Seaprodex - Nguy cơ xóa sổ một thương hiệu

Bài 2: Trách nhiệm cá nhân của tổng giám đốc

Sự tụt hậu có khả năng dẫn đến nguy cơ xóa sổ thương hiệu Seaprodex bắt nguồn từ vấn đề công tác tổ chức cán bộ. Dù có mày mò tìm kiếm mô hình hoạt động theo kiểu công ty mẹ – công ty con thì kết cục cũng sẽ thất bại, khi những yếu kém của bộ máy lãnh đạo không được chấn chỉnh kịp thời. Từ thời ông Lê Văn Phát, Seaprodex đã có những dấu hiệu “chớm bệnh” đi xuống. Nhưng đến thời ông Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Phương thì nó đã phát bệnh đến mức “di căn” khó có phương thuốc cứu chữa…
Bài 2: Trách nhiệm cá nhân của tổng giám đốc

Sự tụt hậu có khả năng dẫn đến nguy cơ xóa sổ thương hiệu Seaprodex bắt nguồn từ vấn đề công tác tổ chức cán bộ. Dù có mày mò tìm kiếm mô hình hoạt động theo kiểu công ty mẹ – công ty con thì kết cục cũng sẽ thất bại, khi những yếu kém của bộ máy lãnh đạo không được chấn chỉnh kịp thời. Từ thời ông Lê Văn Phát, Seaprodex đã có những dấu hiệu “chớm bệnh” đi xuống. Nhưng đến thời ông Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Phương thì nó đã phát bệnh đến mức “di căn” khó có phương thuốc cứu chữa…

  • Ê kíp gia đình...
Bài 2: Trách nhiệm cá nhân của tổng giám đốc ảnh 1
Bên trong trụ sở đồ sộ trên đường Đồng Khởi, thương hiệu Seaprodex đang mất dần uy tín trên thương trường. Ảnh CHIẾN DŨNG

Năm 1998 khi ông Nguyễn Đình Phương, vốn đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty kiêm Giám đốc Công ty Seaprodex Sài Gòn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Seaprodex Việt Nam, nhiều người đã không tin… chuyện lạ có thật. Bởi lẽ, trong thời gian điều hành Seaprodex Sài Gòn, ông Phương đã không chứng tỏ được năng lực và phẩm chất đạo đức thể hiện qua việc tình hình kinh doanh thủy sản của công ty này… tuột dốc không phanh: năm 1993, khi mới thành lập, doanh số xuất khẩu của Seaprodex Sài Gòn khoảng 14 triệu USD, nhưng từ khi ông Phương lên nắm quyền vào năm 1994 thì con số trên cứ giảm dần trung bình khoảng 15%/năm.

Có thể so sánh tốc độ phát triển của một đơn vị khác như FIMEX Sóc Trăng: Thành lập năm 1994, song doanh số xuất khẩu năm 1997 đã đạt 35 triệu USD và hoàn vốn 18,5 tỷ đồng trong 2 năm hoạt động, để thấy tài thao lược của ông giám đốc thích “nhập” hơn “xuất” tới cỡ nào. Trong khi ngành thủy sản nói chung tìm cách kiếm bạn hàng, giữ uy tín với các “thượng đế”, đầu tư vào khâu nguyên liệu, khai thác, chế biến thủy sản hướng vào xuất khẩu, thì giám đốc Nguyễn Đình Phương lại đi theo hướng ngược lại: Lấy nhập khẩu làm nền tảng… cho một đơn vị có chức năng xuất khẩu là trọng tâm. Ông Phương chỉ biết đắm đuối cách làm “phình to” doanh số bất kể phải nhập siêu đủ loại sắt thép, phân bón… Nhiều lô hàng thủy sản đã mở L/C (có những lô hàng trị giá trên 100.000USD), nhưng ông vẫn hủy “chê lãi không bao nhiêu” để dốc vốn cho những thương vụ nhập nóng.

