Bài 2: Không “phòng” khó “chống”!

Đối mặt với thiên tai chúng ta có một hệ thống: Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn, có mặt từ trung ương đến tỉnh rồi xuống huyện, về xã. Khi có bão lũ xảy ra, ban này túc trực 24/24 giờ, họp “liên tục”, chỉ đạo “quyết liệt”, triển khai “tới nơi tới chốn”, nhưng rồi thiệt hại nặng nề vẫn cứ xảy ra. Vì sao?Bất lực nhìn dân chết dần trong bão lũ
Bài 2: Không “phòng” khó “chống”!

Đối mặt với thiên tai chúng ta có một hệ thống: Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn, có mặt từ trung ương đến tỉnh rồi xuống huyện, về xã. Khi có bão lũ xảy ra, ban này túc trực 24/24 giờ, họp “liên tục”, chỉ đạo “quyết liệt”, triển khai “tới nơi tới chốn”, nhưng rồi thiệt hại nặng nề vẫn cứ xảy ra. Vì sao?

Bất lực nhìn dân chết dần trong bão lũ

Nhìn lại cơn bão số 11 và cơn lũ do ảnh hưởng của bão (tháng 11 vừa qua), tâm bão đổ bộ là hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đường đi của cơn bão được dự báo, cập nhật liên tục và các địa phương tất bật triển khai. Mọi phương án phòng chống bão lũ dù đã lên kế hoạch rất chi tiết nhưng những câu chuyện chúng tôi ghi lại sẽ khiến bạn đọc đau lòng.

Bất chấp lệnh cấm ra biển của Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, 5 giờ sáng ngày 2-11, anh Hồ Kỳ Thôi ngụ tại khu vực 2, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định cùng 3 ngư dân khác, mỗi người bơi một thuyền thúng ra biển Xuân Diệu để vớt lưới, vì sợ bão cuốn trôi.

Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, gió bắt đầu thổi mạnh, các ngư dân khác đã bơi được vào bờ nhưng thúng của anh Thôi bị gió đẩy trôi dần ra biển. Nhiều ngư dân địa phương đứng trên bờ nhìn thấy anh Thôi vẫy tay kêu cứu nhưng không thể ứng cứu được, liền báo với các cơ quan chức năng.

Lãnh đạo tỉnh, công an, bộ đội biên phòng có mặt tại hiện trường, huy động các phương tiện ứng cứu, nhưng đành bó tay. Bởi các ca nô, bo bo hiện có không thể hoạt động trên biển trong điều kiện gió bão đang ở cấp 9, cấp 10. Đặc biệt tàu SAR 27 của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực 2 cũng không tiếp cận được.

Vậy là tất cả đành đứng trên bờ nhìn anh Thôi mờ dần đến khi chỉ còn một dấu chấm nhòa nhạt trong mưa bão, rồi mất hẳn. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Anh Nguyệt đứng trên bờ khóc hết nước mắt, van nài mọi người cầu cứu khản giọng… Hai ngày sau, xác anh Thôi được phát hiện tại bãi biển Quy Hòa, cách nơi bị bão cuốn trôi 2km.

Người dân miền Trung rất cần các loại ca nô, xuồng máy để di chuyển mỗi khi lũ lụt xảy ra. Ảnh: Nguyễn Hùng

Người dân miền Trung rất cần các loại ca nô, xuồng máy để di chuyển mỗi khi lũ lụt xảy ra. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trong cơn lũ này, 11 lưu vực sông Hà Thanh, tỉnh Bình Định là nơi bị thiệt hại nặng nhất cũng bị động nhất trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Theo một báo cáo của UBND tỉnh giải thích: Ngay trong đêm ngày 2 và ngày 3-11, UBND tỉnh đã huy động ca nô, xe thiết giáp… cùng 1.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tham gia cứu dân ở lưu vực sông Hà Thanh. Tuy nhiên, do lũ to, nước chảy xiết, trang bị và phương tiện cứu hộ, cứu nạn của địa phương không đáp ứng được yêu cầu nên không tiếp cận được nhiều điểm dân cư bị ngập trong lũ, “gây nhiều tổn thất về người và của”.

