
Trong luận án tiến sĩ về vấn đề hải tặc Đông Nam Á (Maritime Piracy in Southeast Asia and Bangladesh, 1992-2006: A Prismatic Interpretation of Security - trích từ globalcollab.org 22-10-2007) của nghiên cứu sinh Carolin Liss (Đại học Murdoch, Úc), nghèo đói là một trong những nguyên nhân khiến cơn sóng hải tặc Đông Nam Á bùng nổ. Và càng hoạt động, chúng càng chuyên nghiệp hóa. Thử xem một ví dụ…
Những con “tàu ma”

Quân đội Singapore trong một cuộc tập trận chống hải tặc
Park Ha Joon hứa với gia đình sẽ trở về trong một tháng. Người kỹ sư Hàn Quốc 47 tuổi này từng thực hiện hàng trăm chuyến hải hành nên gia đình không cảm thấy lo lắng khi nghe thông báo ông lại ra khơi vào tháng 9-1998. Lần này, Joon có mặt trên chiếc tàu hàng Tenyu 2.600 tấn, khởi hành từ cảng Ulsan (Hàn Quốc) để đến Indonesia.
Tại Indonesia, Joon giám sát phần bốc chuyển 3.000 tấn nhôm xuống tàu mình. Sau đó, tàu Tenyu lại khởi hành về cảng Inchon ở Hàn Quốc. Ngày 27-9-1998, tại Hàn Quốc, người ta nhận được tin báo cáo về chuyến khởi hành của thuyền trưởng tàu Tenyu nhưng sau đó không ai biết thêm gì về con tàu này. Joon và 12 thành viên thủy thủ đoàn biến mất từ đó…
Ba tháng sau, người ta thấy một con tàu lạ cập Trạm Giang Cảng (Quảng Đông, Trung Quốc). Ở mũi tàu rỉ sét có hàng chữ SANEI I rõ ràng mới được sơn. Nhân viên cảng ở Trung Quốc bắt đầu nghi ngờ và điện cho Trung tâm báo cáo hải tặc tại Kualar Lumpur. Vài ngày sau, một luật sư của chủ tàu cải trang thành cảnh sát biên phòng Trung Quốc lên tàu xem xét. Thủy thủ đoàn Hàn Quốc đã biến mất và thay vào đó là một nhóm người Indonesia.
Tất cả các dấu hiệu trước kia của tàu đều bị sơn lại và con tàu mang một cái tên mới. Tuy nhiên, bọn hải tặc bỏ sót một chi tiết: sâu bên trong lòng thân tàu đầy dầu mỡ, tay luật sư đã phát hiện số series nguyên thủy khắc vào máy tàu. Đến lúc đó, người ta có thể khẳng định đây là tàu Tenyu. Thế còn thủy thủ đoàn? Joon và các bạn của mình rất có thể đã có số phận giống như những nạn nhân trước đó mà một số ngư phủ đã tình cờ vớt được vào tháng 12-1998 tại duyên hải Nam Trung Quốc, với những vết đạn chi chít trên thi thể.
Trong vụ tàu Tenyu, người ta nghi rằng có sự tham gia của một tập đoàn tội phạm quốc tế. Theo các luật sư, ngay sau khi Tenyu cập Trạm Giang Cảng, hai thành viên trong thủy thủ đoàn, trong đó có thủy thủ trưởng, đã biến mất. Giới điều tra cho rằng hai tên này từng làm việc tại tàu cướp biển Anna Sierra và sự biến mất của chúng chỉ có thể được lý giải rằng các ông trùm không muốn chúng lọt vào vòng thẩm cung… Những con tàu hải tặc được gọi là “tàu ma” vì chúng không thật sự tồn tại, trừ trên giấy tờ.
