Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập do Hiêng Xomrin làm Chủ tịch, đã công bố cương lĩnh 11 điểm để tập hợp nhân dân Campuchia đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xari; kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia để hồi sinh đất nước. Đáp lời kêu gọi này, từ ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam
Trước đó, ngày 27-7-1978, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa IV đã ra Nghị quyết “Về tình hình, nhiệm vụ mới, xác định
Việt Nam vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh trên một bộ phận đất nước”; yêu cầu khẩn trương xây dựng, rèn luyện bộ đội chủ lực tinh nhuệ, tăng cường trang bị cho bộ đội địa phương, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 17-12-1978, Tiền phương Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ và thông qua quyết tâm chiến đấu cho các đơn vị tham gia cuộc tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Từ ngày 24-12-1978 đến tháng 1-1979, các đơn vị lực lượng vũ trang ở miền Nam thuộc Quân khu 9, Quân khu 7, Quân khu 5… đã liên tiếp phản công tiêu diệt quân Pôn Pốt trên địa bàn các tỉnh dọc tuyến biên giới Tây Nam.
Theo Trung tướng, PGS-TS Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, giai đoạn này ta chủ trương tiến công mạnh, quy mô tác chiến hiệp đồng quân binh chủng lớn hơn. Chiến trường đã sử dụng một bộ phận chủ lực đột phá, thọc sâu đánh nhanh, bao vây chặt và dùng lực lượng đặc công ém trước, đánh chiếm các đầu cầu quan trọng, bảo đảm cho lực lượng bộ binh, quân chủng, binh chủng đánh thẳng vào các mục tiêu chiến lược của địch. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định sử dụng 18 sư đoàn của các Quân đoàn 2, 3, 4; lực lượng vũ trang các Quân khu 5, 7, 9 cùng 600 xe tăng, xe thiết giáp, 173 máy bay các loại, 160 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, 7.000 ô tô, do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ huy.
Quân khu 5 sử dụng một bộ phận lực lượng có xe tăng, pháo binh và hỏa lực không quân chi viện đã tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 801 của địch, làm chủ khu vực dọc theo đường 19 từ biên giới kéo dài đến Stung Treng, sau đó phát triển lên phía Tây Bắc, hiệp đồng với các cánh quân của Quân khu 7, Quân đoàn 3 giải phóng một phần vùng Đông Bắc Campuchia; Quân khu 7 sử dụng một bộ phận lực lượng tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 260 và 2 trung đoàn ở Vùng 505, mở rộng địa bàn, phát triển tiến công theo đường 13, từng bước đánh chiếm Công Pông Thom. Quân khu 9 và Quân đoàn 2 mở đợt tiến công đánh chiếm khu vực núi Thái Sơn, tiêu diệt và làm tan rã các Sư đoàn 210, 250 của địch, sau đó phát triển theo 3 hướng. Hướng thứ nhất, phát triển theo trục đường 2, 3 giải phóng thị xã Takeo, tiến công đánh chiếm sân bay Pôchentông, khu vực Côngpông Chơnăng, Puôcxát. Hướng thứ 2, các Sư đoàn 304, 325 của Quân đoàn 2 hiệp đồng với Quân chủng Hải quân tiến công giải phóng khu vực cảng Ream. Hướng thứ 3, sử dụng một bộ phận tàu, thuyền tiến theo dọc sông Mê Công lên phối hợp đánh chiếm các bến cảng.
Quân đoàn 3 sử dụng toàn bộ lực lượng tiến công tiêu diệt và làm tan rã các Sư đoàn 174, 603, 310, 225, 280 và Mặt trận đường số 7, từng bước giải phóng Công Pông Chàm, mở rộng địa bàn làm chủ đường số 7, vượt sông đánh xuống khu vực phà Korenh Dung. Quân đoàn 4 sử dụng toàn bộ lực lượng, kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh tiến công tiêu diệt và làm tan rã các Sư đoàn 271, 460, 340, 703, 221 của địch, giải phóng nhiều khu vực thuộc tỉnh Xvây Riêng, đường số 1 từ Prasốt đến bến phà Niếc Lương.
Quân chủng Hải quân sử dụng một bộ phận lực lượng hải quân hiệp đồng với Sư đoàn Bộ binh 325 và Sư đoàn Bộ binh 304 của Quân đoàn 2, tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 164 Hải quân địch, giải phóng một phần cảng Ream, cảng Công Pông Xom. Sau đó sử dụng lực lượng tiến công tiêu diệt Sư đoàn 101 và tàn quân địch rút chạy về đảo Cô Công, giải phóng đảo và tỉnh lỵ Cô Công. Quân chủng Không quân hiệp đồng với lực lượng phòng không đánh địch trên không và đánh thẳng vào các sân bay địch; bảo vệ bộ đội lục quân, hải quân trong các chiến dịch; bảo vệ các mục tiêu chiến lược như TPHCM, Biên Hòa, các thị xã, thị trấn đông dân gần biên giới; chi viện hỏa lực cho các quân khu, quân đoàn trong tiến công, chủ yếu cho các lực lượng tiến công trên hướng chính; chi viện hỏa lực cho bộ đội hải quân tiến công theo đường sông, đường biển. Tổ chức các trận đánh sâu trong hậu phương địch, bảo đảm đánh trúng, đánh hủy diệt một số mục tiêu chiến lược, làm tê liệt các hoạt động của địch, tham gia bao vây tiêu diệt và bắt sống bọn cầm đầu phản động Campuchia. Tổ chức vận chuyển lực lượng, phương tiện cấp cứu, tải thương trong quá trình chiến dịch. Sau gần 2 tháng rưỡi liên tục tiến công trên toàn tuyến biên giới, quân ta đã đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị quân Pôn Pốt.
