Bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 33 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Căn cứ thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị thẩm định sách. Nếu được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá “đạt” sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng. |
Thay vào đó, các cơ sở đào tạo phải dựa trên ý kiến của tổ chuyên môn. Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, chỉ cần thực hiện đúng theo nghị quyết thì việc chọn SGK sẽ được bảo đảm mà không lo ngại vấn đề lợi ích nhóm.
Quyền được tự chọn SGK
Đến thời điểm này, về cơ bản nhiều người đồng thuận nên có nhiều SGK để người học có thể chọn ra được bộ sách phù hợp nhất. Có nhiều bộ sách cũng đồng nghĩa với việc các tác giả phải cải tiến sách để cạnh tranh nhau, nhờ đó mà chất lượng sách cũng sẽ ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, vừa qua thông tin đã có tỉnh “nhanh nhảu” có văn bản giao cho sở GD-ĐT tìm hiểu, tham mưu cho UBND tỉnh chọn SGK đã khiến dư luận lo lắng dễ có lợi ích nhóm trong việc lựa chọn này.
Sẽ có con đường “cửa sau” để cho SGK được nhà trường đưa vào giảng dạy, tương tự chuyện trình dược viên và hãng thuốc chi hoa hồng cho bác sĩ kê toa. Lúc đó, câu chuyện không phải là bộ SGK nào tốt nhất mà là sách nào có hoa hồng cao nhất.
GS Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận, nhà xuất bản làm SGK thì đương nhiên phải quan tâm đến lợi nhuận, nên chắc chắn sẽ có chuyện vận động để sách của mình được sử dụng nhiều hơn.
Còn tác giả viết SGK không có lợi ích lớn lắm, họ được trả 300.000 đồng/tiết, mỗi lần tái bản thì được hưởng 25% giá trị của lần đầu. Các tác giả viết SGK phần lớn do đam mê nghề nghiệp.
“Vấn đề đặt ra là việc thẩm định SGK và lựa chọn SGK phải được công khai, đúng pháp luật. Về nguyên tắc, Bộ GD-ĐT đã có quy định về Hội đồng thẩm định SGK, thành viên thẩm định phải bảo đảm không liên quan đến tổ chức viết SGK nào. Cùng với đó quy định là phải chọn người có chuyên môn cao, trung thực, đa dạng thành phần trong hội đồng thẩm định SGK (30% là giáo viên)”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết nhưng cũng thừa nhận rằng, dù bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ có những người không thực hiện đúng chức trách của mình nên phải có sự giám sát của Bộ GD-ĐT, báo chí, xã hội. Ngay cả GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng, nếu có lợi ích nhóm trong việc sử dụng SGK trong trường học thì cũng sẽ không rõ ràng, bởi tính chất của nó là... “đi đêm”.
Từ đây, vấn đề được đẩy về phía cơ quan quản lý ngành - cụ thể là Bộ GD-ĐT, làm thế nào để tập thể, phụ huynh học sinh có quyền lựa chọn SGK. Đó là chưa kể, việc Bộ GD-ĐT cũng biên soạn 1 bộ SGK thì các trường, sở GD-ĐT dễ nghiêng về SGK của bộ. Khi đó, câu chuyện độc quyền trong SGK không được giải quyết triệt để.
Để thị trường tự điều tiết
GS-TS Nguyễn Mậu Bành cho rằng, nhiều SGK sẽ làm phong phú, huy động được trí tuệ của giới chuyên gia, trí thức trong ngành giáo dục cũng như toàn xã hội cho việc viết sách. Miễn là SGK đạt chuẩn, bám sát chương trình mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Kinh tế thị trường thì hãy để thị trường tự chọn lọc.
Tuy nhiên, SGK là hàng hóa đặc biệt nên phải có sự quản lý của Nhà nước. Chuyên gia này cũng cho rằng, các trường không dại gì chọn SGK không bảo đảm để dạy cho học sinh, vì “các trường đều cạnh tranh nhau gay gắt về đầu ra”.
Mệt mỏi giữa ma trận sách tham khảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chọn sách không chuẩn, điểm thi của học sinh không cao, kết quả đánh giá học sinh không tốt thì trường sẽ không giữ được uy tín của mình. Thực tế, các trường đại học đã giao quyền chủ động chọn sách để dạy cho giảng viên từ lâu. Các thầy ai cũng muốn sinh viên được học sách tốt nhất, hay nhất dù chính các thầy đều có sách do mình viết.
Tuy vậy, theo ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Nghị quyết 88 yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn 1 bộ SGK là để vẫn đảm bảo được việc dạy học.
“Không có gì đảm bảo đến giờ G thực hiện chúng ta có đủ SGK cho học sinh toàn quốc. Do đó, bộ SGK của bộ nhằm đảm bảo 2 yếu tố là tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, về lâu dài thì Bộ GD-ĐT nên để xã hội lo xuất bản SGK. Trách nhiệm của bộ chỉ là ban hành chương trình”, ông Thắng nêu quan điểm.
Phản hồi những lo lắng này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết, nhiều năm nay bộ đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.
Vì vậy, khi có SGK mới, các trường sẽ được giao quyền lựa chọn theo nguyện vọng của phụ huynh, học sinh chứ không phải vì làm “đẹp lòng” bộ mà phải chọn sách do bộ chủ trì biên soạn.
Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng thông tư về hướng dẫn việc lựa chọn SGK. Thông tư sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của sở, phòng GD-ĐT, người đứng đầu trường phổ thông trong việc lựa chọn, sử dụng SGK; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.