Một trường hợp bị thiệt hại đau lòng xảy ra tại phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn. Tối ngày 2-11, ngôi nhà của ông Nguyễn Lợi ở khu vực 4 đã bị ngập trong lũ. Cả gia đình phải ăn mì tôm sống và uống nước mưa để cầm cự 2 ngày liên tiếp. Đến sáng 4-11, vì quá khát nước nên ông Lợi dùng đò nan để đưa vợ và con gái vào chân núi tìm nước ngọt. Trên đường đi, đò lật úp, cả ba người rơi xuống nước lũ, chỉ duy nhất ông Lợi được cứu sống.

Chúng tôi cũng ghi lại được câu chuyện tại tỉnh Quảng Ngãi, trong cơn bão số 9. Sau khi bão đổ bộ, lãnh đạo địa phương này cho rằng đó là do dự báo không chính xác, thời gian bão đổi hướng quá nhanh khiến công tác phòng chống bị động, lúng túng. Trong khi các địa phương khác di dời hàng ngàn hộ dân thì Quảng Ngãi vẫn “ung dung” vì nghĩ là bão đi theo hướng khác nên chỉ di dời được vài trăm hộ dân. Vì trở bộ không kịp, trong cơn bão này Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề, 27 người chết, tài sản mất gần 5.000 tỷ đồng!

Phương tiện thiếu, yếu, thô sơ!

Trong đợt bão lũ số 11 vừa qua, chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến câu chuyện “tự lo” cứu hộ ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ một xã năm nào cũng lũ lụt, nhiều lần “xin” huyện mua một chiếc xuồng nhưng không có kinh phí. Cuối cùng xã tự xoay xở có được một chiếc xuồng tự chế, máy nổ là hàng phế thải của hợp tác xã. Nhờ đó, 50 người đã được cứu trong đêm gió giật nước gào!

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã không giấu được nỗi lo lắng: “Xuồng tự chế cứu được người là may rồi, nhưng anh em lại không có bằng lái tàu, không thuộc “diện” nào, thấy người bị nạn thì nhào ra đi cứu, nếu lỡ xảy ra sự cố thì không biết làm sao?”.

Câu chuyện của xã An Ninh Tây gần như là thực trạng cứu hộ cứu nạn của các tỉnh miền Trung: phương tiện thiếu thốn, yếu kém nên bị động khi bão lũ ập đến; người dân “tự bơi” là chính. Điều này đã được ông Biện Minh Tâm, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, thừa nhận: “Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh chưa được trang bị đáp ứng yêu cầu; địa hình phức tạp rất khó khăn khi triển khai nhất là khi lụt bão lớn, vào ban đêm. Cần đào tạo lực lượng lái ca nô có tay nghề tốt hơn nữa…”.

Đó cũng chính là điểm yếu của tỉnh Bình Định. Các phương tiện tìm kiếm cứu nạn của tỉnh chỉ đi lại được… dưới gió cấp 6, nhưng lại không thể đi sâu vào các vùng ngập lụt để tìm kiếm cứu nạn. Một số ca nô, bo bo không được bảo trì đúng quy trình nên khi thực hiện nhiệm vụ máy không nổ, làm chậm trễ và gây nguy hiểm (!). Mới đây, hai phương tiện cứu hộ vào loại hiện đại nhất của tỉnh được Chính phủ bàn giao ngày 6-11-2009 là loại xuồng ST 750 cũng chỉ có thể chở 10 người/tấn hàng, chỉ hoạt động được với gió ở cấp 6, cấp 7 - trong khi bão lũ miền Trung thường xuyên cấp 12 trở lên!