Giải phóng Phnôm Pênh
Thời cơ giành thắng lợi quyết định đã mở ra, Bộ Tổng tư lệnh tập trung lực lượng, phương tiện phản công trên 3 hướng: Hướng chủ yếu Bắc Tây Ninh; hướng quan trọng theo quốc lộ 1 và tỉnh lộ 24; hướng bổ trợ theo đường 19 kéo dài. Cuộc tổng phản công và tiến công chiến lược hiệp đồng quân chủng, binh chủng tiêu diệt địch, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh được chia thành 2 đợt.
Đợt 1, phản công đánh chiếm một số khu vực trên đất địch, tạo bàn đạp cho các hoạt động tiếp theo. Trong đợt hoạt động từ ngày 10-8 đến ngày 23-12-1978, lực lượng vũ trang các Quân khu 5, 7, 9 và các Quân đoàn 8, 4 đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều đơn vị của địch, thu nhiều phương tiện, vũ khí đạn dược; giải phóng một vùng rộng lớn từ Đông Xvây Riêng, đường 7, đến Salathông (đường 19 kéo dài), làm bàn đạp cho tiến công khi có thời cơ. Đồng thời góp phần giúp lực lượng cách mạng Campuchia hình thành và phát triển lực lượng. Ngày 28-12-1978, khi địch mở cuộc tiến công sang khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh, Sư đoàn 841, Quân đoàn 4 đã chủ động bao vây và tiến công tiêu diệt phần lớn quân địch ở khu vực Bến Sỏi, tạo bàn đạp vững chắc cho phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo.
Đợt 2, ngày 24-12-1978 lực lượng vũ trang Quân khu 7 đánh chiếm các trục đường 10, 13 ở Bắc và Tây Bắc Xoài Chia, phát triển về hướng thị xã Krachiê và giải phóng thị xã Krachiê. Ngày 25-12-1978, Quân đoàn 4 tiến công địch theo hướng đường 1, tiến vào giải phóng thị xã Xvây Riêng.
Cùng ngày, Quân đoàn 3 theo đường 7, đánh chiếm Suông Chúp, phát triển vào thị xã Công Pông Chàm. Lưc lượng vũ trang Quân khu 5 tiến công theo đường 19, phát triển theo hướng Ratanakiri và Stung Treng.
Ngày 30-12-1978, trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, địch rút chạy khỏi đường 19 và thị xã Krachiê. Ngày 31-12-1978, Quân đoàn 2 và Quân khu 9 đánh chiếm núi Xôm, Túcmía, nhanh chóng phát triển vào thị xã Takeo, Sư đoàn 4, Quân khu 9 phát triển về hướng thị xã Campốt.
Ngày 2-1-1979, các cụm quân chủ lực địch, mỗi cụm từ 4 đến 5 sư đoàn án ngữ các đường 1, 2, 7 bị đập vỡ, một số bị tiêu diệt, số còn lại tan rã và bỏ chạy. Nắm được thời cơ, chiến trường đã điều chỉnh lực lượng, sử dụng các quân đoàn chủ lực và các sư đoàn, lữ đoàn binh chủng chiến đấu, bảo đảm triển khai thế trận vững chắc trên các khu vực trọng điểm, kết hợp chặt chẽ với thế trận của lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào các thành phố, thị xã lớn của địch. Ngày 6-1-1979, quân ta được lệnh bắt đầu tổng công kích vào thủ đô Phnôm Pênh.
Quân đoàn 4 được Tiền phương Bộ giao nhiệm vụ là hướng tiến công chủ yếu vào Phnôm Pênh. Thực hiện quyết tâm của trên, Quân đoàn 4 quyết định sử dụng Sư đoàn bộ binh 7 làm lực lượng chủ yếu, Sư đoàn Bộ binh 341 làm lực lượng dự bị, các đơn vị hành quân bằng cả đường bộ, đường sông, nhanh chóng giúp bạn giải phóng thủ đô Phnôm Pênh.
Đúng 0 giờ ngày 6-1-1979, trong đội hình tiến công chung của toàn mặt trận, Sư đoàn Bộ binh 7 đánh chiếm mở rộng bàn đạp phía Đông Niếc Lương. 5 giờ ngày 7-1-1979, Trung đoàn Hải quân 926 triển khai xong phương tiện bảo đảm vượt sông, đến 7 giờ, đội hình còn lại của sư đoàn vượt gọn sang bờ sông bên kia. Một bộ phận của Sư đoàn Bộ binh 7 hiệp đồng cùng Trung đoàn Giang thuyền và Trung đoàn Đặc công ngược sông Mê Công, phối hợp với Binh đoàn 1 của bạn đánh vào Phnôm Pênh.
Trước sức tiến công hiệp đồng quân binh chủng trên các hướng, đúng 12 giờ ngày 7-1-1979, ta và lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnôm Pênh, chiến thắng chế độ diệt chủng, giải phóng nhân dân Campuchia, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh đất nước!
Ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Việt Nam cùng nhiều nước đã công nhận nước Cộng hòa nhân dân Campuchia. Ngày 17-1-1979, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng; phần lớn lực lượng Pôn Pốt bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia.
Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó luôn sáng ngời tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc. Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, nhớ lại: “Dân ta đói, nhưng chúng ta vẫn tập trung bạn lại, cung cấp lán, trại, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện cho đồng bào Campuchia sinh sống. Cùng với các đồng chí cách mạng chinh chiến Campuchia vận động, tuyển chọn, huấn luyện, xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia từ không thành có, từ nhỏ đến lớn. Từ đó, chúng tôi sống, công tác với các đồng chí cán bộ Campuchia, cảm nhận được nghĩa tình của đồng bào, đồng chí Campuchia đối với chúng ta như anh em ruột thịt, kể từ đó đến bây giờ”. |