Chiến thắng Điện Biên Phủ - Tầm vóc thời đại!

Bài 2: Điện Biên Phủ qua những hồi ức

Sau 65 năm, chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa nay đã trở thành một thành phố trẻ nhộn nhịp sức sống. Con đường Võ Nguyên Giáp chạy dài suốt trung tâm thành phố như gợi nhắc muôn đời về người Đại tướng kính yêu cùng trận chiến “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Những người lính góp phần làm nên chiến thắng đó nay không còn nhiều và đều đã trên dưới 90 tuổi. 

Chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn, khi vẫn được nghe chính nhân chứng lịch sử kể chuyện đánh trận năm xưa.

Câu chuyện của những người anh hùng

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, cung cấp thông tin: Hiện cả tỉnh còn khoảng hơn 400 cụ là người tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong số các cựu binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ một số ít các cụ còn minh mẫn, trí nhớ tốt. 

Cụ Phạm Bá Miều nguyên Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 - người trực tiếp có mặt trong những trận đánh giành giật từng tấc đất ở đồi A1. Ngót 90 tuổi, nhưng trong câu chuyện, từng chi tiết nhỏ của trận chiến cách đây 65 năm vẫn được cụ kể lại rành rẽ, đầy cảm xúc. Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1, vừa chiến đấu vừa kiến thiết công sự, đào hào từ Tà Lèng xuống đồi A1, sau đó phối hợp với đại đội công binh tiếp tục đào đường hầm ngầm từ chân lên đỉnh đồi để đặt khối bộc phá. “Trời mưa tầm tã, hàng trăm chiến sĩ thay nhau đào hầm. Đất đồi thì cứng, nhưng chúng tôi chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ để đào. Mất 13 ngày để hoàn thành đường hầm ngầm đặt khối bộc phá nặng 960kg. Đêm 6-5-1954, đơn vị tôi được lệnh kích nổ khối bộc phá, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài giờ, nhưng rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì chết ngạt”, cụ Miều nhớ lại.

Dấu vết khối bộc phá 960kg trên đồi A1
 Chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Đức Cư - người trực tiếp kéo pháo vào trận địa, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường lịch sử Điện Biên Phủ. Đón chúng tôi là một cụ già râu tóc bạc phơ nhưng thần thái còn minh mẫn, khỏe mạnh. Khi chúng tôi hỏi tuổi, giọng nói hào sảng, cụ trả lời: “Tôi tham gia đánh trận Điện Biên năm 25 tuổi, vậy các chị biết tôi năm nay bao tuổi chứ”. Cụ Phạm Đức Cư kể: Đầu năm 1953, cụ và một số đồng đội được cử sang Trung Quốc học kỹ thuật pháo cao xạ. Cuối năm 1953, 2 tiểu đoàn pháo cao xạ trở về nước tham gia chiến dịch Trần Đình, mà sau này, khi chuẩn bị vào trận đánh, cụ mới hay đó là mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn pháo cao xạ 394 được lệnh kéo pháo lên Tây Bắc. Trong ký ức người lính già, mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, phải có 80-100 người kéo. Kéo đến đâu mở đường đến đó, dốc hẹp, mưa trơn, vực thẳm hai bên, lại phải kéo pháo ban đêm, không được soi đèn để bảo đảm bí mật tuyệt đối. 2 chiến sĩ khoác mảnh dù trắng được cử đi trước để làm tiêu kéo pháo. Chỉ cần sơ suất một li là cả người và pháo văng xuống vực. Mỗi lần qua bãi lầy, chiến sĩ phải vác đá kè và chặt cây rừng rải để chống lầy, mỗi đêm pháo chỉ kéo đi được hơn 1km. Giày dép hỏng, chiến sĩ phải dùng chân trần, trụ đất mà kéo, máu lẫn bùn đất. 9 đêm gian khổ, khẩu pháo cuối cùng cũng đã vượt qua dãy núi Phuphaxong cao 1.150m vào trận địa. 


“Rất bàng hoàng, nhưng chúng tôi được báo là Đại tướng đã quyết định thay đổi chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Kéo pháo vào đã khó, kéo ra càng khó hơn, vậy mà những người lính pháo cao xạ đã 3 lần kéo pháo bằng sức người: kéo vào, kéo ra rồi lại kéo vào”, cụ Cư nhớ lại. 

Suốt 56 ngày đêm trong mưa bom lửa đạn, những người lính pháo cao xạ của quân đội ta đã anh dũng bắn rơi 52 máy bay địch, phá hỏng hơn 117 máy bay địch, cắt đứt đường tiếp tế bằng cầu hàng không của địch trên vùng trời Điện Biên Phủ.

Câu chuyện chiến đấu của những cựu chiến binh năm xưa đều rất dài, nhưng điều khiến người nghe ám ảnh nhất vẫn là chuyện trước và sau mỗi trận đánh, họ phải lần mò tìm kiếm xác đồng đội dưới chiến hào. “Những ngày mưa, nước ngập quá đầu gối. Chiến hào nhỏ, người đi trước ngã xuống thì người sau tiến lên, dẫm lên nhau để tiến về phía trước, khi quay lại tìm thì anh em đã bầm dập rất nhiều, xót lắm”, cụ Phạm Bá Miều nhớ lại. Đó là lý do mà những ngôi mộ liệt sĩ vô danh cứ thế kéo dài nơi Nghĩa trang đồi A1 và Nghĩa trang Độc Lập.

