Sinh ra và lớn lên tại xã Má Lé (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), đại úy Vừ Mí Chứ, sinh năm 1987 (Chính trị viên phó đồn Biên phòng Sơn Vĩ, Bội đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) ngay từ những ngày còn cắp sách tới trường đã nuôi dưỡng ước mơ: lớn lên sẽ thành bộ đội Biên phòng để góp phần giữ vững từng tấc đất của quê hương.
Cơ duyên đã đến với Vừ Mí Chứ khi năm 2006, anh đã trúng tuyển vào Trường sĩ quan Lục quân I, từ đó, cánh cửa trong cuộc đời binh nghiệp của Vừ Mí Chứ mở ra. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, Vừ Mí Chứ được chuyển sang lực lượng Bộ đội Biên phòng và nhận công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú.
Đồn Biên phòng Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) - là nơi địa đầu Tổ quốc. Ở đó, địa bàn rộng, người dân nghèo, thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông giá rét thì kéo dài, mùa khô thì thiếu nước.
Thêm vào đó, phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ, nhận thức của người dân còn hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo.
Thực tế đó khiến Vừ Mí Chứ - Đội trưởng đội vận động quần chúng đã quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc". Anh hiểu vì sao Bác Hồ thường nhắc đến câu ca truyền miệng của nhân dân Quảng Bình “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Là người con của đồng bào dân tộc H’Mông, được công tác trên chính mảnh đất quê hương, Vừ Mí Chứ đã vận dụng tốt kiến thức học được trên ghế nhà trường, nỗ lực phấn đấu, không quản khó khăn, gian khổ; hàng ngày cùng với đồng đội lặn lội, tích cực bám chắc địa bàn, vận động nhân dân 2 xã Lũng Cú và Má Lé không nghe lời kẻ xấu, chăm chỉ làm ăn, cho con em đi học.
2 xã xã Ma Lé và xã Lũng Cú có tới 2.600 trẻ em độ tuổi đến trường, nhưng nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cả cha lẫn mẹ, các cháu sẽ không được đến lớp nếu như không có sự giúp đỡ. Thấu hiểu điều đó, Vừ Mí Chứ rất tích cực tham gia chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Năm 2014, khi chương trình được phát động ở đơn vị, Vừ Mí Chứ đã xung phong trực tiếp tham gia để cùng đồng đội nhận đỡ đầu 8 cháu học sinh khó khăn. Trong đó có 3 cháu nhỏ là 3 chị em trong một gia đình người H’Mông rất đáng thương (bố chết, mẹ đi lấy chồng xa, các cháu ở với bà nội đã hơn 70 tuổi, không còn khả năng lao động, nuôi dưỡng, chăm sóc cháu).
Vừ Mí Chứ đã dành hết tình yêu thương của mình cho 3 con, coi chúng như con đẻ. Hàng ngày, anh dạy các con từ việc vệ sinh cá nhân cho đến ăn uống, đưa đón các con đến trường; Hướng dẫn các con học tập; Cho đến khi các con chìm trong giấc ngủ, Vừ Mí Chứ mới yên tâm trở về phòng của mình.
3 đứa trẻ gọi Vừ Mí Chứ là cha.
“Những ngày đầu 3 con mới về đơn vị, việc nuôi dưỡng và dạy bảo các con gặp không ít khó khăn. Cháu bé nhất mới 4 tuổi, cả 3 con không thông thạo tiếng phổ thông, tôi vừa dạy nói, dịch tiếng, rồi dạy chữ, dịch chữ. Nhưng với tâm niệm dành cho những đứa trẻ tình thương yêu như chính con ruột của mình nên tôi không quản ngại vất vả. Tôi đã dành gần như hoàn toàn thời gian trống của mình để chăm sóc cho 3 đứa con nuôi tại đồn”, Vừ Mí Chứ kể.
Rảnh là anh lại xuống bản, làng giúp dịch tiếng H’Mông sang tiếng Việt và ngược lại phụ để giúp giáo viên ở lớp học… Chính vì vậy, thời gian dành cho vợ con, gia đình còn rất ít, chứ nói gì đến thời gian cho bản thân để nghỉ ngơi, thư giãn. Nhiều tối giúp các con xong học tập, Vừ Mí Chứ phải tiếp tục thức tới 1-2 giờ sáng để làm nốt các công việc của mình.
Đầu năm nay, Vừ Mí Chứ được điều động công tác sang đồn Biên phòng Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang - cách đồn Biên phòng Lũng Cú 100 km. Đến với đơn vị mới, đồn Biên phòng Sơn Vĩ - đóng ở xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, Vừ Mí Chứ lại ngay lập tức hành trình cũ: nhận nuôi dưỡng, làm cha 6 đứa trẻ mồ côi.
