Chuyển sang cơ chế mới, vai trò của cấp ủy Đảng và đảng viên trong từng vị trí công việc không còn giữ vị trí “lãnh đạo toàn diện” như trước. Để thích nghi với cơ chế mới, nhiều DN đã có mô hình và cách làm bảo đảm sự duy trì và phát triển tổ chức Đảng trong DN cổ phần hóa.
Đến Tổng công ty May Nhà Bè - công ty cổ phần, chúng tôi được Ban tổng giám đốc giới thiệu về hoạt động của DN những năm qua. Nhắc lại yêu cầu của chúng tôi chỉ xoay quanh công tác Đảng, Phó Tổng giám đốc Đinh Văn Thập nói: “Tôi vừa là Phó Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy. Vốn của Nhà nước tại May Nhà Bè hiện chỉ còn 26%, nhưng từ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc đến lãnh đạo các đơn vị đều là đảng viên. Đồng chí Tổng Giám đốc còn là Phó Bí thư Đảng ủy”. Nói rồi, ông Thập dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng các khu sản xuất. Đến Khu 1 chuyên may veston xuất khẩu, chúng tôi được Giám đốc Huỳnh Thị Ngọc Hà, kiêm Bí thư Chi bộ 1, giới thiệu về công tác Đảng tại khu sản xuất có đến hơn 800 lao động.
“Chi bộ có 12 đảng viên nhưng toàn là “đảng viên cái”. Mỗi năm chi bộ phát triển được gần 10 đảng viên, nhưng cứ phát triển được đảng viên nào thì lại điều sang khu khác làm quản lý các dây chuyền sản xuất, hay làm lãnh đạo khu”, bà Hà thông tin.
Theo bà Hà, phương thức lãnh đạo của chi bộ Đảng tại đây được thực hiện bằng nghị quyết của từng tháng, quý, năm theo mục tiêu, kế hoạch sản xuất của tổng công ty đưa ra. Do đảng viên chi bộ đều là quản lý các bộ phận nên khi triển khai kế hoạch sản xuất, cấp ủy chi bộ phổ biến luôn nghị quyết thực hiện. Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Chi đoàn Thanh niên cũng là đảng viên, quản lý các dây chuyền, công đoạn sản xuất, nên cũng gắn luôn công tác tuyên truyền, phát động thi đua trong toàn khu.
Theo Bí thư Đảng ủy Đinh Văn Thập, mô hình hoạt động trên trong thực tế đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của đảng viên và được áp dụng ở hầu hết các xí nghiệp, đơn vị trong tổng công ty. Ông Thập nói: “Ở cấp tổng công ty, Đảng lãnh đạo bằng quy chế phối hợp. Đảng ủy căn cứ nghị quyết hội nghị người lao động và đại hội cổ đông hàng năm để ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện các mục tiêu phát triển của DN”. Ông Thập nói thêm, bản thân ông và một số đảng viên trong Đảng bộ còn tham gia HĐQT với vai trò là đại diện vốn của cổ đông người lao động. Điều này tạo ra cơ chế “3 trong 1”, Đảng vừa có vai trò lãnh đạo trong HĐQT, vừa tham gia lãnh đạo, điều hành trong Ban tổng giám đốc. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong một loạt hoạt động, điều hành khác, đặc biệt là công tác đào tạo, quy hoạch, giới thiệu bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo DN.
Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (không còn vốn nhà nước), mô hình hoạt động Đảng cũng được áp dụng theo cơ chế “3 trong 1”. Trong đó, Bí thư Đảng ủy là giám đốc nhân sự, gần 10% trong số hơn 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý DN là đảng viên. Đảng ủy tuy không còn lãnh đạo công tác nhân sự, không có đảng ủy viên tham gia HĐQT, Ban tổng giám đốc, nhưng vị trí Chủ tịch HĐQT được chủ đầu tư cử một nữ đảng viên của Đảng bộ nắm giữ. Bí thư Đảng ủy công ty Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: Hoạt động của tổ chức Đảng đều dựa trên các quy chế phối hợp.
Thời gian đầu, chủ đầu tư là người nước ngoài còn dè dặt trong việc phối hợp với tổ chức Đảng, tuy không gây khó khăn nhưng chưa tin tưởng, hợp tác, tạo điều kiện cho tổ chức Đảng và các đoàn thể hoạt động. Trong lãnh đạo, các cấp ủy Đảng tập trung vào mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mọi vướng mắc của người lao động đều được phối hợp giải quyết thấu đáo, không để xảy ra đình công, lãn công, khiếu nại tập thể, biến động lao động… Từ đó, mối quan hệ giữa các bên được duy trì tốt, tạo ra môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, tập thể người lao động gắn bó, tích cực tham gia các hoạt động phong trào xã hội, thi đua lao động, sáng tạo làm gia tăng giá trị cho DN.