Tên tàu và giấy đăng ký bị thay đổi thường xuyên, như trường hợp tàu Tenyu. Ngày 10-10-1998, sau khi bị cướp, con tàu này bị đổi tên thành Victoria và xuất hiện ở Rangoon (Myanmar) với thủy thủ đoàn mới. Ngày 10-11, nó được đổi thành Hanah khi cập cảng Puerto Princesa. Ngày 24-11, nó được lập giấy khai sinh lại với tên Scalet, xuất hiện tại cảng Pasir Gudang (Malaysia) rồi sau đó được đổi thành SANEI I như đã nói ở trên.
Cần nhiều nỗ lực cho tương lai
Cũng hệt tại vùng biển Tây Ban Nha cách đây 300 năm, cơ hội làm giàu nhanh như chớp đã biến nhiều ngư phủ hiền lành thành bọn “giang hồ biển”. Từ các cụm cảng ở Nam Trung Quốc, một số viên chức băng hoại đã ăn chia với hải tặc mà bàn tay chống tham nhũng ở Bắc Kinh khó có thể với tới.
Trong vài trường hợp, ranh giới phân biệt giữa đám viên chức địa phương thoái hóa ở một số cảng và bọn hải tặc đã trở nên rất mơ hồ. Trong nhiều vụ, cảnh sát Trung Quốc khám phá rằng biên phòng địa phương đã giam các tàu bị cướp, tịch thu hàng và tổ chức… bán đấu giá; còn bọn hải tặc thì được “thả rông” trở về biển. Sau đó, các ông trùm hoạt động “kinh doanh đường biển” bắt đầu bay vòng quanh thế giới để tìm thị trường cho hàng hóa cướp được.
Tại một số cảng, bọn tội phạm biết rõ chúng chỉ cần mua vài viên chức địa phương, tiếp đãi họ vài bữa tiệc thịnh soạn và tiễn họ về bằng phong bì nặng tiền và họ sẽ không còn cảm thấy lấn cấn về các điểm không ổn lộ rành rành trong các vận đơn hay giấy tờ đại loại. Hải tặc thời nay không chỉ có súng máy và điện thoại di động mà còn sử dụng cả hệ thống định vị toàn cầu để làm phương tiện tổ chức cướp. Một thủy thủ từng bị hải tặc bắt đã kể rằng một nhóm hải tặc có cả một phòng khách sạn chứa đầy thiết bị viễn thông đời mới nhất!
Hợp tác là điều kiện cần có để loại trừ hoặc hạn chế hải tặc. Trong bài viết khác trên Japan Focus (8-6-2007), nghiên cứu sinh Carolin Liss cho biết, vấn đề hợp tác an ninh song và đa phương nhằm bảo vệ an ninh vùng biển Đông Nam Á đã được các nước khu vực bàn đến từ năm 1992. Và khối ASEAN đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này.
Một trong những bằng chứng là Hiệp ước hợp tác khu vực về chống hải tặc và cướp vũ trang nhằm vào tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP) do Nhật khởi xướng trong đó có việc chia sẻ thông tin liên quan cướp biển. ReCAAP đề xuất hợp tác giữa 16 nước khu vực trong đó có các thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka… (Malaysia và Indonesia chưa ký vào hiệp ước này). Ít nhất,thời điểm trước mắt cũng đã cho thấy một phần kết quả của sự hợp tác. Số liệu IMB cho biết có 100 con tàu bị cướp tại châu Á năm 2006 so với 112 năm 2005.
Tuy nhiên, Carolin Liss cho biết thêm, việc hợp tác giữa các cơ quan cấp chính phủ tại Đông Nam Á với các nước bên ngoài khu vực vẫn còn hạn chế (bởi yếu tố quyền lãnh hải lẫn sự cạnh tranh trong khai thác tài nguyên biển), khiến việc chống hải tặc tiếp tục đối diện bức tường thách thức. Hẳn nhiều việc phải làm để vùng biển Đông Nam Á thật sự an toàn, vì lợi ích chung.
Mạnh Kim