Với người lính biên phòng người H’Mông Vừ Mí Chứ, hành trình tốt đẹp đó chưa bao giờ ngừng nghỉ. Vừ Mí Chứ đã trở thành biểu tượng, hình ảnh đẹp nhất trong đồng bào các dân tộc của Bộ đội Biên phòng Hà Giang về tình cảm quân dân như “cá nước”, lan truyền sâu rộng trong lực lượng bộ đội Biên phòng Hà Giang và cả nước.
Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp (sinh năm 1970), Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế là một trong 10 cá nhân được TP Hà Nội vinh danh Công dân thủ đô ưu tú năm 2020. Ông là đại diện duy nhất của ngành y tế có mặt trong danh sách này.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay từ đầu dịch là cơ sở y tế điều trị chính bệnh nhân Covid-19 ở miền Bắc, chưa kể những người nghi nhiễm hay có yếu tố dịch tễ cách ly theo dõi. 9 tháng qua, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cùng đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện luôn ở tuyến đầu trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, đóng góp rất to lớn trong việc khống chế thành công dịch Covid-19.
Giai đoạn đầu khi mới tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp đã ngày đêm lo lắng.
Covid-19 là một bệnh lý mới nên các hiểu biết chung về bệnh này trên thế giới không có nhiều ngoài một số kinh nghiệm từ Vũ Hán. Điều đó đã gây rất nhiều khó khăn rất trong quá trình điều trị cho người bệnh của bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp.
Thời gian đó, các quan điểm điều trị, kỹ thuật, chiến lược đều căn cứ vào kiến thức sẵn có trên cơ sở nghiên cứu của những bệnh lý tương tự như Mers-CoV, SARS, Cúm. Nhưng việc xây dựng chiến lược, phương án điều trị trên cơ sở hiểu biết về những bệnh lý tương tự khi áp sang bệnh lý này không phải lúc nào cũng đúng, đòi hỏi bác sĩ luôn phải theo sát bệnh nhân, tìm ra được vấn đề thực sự của bệnh nhân để điều trị cho đúng.
Sau 1 thời gian, các bác sĩ cũng dần có những kinh nghiệm, dần hiểu biết về bệnh lý này hơn, các nghiên cứu trên thế giới cũng dần sáng tỏ, từ đó việc chẩn đoán điều trị mới rõ ràng.
“Đã có những quyết định can thiệp đòi hỏi lòng can đảm, dũng cảm, bởi nếu đối chiếu với sách vở, với bệnh lý tương tự như vậy, can thiệp đó có vẻ chưa đúng, nhưng đối với trực tiếp cá thể bệnh nhân, đó là quyết định đúng”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhớ lại.
Những kinh nghiệm quý báu đó đã được bác sĩ Cấp truyền đạt lại cho đồng nghiệp khi được cử vào chi viện tại Bệnh viện Huế trong đợt dịch thứ 2 bùng phát ở Đà Nẵng, giúp cho ngành y tránh được những loay hoay, khó khăn như giai đoạn đầu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng là người có nhiều sáng kiến cải tiến trong chiến lược điều trị cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế. Chính ông trực tiếp nghiên cứu cải tiến bộ mũ trùm đầu và thiết bị lọc không khí cá nhân di động cho thầy thuốc khi làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao. Những thiết bị này được ứng dụng ở một trong những giai đoạn vô cùng nguy hiểm là chuyến bay đi đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo trở về, trong đó có nhiều người nhiễm Covid-19.
Sau hơn 30 giờ đồng hồ trên chuyến bay có nguy cơ lây nhiễm cao đó, đến thời điểm công bố toàn bộ đoàn đi về từ đội ngũ y tế, tổ bay đều khỏe mạnh, không ai bị lây nhiễm thì tất cả mọi người mới dám vui mừng.
“Đó là chuyến đi kết tinh tất cả những cố gắng từ trước, từ những tính toán, bước chuẩn bị đến kinh nghiệm, quan điểm, kiến thức về bệnh lý”- bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Theo ông, làm bác sĩ hồi sức trong ngành truyền nhiễm, mọi khó khăn nhân lên gấp đôi. Nhưng sự tiến triển tốt của bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh khó trong những đợt dịch nguy hiểm, chính là niềm vui lớn mỗi ngày, là động lực để những người thầy thuốc chân chính phấn đấu…
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Bây giờ xã hội mới, không có áp bức bóc lột, ai cũng có thể vươn tới đỉnh cao của đạo đức cách mạng. Những gương thánh hiền ngày xưa chỉ có mấy chục và là chuyện của nước ngoài, chuyện tưởng tượng ra. Còn thánh hiền ngày nay bao gồm hàng triệu con người có thật trong nhân dân Việt Nam ta, ở trong nhà hay ra ngõ đều có thể gặp được. Đó là những anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua... đang cùng nhau viết nên những trang sử vô cùng oanh liệt mà con cháu ta sẽ mãi mãi tự hào”.