Ông Tuấn nói: “Tổ chức Đảng và công đoàn vừa giúp công ty phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động và giữ vững sự ổn định của DN, đã giúp cho Đảng có vai trò, uy tín với chủ đầu tư và người lao động”.
“Một số DN sau khi cổ phần hóa, không còn vốn nhà nước chi phối, đảng viên vẫn nắm giữ các chức danh trong HĐQT, ban lãnh đạo nhưng hoạt động kém hiệu quả. Ngược lại, có DN không còn vốn nhà nước, không có đảng viên nắm giữ các chức danh trong ban lãnh đạo, nhưng hoạt động có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của DN. Cũng có DN sau cổ phần hóa, tổ chức Đảng hầu như đứng ngoài cuộc, rút vào hoạt động bí mật…”. (Trích báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức Đảng trong DN đã cổ phần hóa của Đảng ủy Khối DN công nghiệp trung ương tại TPHCM 2015-2018). |
Hoạt động “nửa bí mật, nửa công khai”
Công ty cổ phần Phân bón miền Nam có phần vốn nhà nước nắm giữ 65%, nhiều năm trước hoạt động khá ổn định, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững theo cơ chế “lãnh đạo toàn diện”. Tổng giám đốc là Bí thư Đảng ủy nên mọi hoạt động của Đảng được công khai, tạo mọi điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, thời gian… Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quốc Hùng, Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn công ty, cái lo lớn nhất của đảng viên hiện nay là tới đây Nhà nước thoái vốn, tổ chức Đảng sẽ không còn giữ vai trò “lãnh đạo toàn diện” nữa. Đón trước được tình hình này, đã có đảng viên xin chuyển sinh hoạt về địa phương, nhiều đối tượng Đảng đã hoàn tất hồ sơ kết nạp nhưng xin rút, nhiều cán bộ, người lao động dao động tư tưởng. Chi bộ Nhà máy Phân bón Hiệp Phước trước có 26 đảng viên, hiện giảm xuống còn 13; có chi bộ, có đảng viên tự rút vào hoạt động bí mật, dần mất đi vai trò lãnh đạo...
Đến Chi nhánh Cadivi Tân Á (Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), chúng tôi được Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Thuận giới thiệu tham dự một cuộc họp định kỳ. Thời gian: 15 giờ, địa điểm: khu phụ trợ, đảng viên dự: 12 người. Tại cuộc họp, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Thuận thay mặt cấp ủy thông tin đến đảng viên các nội dung sau: Từ ngày 1-6-2019, Nhà máy Cadivi Sài Gòn đã trực thuộc Cadivi Đồng Nai với tên mới là Chi nhánh Cadivi Tân Á; một số khó khăn trong sản xuất được lãnh đạo tập trung giải quyết; công ty sẽ tổ chức nghỉ mát cho người lao động… “Có đồng chí nào ý kiến gì không?”, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Thuận hỏi. “Nhất trí!”. “Chúng ta nghỉ, cám ơn các đồng chí”. Cuộc họp kết thúc sau 10 phút sinh hoạt.
“Đấy, anh xem, tình hình khó khăn lắm. Thời gian, địa điểm họp chi bộ thường không cố định, lúc công khai, lúc bí mật. Họp hành, hoạt động gì đều ngoài giờ, có cuộc họp chi bộ phải tổ chức bên ngoài DN. Chủ DN không biết chi bộ, đảng viên là ai. Họ chỉ quan tâm đến hiệu quả, ai thích nghi được thì làm, không thì nghỉ”, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Thuận nói.
Không chỉ ở Chi bộ Chi nhánh Cadivi Tân Á, tình hình hoạt động của tổ chức Đảng ở nhiều DN cổ phần hóa cũng chung tình trạng. Có nơi như tại Chi bộ Công ty cổ phần A.T, Công ty cổ phần B.T (Khu chế xuất Tân Thuận), Công ty cổ phần T.H (quận 12) mà chúng tôi gặp, nghe phản ánh các cuộc họp chi bộ đều phải họp ngoài giờ, hoặc ngày nghỉ, địa điểm họp thì nay đây mai đó và số lượng đảng viên thường vắng gần một nửa, có cuộc họp vắng đến 2 phần 3 nên phải dời sang tháng sau.