
Ngày 9-4, quân giải phóng tiến đánh chiếm thị xã Xuân Lộc - Long Khánh, tuyến phòng thủ từ xa cuối cùng của Sài Gòn nhằm dọn sạch trở lực còn lại trên hành trình tiến về Sài Gòn.
Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc

Ngụy quân tung hết lực lượng nhằm đánh chiếm lại những gì đã để cho quân ta chiếm lấy nhưng chúng đã chạm phải một đội quân quá hùng mạnh. Tại ngã ba Dầu Giây, quân ta cũng đồng loạt tấn công Chiến đoàn 52 bộ binh từ ngày 12-4-1975 bằng biển người và tăng, pháo. Lần lượt các tiền đồn, phòng tuyến của Trung đoàn 52 bộ binh từ Kiệm Tân về tới ấp Phan Bội Châu trên quốc lộ 20 đều bị đánh cho tan tác. Cuộc đụng độ ác liệt nhất xảy ra vào chiều ngày 15-4-1975 ngay tại xã Giầu Giây giữa Chiến đoàn 52 và Binh đoàn 4 của ta, do Tướng Trần Văn Trà chỉ huy.
Quân ta sử dụng chiến thuật biển người làm cho Chiến đoàn 52 đều bị tiêu diệt sau mấy ngày đêm cầm cự. 9g đêm đó khi hầm chỉ huy của chiến đoàn bị sập, đại tá chiến đoàn trưởng cho rút quân, chỉ còn có 200 người sống sót! 10g sáng ngày 20-4-1975, lệnh bỏ Long Khánh được ban hành bởi Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh. Tất cả lực lượng tại đây rút quân qua liên tỉnh lộ. Và trong cuộc rút quân xuyên qua 4km rừng cao su đen nghịt này, lực lượng ngụy quân đã bị tổn thất một cách ghê gớm. Ngay trong đêm rút quân 20-4-1975, Đại tá Phạm Văn Phúc và Trung tá Lê Quang Định, Tiểu khu trưởng và Tiểu khu phó Tiểu khu Long Khánh đã bị tử thương.
Chiến thắng Xuân Lộc đã đập tan “cánh cửa thép” cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở xung quanh Sài Gòn, tạo ra một sức bật quyết định cho toàn cục diện chiến dịch Hồ Chí Minh. Với việc bỏ Xuân Lộc khiến Sài Gòn không còn phòng thủ từ xa nữa, quân giải phóng áp sát thành phố ở các tuyến ngoại vi. Cùng ngày 20-4, Đại sứ Mỹ Martin đến phủ Tổng thống thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ngày 21-4 Thiệu từ chức tổng thống nhường quyền cho Trần Văn Hương.
Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh quân giải phóng Miền Nam lúc đó, đã nhận định về chiến thắng này: “Đây là trận đánh quyết chiến chiến lược vô cùng lớn lao, đẫm máu nhất nhưng cũng oanh liệt nhất, thắng lợi lớn nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh… Trận đánh Long Khánh là trận mấu chốt để phá tan khu vực phòng ngự vững chắc của Mỹ ngụy và tiến công chiếm đánh Sài Gòn” (trích Miền Nam thành đồng đi trước về sau).
Giờ khắc lịch sử
Đến cuối ngày 28-4 tất cả các tuyến phòng thủ đã bị chọc thủng tại tất cả các hướng, quân giải phóng có thể đi ngay vào thành phố. Mỹ và các lực lượng chính trị của chính quyền Sài Gòn dàn xếp để đưa Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống trong ngày 28-4-1975. Ngay khi nhậm chức để tiến hành đàm phán Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi.
Trong các ngày 28, 29-4, từ các tàu sân bay ngoài khơi thủy quân lục chiến Mỹ dùng trực thăng di tản lực lượng quân đội Mỹ và lực lượng khác đã từng cộng tác chặt chẽ với họ. Cuộc di tản đã diễn ra trong lộn xộn và hỗn loạn. 8g sáng 30-4 Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân đối phương vào Sài Gòn để bàn giao chính quyền.
9g sáng cùng ngày, đúng 1 tiếng đồng hồ sau khi chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời nóc tòa đại sứ, Tướng Trần Văn Trà lệnh cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. 10g45 ngày 30-4, xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ Dinh Độc Lập. Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng, chỉ huy xe 843 - nhảy xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào. Xe tăng 390 húc tung cánh cửa chính của dinh. 11g30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trên nóc dinh xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên” (nguồn: Wikipedia). Sài Gòn đã về với ta.
Họ nói gì sau thất bại?
Sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn xuân 1975 bắt đầu từ cuộc triệt thoái khỏi Tây Nguyên mấy ngày sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ. Về nguyên nhân thất bại một cách nhanh chóng và thảm hại này, bản thân những người từng tham chiến đã nhìn nhận rằng, đó là do sự mâu thuẫn nội bộ, bưng bít thông tin. Những người cầm quyền cao nhất của chính quyền Sài Gòn sợ đảo chính phản động nên phân tán lực lượng không tập trung vào những mũi nhọn trọng yếu để chống đỡ. Khi thất bại rồi, họ đùn đẩy trách nhiệm.
Sự mâu thuẫn nội bộ ấy kéo dài đến tận đất Mỹ. Hoàng Văn Lạc, nguyên Thiếu tướng Tư lệnh phó Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn kể: “Sau chiến tranh, khi tới trại di cư trên đất Mỹ cả hai tướng Cao Văn Viên và Ngô Quang Trưởng được tổ chức Research Corporation tiếp xúc. Họ được Ban quân sử của Bộ Quốc phòng Mỹ trả tiền viết tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Mối bất đồng giữa Viên và Trưởng biểu lộ rõ rệt. Trưởng gán sự thất bại vào “Lãnh đạo tồi, chính phủ trung ương thiếu nhân tài…”. Trong khi tranh luận gay cấn, tướng Viên không hề lên tiếng nhưng sau buổi họp, tướng Viên kéo Khuyên (tức Đồng Văn Khuyên - Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiếp vận quân đội Sài Gòn) lại và nói: “Tụi nó học đòi thói mới! Nếu còn ở Việt Nam loại này đã bị vặn cổ toi mạng”.
Sự rạn nứt càng lớn khi sau này, trong các cuộc thảo luận về chiến tranh Việt Nam, Trưởng tỏ thái độ bất phục tùng từ việc chọn ghế ngồi đến chọn đề tài thảo luận. Tướng Trưởng thổ lộ: “Niềm tin đã mất, khi tới xứ này chỉ còn tâm tình, bổn phận”. Hoàng Văn Lạc ngậm ngùi kết luận: “Chính sự lầm lẫn của chúng ta đã khiến chúng ta thua trận, đã khiến chúng ta bỏ rơi quê hương và dân tộc để trốn chạy và sống một cách tủi hổ nên đất khách quê người”.
Mạnh Minh lược ghi
Bài 4: Cái hắt hơi cuối cùng
Thông tin liên quan |