Bao nhiêu năm sống trên mảnh đất này là bấy nhiêu năm cụ Miều đau đáu chuyện đi tìm đồng đội. Có lẽ vì thế mà trong đôi mắt của người lính đã 90 tuổi, vẫn phảng phất một nỗi buồn. Cụ Miều lập bàn thờ Đại tướng ngay trong nhà mình. Thỉnh thoảng, cụ vẫn đạp xe lên Nghĩa trang đồi A1 để thăm những người đồng đội đã nằm xuống.

Hiện vật lên tiếng

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, được xây dựng với kinh phí 90 tỷ đồng, hoàn thành cách đây 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng. Nhìn từ xa, bảo tàng giống như một chiếc mũ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Gần 1.000 hiện vật, hình ảnh được trưng bày đã tái hiện được nhiều góc cạnh, lát cắt của cuộc chiến khốc liệt. Bên cạnh tư liệu về những người anh hùng mà tên tuổi họ đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa như: Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện…, thì có lẽ, gây xúc động nhất với người xem là hình ảnh những người dân công tải lương thực, vũ khí cho chiến trường. Kẻ thù đã thua vì chúng không thể hình dung nổi sức mạnh của lòng dân, của ý chí quyết chiến có từ những người dân bình dị nhất. Họ đã làm được những điều phi thường, chỉ ăn rau dại, măng rừng và chút ít gạo buộc ở ghi đông xe đạp thồ, tuyệt nhiên không động vào một hạt gạo cho chiến trường.

Một chi tiết vô cùng đặc biệt tại bảo tàng này, đó là hình ảnh chiếc xe cút kít tải lương của ông Trịnh Đình Bầm, một người dân ở Thanh Hóa. Vì thiếu gỗ, ông đã cáo lỗi tổ tiên, tháo bàn thờ gia tiên của mình để hoàn thiện nốt phần bánh xe, nâng tải trọng của loại xe cút kít thông thường từ 100kg lên 280kg. Chiếc xe ấy đang nằm trong bảo tàng, một phần của bánh xe vẫn còn nhìn rất rõ mảnh gỗ sơn son thếp vàng được lấy từ bàn thờ. Một du khách người Pháp sau khi xem hiện vật này đã thốt lên: “Một dân tộc đã dám hy sinh cả tín ngưỡng của mình để bảo vệ độc lập, tự do thì dân tộc ấy tất sẽ chiến thắng”. Một quân nhân người Nga khi đến thăm bảo tàng này cũng đã chia sẻ: “Nước Nga từng có những chiến thắng vang dội nhưng đó là cuộc đối đầu giữa sắt thép với sắt thép, chiến thắng Điện Biên Phủ kỳ diệu hơn ở chỗ lấy xương thịt đối chọi với sắt thép!”.

Không chỉ trong bảo tàng, cả TP Điện Biên Phủ đâu đâu cũng có di tích về cuộc chiến. Đồi A1 ác liệt năm xưa, nay đã được bảo tồn thành một điểm di tích trong quần thể di tích đặc biệt quốc gia Điện Biên Phủ. Vết tích của quả bộc phá nặng gần 1 tấn vẫn hằn sâu trên đồi. Những hàng rào thép gai, hầm chỉ huy của địch, chiếc xe tăng “chiến lợi phẩm” của quân đội ta… đều đang được lưu giữ tại đây như những dấu tích của một trận thắng vĩ đại. Trên đồi A1, người dân Điện Biên cũng như du khách vẫn thấy bóng dáng của những cựu binh năm xưa ngồi lặng. Họ như đang thì thầm tâm sự với anh linh các đồng đội mình. 

Cụ Mai Văn Sinh, năm nay 86 tuổi, quê Phú Thọ, một cựu binh Điện Biên, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi 21 tuổi, 66 năm gắn bó với mảnh đất chiến trường xưa. Nhà chỉ cách đồi A1 300m, cụ ngày nào cũng lên đồi A1 thắp hương cho đồng đội. Trước ngôi mộ chung không rõ tên tuổi của 4 chiến sĩ hy sinh khi chiếm xe tăng địch, ông lúc nào cũng để sẵn mấy bó nhang để du khách ai đến thì sẽ có nhang thắp cho liệt sĩ. “Bất cứ điểm nào trên đồi A1 cũng có hồn cốt đồng đội chúng tôi. Đồi A1 có trên 2.000 chiến sĩ ta hy sinh. Nhiều người trong số họ không rõ tên tuổi. Đồi A1 như ngôi mộ chung của các liệt sĩ vậy”, cụ Sinh xúc động nói.

Khi đến Mường Phăng, chúng tôi bắt gặp những thanh niên trẻ đang chuẩn bị cho lễ kết nạp đảng viên mới tại di tích sở chỉ huy chiến dịch. Trong chiếc lán lợp mái lá giữa rừng già, tiếng quốc ca, lời thề trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân vang lên, như dư âm của chiến thắng đang được nối dài thêm mãi…

Tin cùng chuyên mục