Khi đã yên vị trên ghế Tổng Giám đốc Seaprodex Việt Nam, cái mà ông Phương quan tâm trước tiên không phải là giữ vững và phát triển bền vững thương hiệu Seaprodex mà là kế hoạch thâu tóm quyền lực, tạo dựng ê kíp, bổ nhiệm những người thân trong gia đình vào những vị trí then chốt. Hầu như mọi hoạt động của Ban giám đốc và HĐQT gần như tê liệt. Các phó tổng giám đốc – gần như không được “giúp việc” gì, không được quyết định những lãnh vực được phân công phụ trách. Đến độ, “quyền lực tối thượng” của ông còn lan tỏa tới tận cấp chuyên viên. Cách quản lý một tổng công ty như quản lý một cái làng kiểu “cục bộ” không thoát xa lũy tre xanh, dẫn đến chuyện Seaprodex từng bước phân rã, nội bộ chán nản, mất đoàn kết, mất dân chủ, ai nói người ấy nghe, những ý kiến đối lập bị cô lập…

Nhiều đơn vị thành viên, nhất là những đơn vị đã cổ phần hóa dần dần quay lưng đóng sập cửa trước mũi tổng công ty. Có khá nhiều đảng viên có năng lực và phẩm chất đạo đức, tâm huyết với sự nghiệp của Seaprodex dám mạnh dạn góp ý những việc làm sai trái đều bị ông Phương dùng những thủ đoạn tinh vi để buộc họ ra đi. Trong công tác cán bộ, để thực hiện ý đồ “chia để trị”, ông Phương đã đưa ông Trưởng ban Kiểm soát, kiêm Bí thư Đảng ủy lên giữ “ghế” đại diện tại một công ty liên doanh nước ngoài với nhiều khoản bổng lộc, lương với hệ số riêng đặc biệt (500%) để ông này nhắm mắt làm ngơ, thay vì phải thực thi chức trách kiểm soát của mình.

Hàng loạt các vụ bổ nhiệm, bố trí người có quan hệ ruột thịt nắm giữ các vị trí chủ chốt khác khiến nhiều nguời phân vân: Đây là Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam hay Tổng Công ty Thủy sản Nguyễn Đình Phương? Cụ thể đưa em ruột từ nhân viên phòng tài vụ Công ty Nuôi trồng thủy sản lên làm phó ban kiểm toán nội bộ. Một cô em khác được bổ nhiệm làm trưởng phòng kinh doanh. Ông Nguyễn Đình Phương cũng không ngần ngại điều chuyển một cử nhân tài chính-kế toán đi làm việc khác để đưa em gái mình (trình độ văn hóa trung học phổ thông) vào ngồi thay chỗ kế toán thu chi tiền mặt. Người em rể của tổng giám đốc cũng được đưa từ Seaprodex Sài Gòn lên làm phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh-phát triển nhà…

Để củng cố quyền lực, ông Phương cũng mạnh tay đưa một người đồng hương và là cậu ruột của vợ mới cưới, từ trưởng phòng lên Phó Giám đốc rồi Giám đốc Seaprodex Sài Gòn. Sau đó ông còn đề nghị Bộ Thủy sản đề bạt ông này giữ chức Phó Tổng Giám đốc Seaprodex Việt Nam, nhưng may mà đề nghị này đã không được bộ chuẩn y. Những việc làm trên của ông Phương đã vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh cán bộ công chức và những điều cấm đối với cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

  • Và những sai phạm khác

Ngày 28-11-2000, ông Phương ký quyết định giao ông Nguyễn Duy Dũng giữ chức trưởng ban tài chính kế toán Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, nhưng theo giấy đăng ký mở tài khoản gửi Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL ngày 30-11-2001 thì ông Dũng lại là kế toán trưởng tổng công ty (trước đó ông Phương đã có công văn đề nghị Bộ Thủy sản và Bộ Tài chính bổ nhiệm ông Dũng làm kế toán trưởng nhưng không được chấp thuận). Vậy thực chất của văn bản này là gì? Đó là việc ông Phương đã bỏ qua các nguyên tắc tổ chức để bằng mọi cách đưa ông Dũng vào “ghế ngầm” kế toán trưởng (thông qua việc thông báo, đăng ký chữ ký với ngân hàng, thuế…) nhưng bộ chủ quản, các đơn vị thành viên và ngay tại hệ thống văn phòng tổng công ty không hề được biết việc này.