Không được trang bị phao cứu sinh, người dân vùng “rốn” lũ Thừa Thiên - Huế phải túm ni lông làm phao để bơi qua dòng nước xoáy. Ảnh: Văn Thắng

Không được trang bị phao cứu sinh, người dân vùng “rốn” lũ Thừa Thiên - Huế phải túm ni lông làm phao để bơi qua dòng nước xoáy. Ảnh: Văn Thắng

Thừa Thiên-Huế gần như là rốn lũ của miền Trung. Tất nhiên, việc chuẩn bị những phương tiện cứu hộ cứu nạn là hết sức cần thiết, vì thế tỉnh đã từng đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ 2 chiếc tàu 240CV chạy bằng dầu diesel; 5 chiếc ca nô cao tốc 30CV; 4.000 áo phao cứu sinh và phao tròn cứu sinh.

Đến nay, Thừa Thiên-Huế mặc dù đã trải qua một cơn bão, một trận lũ làm 15 người chết thì ủy ban này mới chỉ hỗ trợ cho địa phương này 1.000 phao tròn cứu sinh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những năm qua việc cứu hộ, cứu nạn tại Thừa Thiên-Huế gần như trông chờ vào phương tiện của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, nhưng tính đến tháng 8-2009, hai đơn vị này chỉ có 14 tàu xuồng từ 450 - 660CV; gần 2.000 phao tròn và áo phao và phao bè… Chừng ấy phương tiện cứu hộ cứu nạn nếu phân bố cho 8 huyện và thành phố Huế với diện tích 5.053,99km2, dân số hơn 1,1 triệu người thì đây có phải là kiểu cứu hộ “được chăng hay chớ”?

Nhằm hỗ trợ cho miền Trung chống chọi với thiên tai, có Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (MRCC), đóng tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Long, Giám đốc MRCC: Việc cứu nạn trong tình trạng sóng to gió lớn rất khó khăn, vì gió bão mạnh trên cấp 10 thì không thể ra khơi. Trong khi đó, địa bàn hoạt động của MRCC rất rộng từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, nhưng phương tiện cứu nạn chỉ có 3 tàu Sar (Sar 412, Sar 274, Sar 27- 01), nên việc cứu người ở những vùng xa là rất khó khăn!

Trong những năm qua, mỗi cơn bão lũ lớn sắp xảy ra, tại các tỉnh miền Trung thường thành lập Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tiền phương, khi bão tan, lũ rút thì ban này cũng… rút về hậu phương. Sự hiện diện của cơ quan trung ương còn lại là Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên. Nhiệm vụ của đơn vị này chỉ là tổng hợp, báo cáo tình hình lên Trung ương; tổ chức trực tuyến khi có Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tiền phương được thiết lập!

Ông Văn Phú Chính, Giám đốc trung tâm này nhận định, hiện nay lực lượng làm công tác phòng chống bão lụt ở các địa phương miền Trung năng lực còn yếu và thiếu. Không những thế, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn thì hầu như không có. Riêng tại Phú Yên, đến mức trụ sở của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt cũng không có thì nói gì đến các phương tiện!

Phải chăng tất cả những câu chuyện trên đã phơi bày sự thật: Chúng ta chưa “phòng” thì làm sao mà “chống” được bão lũ?

Tháng 11-2008, đoàn kiểm tra cứu hộ, cứu trợ do một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định dẫn đầu dùng ca nô đi đến địa phận thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát, Bình Định) thì bị trục trặc giữa dòng lũ, vì người điều khiển không thuộc địa hình nên để chân vịt ca nô quấn vào gốc tre, tắt máy. Chiếc ca nô trôi lòng vòng xung quanh gốc tre, sau đó phải điều một ca nô khác đến ứng cứu.

Sáng ngày 3-11-2009, trong tình huống lũ đang dâng nhanh, ca nô của Huyện đội An Nhơn được kéo đến hạ lưu đập Thạnh Hòa để thực hiện công tác cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp. Mì tôm, nước uống đã được chuẩn bị sẵn sàng thì máy ca nô lại không khởi động được. Gần một buổi sáng khởi động không thành công, ca nô được kéo về nơi xuất phát để sửa chữa!



Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện: Lợi và hại. 

L.THIỆN - H. TRỌNG - V. THẮNG

* Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Bão dồn, lũ dập

Tin cùng chuyên mục