới phòng ngừa được các biểu hiện tiêu cực.
GS-TS Nguyễn Trọng Phúc cũng nhấn mạnh, phải làm tốt hơn việc kiểm soát quyền lực ở bộ máy quản lý và cơ sở kinh tế của Nhà nước. Cán bộ có chức có quyền mà không trong sạch, móc ngoặc với nhau để hình thành nhóm lợi ích gây thiệt hại rất lớn cho đất nước. Những sai phạm về kinh tế tại: PVN, Vinashin, Vinalines... là ví dụ điển hình, gây thất thoát, lãng phí tài sản ghê gớm.
“Để kiểm soát được quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó phải nắm chắc về người cán bộ đó, mạnh yếu ra sao, làm việc như thế nào, mọi biến động của người cán bộ đó như thế nào cũng phải biết rõ. Việc kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo cần phải dựa vào dân vì nếu không có nhân dân thì không thể kiểm soát được. Người dân chính là “tai mắt” của Đảng, Nhà nước khi luôn sẵn sàng phản ánh về những cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu để cấp quản lý biết mà xử lý. Đây cũng chính là quyền dân chủ trực tiếp, quyền làm chủ của nhân dân...”, GS-TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.

Tin cùng chuyên mục