Như vậy, có nghĩa là tại bộ phận tài chính của tổng công ty cùng lúc tồn tại 2 hệ thống tài chính, được giao dịch với 2 chức danh là trưởng ban tài chính và kế toán trưởng. Hậu quả là mới đây, một đoàn kiểm tra phần vốn của tổng công ty tại một công ty cổ phần là thành viên đã phát hiện một vụ việc có thể gây thất thoát 3,6 tỷ đồng: Theo lệnh điều động của tổng công ty, giám đốc đơn vị này đã chốt số liệu chuyển về tổng công ty 4,3 tỷ tiền lời, nhưng sau đó, ông Dũng đã bằng con đường nào đó chỉ ghi số tiền lời chuyển về hơn 700 triệu mà giám đốc công ty này không hề hay biết. Nếu sự việc không được kịp thời phát hiện thì coi như nhà nước đã mất trắng 3,6 tỷ đồng.

Những vấn đề gian lận tương tự rất có thể xảy ra tại các đơn vị thành viên khác trong quá trình chuyển lãi, chuyển cổ tức, cổ phiếu, tài sản… về tổng công ty khi ông Dũng cùng cô em ruột ông Phương với chức danh phó ban kiểm toán nội bộ, là những người có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tài chính của các đơn vị cổ phần lại kiêm luôn cả chức danh chủ tịch HĐQT và trưởng ban kiểm soát, trực tiếp quản lý phần vốn của tổng công ty tại công ty cổ phần. Và thật khó lý giải, tại sao Bộ Thủy sản lại nhắm mắt làm ngơ trước những hành động trái những quy định của nhà nước và pháp luật mà Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Phương đang thực hiện tại một trong những đơn vị một thời từng là biểu tượng và niềm tự hào của ngành thủy sản Việt Nam.

Với một ê kíp toàn người nhà, dễ hiểu tại sao ông Phương lại dễ dàng thao túng mọi hoạt động của tổng công ty. Một bản báo cáo về việc chi tiêu tiền mặt của Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Phương cho thấy ông đã tạo dựng một kênh riêng để thanh toán các khoản chi tiêu tiền mặt một cách vô nguyên tắc, không tuân thủ các quy định của nhà nước: Ước tính tổng số tiền mặt chi sai nguyên tắc cho ông Phương năm 2002 vào khoảng 1,04 tỷ và năm 2003 là gần 1,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2003, HĐQT gồm 3 người và đều kiêm nhiệm (trong đó có ông Phương) tuy đã có lương nhưng vẫn hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm mỗi tháng 17 triệu đồng/3 người. Đấy là còn chưa kể nhiều khoản chi bất hợp lý như chi bồi dưỡng ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, tiểu ban tái cơ cấu, chi đi nước ngoài, mua dụng cụ thể thao, thuốc…

Rõ ràng, việc Seaprodex lún sâu vào khủng hoảng, đi chệch hướng mục tiêu phát triển là sai lầm lớn trong khâu tổ chức cán bộ của Bộ Thủy sản khi bổ nhiệm người đứng đầu một tổng công ty lớn vừa thiếu phẩm chất đạo đức lẫn năng lực điều hành. Những vấn đề tích tụ từ lâu tại Seaprodex như nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, thiếu ý tưởng sáng tạo trong công tác kinh doanh … đã không được giải quyết rốt ráo làm trầm trọng thêm sự khủng hoảng của TCT. Và đây cũng là những vấn đề cấp thiết cần được xử lý để vực dậy và phát huy thương hiệu Seaprodex.

NHÓM PV CHUYÊN ĐỀ
 

Tin cùng chuyên mục