Rừng Tây Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng, không những cho nội vùng mà còn chi phối rất lớn đến nguồn nước, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chính sách giao đất, giao rừng cho người dân và doanh nghiệp để bảo vệ rừng. Lợi dụng các chính sách này, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã ngang nhiên chặt phá, chuyển đổi rừng tràn lan để lấy đất sản xuất nông nghiệp.
Phá rừng lấy đất
Một thực tế đáng buồn, việc phá rừng tại Tây Nguyên không chỉ diễn ra với người không được giao khoán rừng, mà chính những gia đình, nhóm hộ và cộng đồng nhận khoán rừng cũng tự ý phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất.
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã giao khoán gần 36.056ha rừng, đất rừng cho 5.026 gia đình, cộng đồng quản lý và bảo vệ, trong đó diện tích có rừng là 26.984ha. Diện tích rừng, đất rừng này chủ yếu giao khoán cho đồng bào các dân tộc ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar, Cư M’gar và Krông Ana. Nhưng qua kiểm tra, hiện có hơn 10.610ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép ở nhiều khu vực.
Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, chính những gia đình, nhóm hộ nhận khoán rừng cũng tự ý phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất. Huyện Ea Súp đã giao 4.000ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê và Ia T’mốt nhưng qua kiểm tra đã có trên 2.000ha rừng bị các nhóm hộ nhận khoán rừng phá trắng.
Nghiêm trọng nhất là xã Ea Bung, có 13 nhóm hộ được giao khoán rừng với tổng diện tích 1.735ha, qua kiểm tra đã có 1.264ha rừng bị chặt phá trắng chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Huyện Buôn Đôn giao khoán 1.000ha rừng cho 50 hộ gia đình tại xã Ea Huar và Krông Na quản lý, nhưng hiện nay hầu hết diện tích rừng này đã bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép chuyển đất sang sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2001 đến 2016, tỉnh Đắk Nông đã giao hơn 10.700ha rừng, đất rừng cho cộng đồng dân cư địa phương, nhóm hộ gia đình quản lý và bảo vệ. Qua kiểm tra mới đây, tỉnh phát hiện có hơn 5.781/8.321ha diện tích rừng tự nhiên được giao (chiếm hơn 69,4%) bị chặt phá, lấn chiếm. Tại những khu rừng tự nhiên đã giao, bị mất hơn 3.873/5.722ha diện tích rừng được giao. Trong đó, diện tích rừng bị mất nhiều nhất tập trung tại các huyện Krông Nô (mất hơn 955/1.525ha được giao), Tuy Đức (hơn 845/1.429ha), Đắk Glong (hơn 2.057/2.470ha)… Còn tại các khu rừng tự nhiên tạm giao, diện tích rừng bị mất hơn 1.908/2.598ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, diện tích rừng, đất rừng được giao cho nhóm hộ và cộng đồng chủ yếu là rừng nghèo kiệt, trữ lượng thấp, manh mún, địa hình phức tạp nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn.
Cộng đồng đòi trả rừng
Đến nay, tỉnh Gia Lai đã giao rừng, đất rừng cho 13 cộng đồng dân cư và nhóm hộ gia đình với diện tích hơn 3.900ha. Tuy nhiên, việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng tại tỉnh này còn nhiều bất cập. Ông Siu Ting, Phó Chủ tịch UBND xã Chư A Thai huyện Phú Thiện, cho biết, trên địa bàn xã có 2 cộng đồng Kinh Pênh và Plei Pông được giao rừng, trong đó cộng đồng Kinh Pênh được giao 100ha rừng, cộng đồng Plei Pông được giao 304ha rừng.
Kết quả kiểm kê năm 2014, Plei Pông còn 246,6ha và Kinh Pêng còn 98ha. Đánh giá về hiệu quả giao đất, giao rừng cho cộng đồng, ông Siu Ting nói, rừng được giao là rừng nghèo kiệt, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, trong khi gỗ và lâm sản ngoài gỗ thì không có, quyền lợi không bao nhiêu. Nhiều lúc người dân cũng không mặn mà trong việc quản lý. Vì thế, sau kiểm kê năm 2014, dân làng cũng có đề nghị trả lại, không giữ rừng nữa.
Rừng cộng đồng ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) bị người dân chặt phá để trồng cây công nghiệp. Ảnh: CÔNG HOAN
Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, có 7 cộng đồng trong tỉnh đang quản lý 2.080ha rừng, đất rừng cộng đồng. Cơ chế hưởng lợi từ rừng của cộng đồng đã có tác dụng khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân sống bằng nghề rừng. Đồng bào các dân tộc gắn với đất, với rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; góp phần bảo tồn, phát triển hệ sinh thái động thực vật rừng... Các cộng đồng được giao đất, giao rừng đã trồng được 120ha rừng, chủ yếu là cây keo.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng chưa cao, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cộng đồng còn hạn chế; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra ở một số rừng cộng đồng. Tại huyện Lạc Dương hơn 605ha rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng thôn 1 và thôn 4, xã Đạ Sar, tuy nhiên cộng đồng đã không làm tốt nhiệm vụ, để người dân lấn chiếm hơn 80ha đất, rừng trồng cà phê.
Lợi ích ít, hiệu quả thấp
UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiệu quả mang lại từ mô hình quản lý rừng cộng đồng tại địa phương không cao, người dân chưa thật sự tâm huyết trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng để rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái pháp luật trong khu vực giao rừng cộng đồng; một số hộ dân trong tổ cộng đồng được giao rừng chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, còn trực tiếp phá rừng làm nương rẫy.
Giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 3,1%
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn còn chậm, chủ yếu là giao cho các tổ chức quản lý. Tổng diện tích rừng, đất rừng các tỉnh Tây Nguyên đã giao là gần 2,9 triệu ha, chiếm hơn 87,8% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp.
Trong đó, giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 1,2 triệu ha (chiếm 40%), giao cho các tổ chức là 1,24 triệu ha (chiếm 37,3%) và giao cho các UBND xã gần 368.000ha (chiếm 20,7%).
Riêng việc giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 75.770ha (chiếm 3,1%) và giao cho cộng đồng đồng bào dân tộc 29.926ha (chiếm 0,9% trong tổng diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn).
Từ việc không đủ năng lực trực tiếp quản lý diện tích đất và rừng được giao, cộng đồng thôn 1 và thôn 4, xã Đạ Sar đã xin trả lại khu vực, diện tích (Nhà nước giao cho Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý) và chuyển sang nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, giao rừng cho cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao là do rừng giao khoán cho các gia đình, nhóm hộ là rừng nghèo, đã khai thác cạn kiệt, không còn trữ lượng gỗ; địa hình phức tạp, đồi núi và việc hưởng lợi từ rừng bước đầu hầu như không có. Trong khi đó, lợi ích kinh tế mang lại cho người nhận rừng chỉ có 2% giá trị gỗ khi đến chu kỳ khai thác (nhưng phải đợi ít nhất 10 - 20 năm sau), nên người nhận rừng không thiết tha trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhận khoán.
Còn các hộ nhận khoán rừng chủ yếu là hộ nghèo, không đủ năng lực để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Các địa phương thiếu sự quan tâm trong việc thành lập các tổ, đội để hỗ trợ người dân trong công tác quản lý diện tích rừng được giao.