Quy hoạch xây dựng để thoát nghèo
Giám đốc Sở NN-PTNT đồng thời là Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Đức Vinh, cho rằng, mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là đem lại cuộc sống ấm no, giàu có cho mỗi người dân, kinh tế - xã hội ở các làng xã nông thôn miền núi phát triển toàn diện.
Các cụ vẫn bảo: “Lưng túi có rủng rỉnh thì mới đàn ca sáo nhị”. Vận động xuống tận cơ sở, hỗ trợ lãi suất, đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích người dân thoát khỏi lối tư duy cũ, cởi bỏ tâm lý e dè lo sợ khi bàn tới việc đầu tư, vay vốn làm giàu, tham gia vào hợp tác xã, rồi đến thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp… cũng giống như cấy những hạt giống vàng để nhân rộng ra, để người khác noi theo học hỏi. Phải làm kiên trì bền bỉ, qua đó hình thành phong trào, động lực thi đua làm ăn kinh tế.
Cùng với việc thay đổi tư duy làm giàu để xây dựng nông thôn mới, để đầu tư nông nghiệp thực sự hiệu quả, giúp người nông dân vùng cao có thể đổi đời, ông Vinh cho rằng, cần phải hình thành “các vùng hàng hóa tập trung”.
Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã họp đưa ra quyết sách quy hoạch các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa. Diện tích chè ở Hà Giang đứng thứ 4 trên cả nước, hiện được quy hoạch 7.000ha, trong đó có những giống chè đặc sản thơm ngon độc đáo nhờ khí hậu riêng, nhưng hướng đi mới là thu hút các doanh nghiệp sản xuất chè hữu cơ, chè sạch xuất khẩu ở Cao Bồ, Thượng Sơn.
Cam Hà Giang cũng ngon có tiếng nhưng để phát triển bền vững, tỉnh quy hoạch chỉ cho phép trồng 8.000ha ở Vị Xuyên và Quang Bình, tập trung cải tạo chất lượng và làm thương hiệu, bán giá cao. Hiện tỉnh Hà Giang cũng đã quy hoạch hỗ trợ các hộ dân nuôi hơn 10 vạn con bò thịt theo mô hình trang trại và gia trại để tăng thu nhập.
Theo đó, đã quy hoạch trồng 7.000ha bắp lai để nuôi bò. Đặc biệt là giấc mơ trồng 10.000ha cây dược liệu ở 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ đang dần trở thành hiện thực khi có rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm, muốn đặt hàng hoặc góp cổ phần với nông dân trồng dược liệu.
Tiềm năng được chỉ ra rất nhiều, quy hoạch sản xuất hàng hóa đã có nhưng theo ông Vinh, để sản phẩm làm ra bán được thì phải có chợ, có nghĩa là thị trường tiêu thụ. Mà để có chợ - có thị trường, việc đầu tiên là phải có đường giao thông. Đây cũng là một trong những tiêu chí về cơ sở hạ tầng mà Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đặt ra.
Nông thôn khởi sắc nhờ cầu nối giao thông
Nhận thức được tầm quan trọng của việc làm đường giao thông, khai mở vào những bản làng xa xôi hẻo lánh, rút ngắn khoảng cách, giúp đồng bào đi lại đỡ khó khăn hơn, tăng sức lưu thông hàng hóa… vào tháng 2-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã quyết định triển khai Đề án Hỗ trợ 1 triệu tấn xi măng cho các xã trên địa bàn để đầu tư hạ tầng làm đường giao thông nông thôn trong giai đoạn 2017 - 2020 theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Nhờ sự vào cuộc hồ hởi của người dân, xã Trung Thành đã được công nhận xã nông thôn mới. Ảnh: VĂN PHÚC
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang như được tiếp lửa, diễn ra sôi nổi rộng khắp. Xi măng được chuyển xuống các thôn bản để làm đường vào tận ngõ ngách, tuy nhiên ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ 70%, còn lại 30% là xã hội hóa bằng đóng góp vật liệu, ngày công tham gia của các hộ dân. Từng mét đường đều do người dân tính toán, giám sát.
