Thay đổi lớn về ý thức trách nhiệm
Trong 3 quý đầu năm 2018, toàn TPHCM đã xử lý 1.323 thông tin phản ánh theo Quy định 1374 đến từ 4 nguồn, gồm: ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo và thông tin từ báo chí. Điều này góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều bức xúc của người dân, nhất là một số vụ việc nổi cộm, gây bức xúc, chậm giải quyết hoặc giải quyết kéo dài.
Tuy nhiên, tình trạng đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân khiếu kiện vượt cấp, được HĐND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng UBND TPHCM… chuyển về các cơ quan có trách nhiệm giải quyết hiện vẫn còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng HĐND TPHCM, bên cạnh hàng loạt kiến nghị của cử tri được phản ánh bằng nhiều hình thức, mỗi năm HĐND TP còn nhận riêng khoảng 2.000 đơn thư của người dân và chuyển về các cấp, ngành giải quyết theo thẩm quyền.
Về thực trạng này, Ban Tiếp công dân TPHCM nhận xét, một số cán bộ, công chức chưa nắm vững các quy định, thiếu nghiên cứu hồ sơ… khiến người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo lòng vòng. Điều này không chỉ làm tốn thời gian, công sức, tiền bạc và bức xúc cho người dân mà còn dẫn đến tình trạng khiếu nại vượt cấp. Mặt khác, hiện cũng chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về quy trình, xử lý, giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân khiến việc giải quyết đơn thư kéo dài.
Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng nhìn nhận, lâu nay vẫn có tình trạng nhiều đơn vị liên quan bị động trong việc xử lý các thông tin phản ánh hoặc khiếu nại, tố cáo của người dân. Theo đó, các đơn vị có thể đã xử lý nhưng xử lý “trong phạm vi nội bộ”; đồng thời, không chủ động báo cáo kết quả xử lý lên cấp trên hoặc chỉ báo cáo khi có yêu cầu. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, chỉ từ khi Quy định 1374 có hiệu lực mới tạo ra sự thay đổi lớn về ý thức trách nhiệm trong việc ghi nhận, xử lý các thông tin phản ánh từ các nguồn của báo chí; ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội và hoạt động giám sát của MTTQ các cấp.
Cùng bày tỏ về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng nhận xét: “Trước đây khi chưa có Quy định 1374, các thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo tuy vẫn được chỉ đạo xem xét, xử lý nhưng một số vụ việc còn chậm giải quyết. Nhưng từ khi áp dụng Quy định 1374 đến nay, quận Gò Vấp đã giải quyết kịp thời nhiều vụ việc, trong đó có những việc tồn tại kéo dài nhiều năm như vụ việc ở phường 12”.
Đồng chí Nguyễn Trí Dũng phân tích thêm, Quy định 1374 yêu cầu không chỉ giải quyết thông tin phản ánh mà còn xem xét trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có liên quan. Qua một thời gian áp dụng, một số cán bộ đảng viên của quận Gò Vấp đã bị xử lý kỷ luật. Điều này có tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc giải quyết các yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy định 1374 vẫn còn gặp một số khó khăn. Các nguồn thông tin tiếp nhận chủ yếu là từ báo chí, chưa tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin khác. Một vài đơn vị thực hiện quy trình phản ánh còn lúng túng, nhất là trong việc phân loại 4 nguồn tin; cập nhật nguồn thông tin phản ánh của báo chí chưa kịp thời, việc lập kế hoạch xử lý, chỉ đạo giải quyết chưa chủ động. Ngoài ra, một số vụ việc xảy ra từ nhiều năm, cần có thời gian để kiểm tra, xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức nên việc đảm bảo thời gian xử lý theo Quy định 1374 (45 ngày làm việc) gặp khó khăn.
Giám sát những nơi có nhiều phản ánh
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đề cập đến nguyên nhân chính yếu khác là do một số cấp ủy, người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu sâu sát, nắm bắt thông tin dư luận và thiếu kiểm tra, đôn đốc nên tiến độ chỉ đạo giải quyết thông tin phản ánh chưa đạt yêu cầu.
Phân tích rõ hơn, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, điểm nổi bật của Quy định 1374 là khi có thông tin phản ánh thì bí thư cấp ủy và cấp ủy quản lý cán bộ, đảng viên nơi có thông tin phản ánh phải trực tiếp chỉ đạo xử lý với thời hạn cụ thể. Trường hợp cấp ủy có thẩm quyền không chỉ đạo xử lý hoặc xử lý không nghiêm thì cấp ủy cấp trên sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết thông tin phản ánh, đồng thời xem xét trách nhiệm của cấp ủy cấp dưới. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy cũng giao các ban đảng theo dõi, chỉ đạo việc xử lý thông tin phản ánh từ 4 nguồn, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm có nhiều thông tin phản ánh… Với cách làm mới này, qua một thời gian thực hiện Quy định 1374, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo xử lý kịp thời các thông tin phản ánh và mạnh dạn xử lý những tập thể, cá nhân sai phạm. Kết quả bước đầu đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong chỉ đạo tại một số cơ sở chậm giải quyết hoặc giải quyết kéo dài.
Để đảm bảo Quy định 1374 phát huy hiệu quả thật sự, Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu chú trọng đến việc chậm trễ xử lý thông tin phản ánh. Theo đó, Đảng đoàn HĐND TPHCM, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM giám sát, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xử lý những tập thể, cá nhân đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không khắc phục, chậm xử lý hoặc xử lý chậm trễ. Mặt khác, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng sẽ tổ chức giám sát chuyên đề đối với các đơn vị có nhiều thông tin phản ánh hoặc dư luận quan tâm và kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm hoặc xem xét, xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo yêu cầu của Tổ công tác 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Cơ sở chọn lọc cán bộ Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, |