Cán bộ tỉnh - huyện - xã cũng phải xuống tận thôn bản, cùng làm, cùng ăn, để cùng bà con dọn đường rải đá, ai không muốn góp công sức thì có thể đóng góp bằng tiền túi. UBND tỉnh Hà Giang đã phát động “Ngày thứ bảy hướng về nông thôn mới”. Vì thế, cả cán bộ và người dân đều rất phấn khởi!
Trên đường dẫn chúng tôi xuống thăm các mô hình trồng cam đặc sản ở thôn Minh Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên) Mai Công Lập khoe: Từ tháng 9-2015, xã đã được công nhận đạt danh hiệu nông thôn mới, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc xây nhà văn hóa, trường học, trạm y tế. Sau khi có đề án 1 triệu tấn xi măng, xã đã huy động bà con làm đường giao thông, đổ bê-tông vào tận cổng từng nhà dân. Hiện nay, Trung Thành đã trở thành xã nông thôn mới tiêu biểu của tỉnh Hà Giang vì đạt đủ cả 19/19 tiêu chí mà Trung ương đã nêu ra.
Trời mưa, nhưng ô tô 7 chỗ vẫn có thể đi vào tận cổng nhà Chủ nhiệm HTX Minh Thành Nguyễn Mạnh Huỳnh nằm giữa những đồi cam và chè xanh mướt. Ông chủ nhiệm cũng là một đảng viên tận tụy, say mê làm kinh tế, cho biết cả xã có tới 200ha cam đặc sản nhưng tập trung ở Minh Thành. Cam ở vùng đất này đã nổi tiếng từ xa xưa nhưng chỉ thực sự phát triển từ khi có đường giao thông và tham gia làm nông thôn mới.
Bản thân ông Huỳnh cũng trồng 4ha cam, 1ha chè, nuôi 37 con dê lẫn trâu. Mùa thu hoạch cam, ô tô của thương lái về tận ngõ bao mua hết. Từ tận Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam cũng tìm lên để chuyển giao những giống cam ngon và mới nhất, 82 hộ đã đăng ký trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chỉ riêng trồng cam đã thu hơn 200 triệu đồng/ha. Có 21 hộ còn đầu tư trồng nhãn Hương Chi, năm vừa rồi thu 1,2 tỷ đồng tiền bán trái. Ông Huỳnh cho biết, có tiền nên hiện nay bà con trong thôn đang dốc sức làm nốt 30% đường giao thông còn lại, đến hết năm 2017 sẽ không còn đường đất nữa. Đời sống ấm no, không khí trong thôn bình yên, vui vẻ. Bà con đến thăm nhau là bàn chuyện trồng cây ăn quả.
Theo tính toán, đề án 1 triệu tấn xi măng có tổng nguồn vốn gần 1.320 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh và nguồn kinh phí chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là số tiền lớn đối với một tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách do Trung ương cấp. Thế nhưng, ngay những ngày đầu năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức phát động triển khai đề án này tới các ngành và các huyện, thành phố...
Đề án 1 triệu tấn xi măng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 25% số xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt tiêu chí số 2 về giao thông, có khoảng 50% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo; có 60% số xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn, tính đến hết năm 2016, tỉnh Hà Giang có 16/176 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia. Mặc dù còn nhiều xã chưa được công nhận, nhưng khắp nơi đang diễn ra một cuộc thi đua làm nông thôn mới. Có đường giao thông, xe máy cũng nhiều lên, ô tô chở hàng đã vào tận bản. Bộ mặt nông thôn miền núi ở nơi biên cương đổi thay rõ rệt và đang khởi sắc từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, mục tiêu từ nay đến hết năm 2020, Hà Giang sẽ phấn đấu có thêm 22 xã hoàn thành chương trình nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 38 xã, bình quân mỗi xã đạt được 13 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Ông Triệu Tài Vinh chia sẻ rằng, Hà Giang là tỉnh đặc thù, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn tập quán và nhận thức, cách suy nghĩ khó thay đổi. Nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới cũng như Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thổi một luồng gió mới làm thay đổi cả nhận thức lẫn bộ mặt của nông thôn miền núi vùng cao hôm nay.
Để thay đổi được tư duy nhận thức của cả cán bộ cũng như người dân, cần xác định được hướng đi mới và hiệu quả với quyết sách đột phá để người dân tin và ủng hộ. Mà để làm được điều này, đòi hỏi phải có chủ trương, chính sách chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo.