
Cô bé Shyama chào đời tại ngôi làng Gurgaon gần thủ đô Delhi. Em được mẹ sinh lúc 4g sáng ngày 15-8-1947, đúng vào ngày Ấn Độ tuyên bố độc lập. Sau này, mẹ Shyama kể đêm ấy pháo hoa rợp trời, người dân xuống đường chào đón sự kiện mà theo lời thủ tướng Ấn Độ đầu tiên, ông Jawaharlal Nehru là: “Đúng nửa đêm, khi thế giới đang ngủ, Ấn Độ thức chào đón cuộc sống và tự do”.
Đổi đời với nền độc lập
Nhưng có một người đàn ông không ra đường mừng sự kiện trọng đại ấy. Nhà lập quốc Mahatma Gandhi ngồi nhà nhịn đói, vì vẫn còn hàng triệu đồng bào đang đói và vì nền độc lập cũng đồng nghĩa việc thực dân Anh chia xứ đô hộ Ấn Độ thành Ấn Độ và Pakistan. Vào ngày 3-6-1947, Phó vương cuối cùng của Anh tại Ấn Độ là Toàn quyền Lord Louis Mountbatten đã tuyên bố trao trả nền độc lập cho hai quốc gia chứ không phải một. Pakistan mừng độc lập ngày 14-7 năm ấy, hôm sau đến lượt Ấn Độ, nơi đã đòi quyền tự chủ từ thế kỷ 19 và đạt đến sức mạnh trong những năm 1920-1930 dưới sự dẫn dắt của Thánh Gandhi.

Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru (trái) và nhà lập quốc Mahatma Gandhi
Ngày 15-8 ấy, tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar đã soạn thảo bản Hiến pháp cho đất nước mới với mục tiêu lập nên một quốc gia mà mọi công dân đều có quyền bình đẳng. Mái ấm mà Shyama chào đời đêm ấy chưa thuộc lớp dân nghèo nhất Ấn Độ. Bố em là một công chức cấp thấp nhưng gia đình với tổ tiên là những công nhân thuộc da, giai cấp cùng đinh (pariah) Jatav mà ngay cả cái bóng của họ cũng không được đè lên cái bóng của một người thuộc tầng lớp Brahmin. Cô bé Shyama lớn lên trở thành một học sinh giỏi, là một trong 6 cô gái được đi học. Em thích múa cũng như mơ trở thành một ngôi sao điện ảnh nhưng các học sinh khác ghét bỏ em, do gia đình họ thuộc tầng lớp nông dân. Từ đó Shyama thề phải thật thành đạt trong cuộc đời. 16 tuổi, em chọn tên họ khác để người ta không biết gốc gác của mình: Shyama Bharti, có nghĩa Shyama Người Ấn.
Ngày nay Shyama sắp bước vào tuổi 60 cùng với đất nước nhưng trông vẫn còn rất trẻ trung và đã thành đạt trong cuộc đời: là tổng giám đốc Công ty điện gia dụng Delhi Transco Limited, chức vụ cao nhất trong sự nghiệp công chức của bà. Danh thiếp của bà cho biết bà có 4 bằng đại học. Bà lãnh mức lương tháng 42.000 rupee (760 euro) trong khi người chồng hưởng trợ cấp chính phủ, được cấp xe con và tài xế, điện thoại di động và một ngôi nhà lớn có người hầu hạ. Điều đó có nghĩa chính phủ đối xử rất chu đáo đối với các công chức.
Bà Shyama sẽ nghỉ hưu vào đúng ngày đất nước mừng 60 năm độc lập. Vợ chồng bà sẽ về làng cũ của bà, sống trên mảnh đất họ mua hồi 20 năm trước và nay có giá cao hơn số tiền họ mua ít nhất 100 lần. Gurgaon nay đã là một thành phố vệ tinh 1 triệu dân của New Delhi với vô số cửa hiệu, nhà ở cao tầng lắp kính, những trụ sở của các công ty nước ngoài như Siemens, Alcatel và Microsoft cùng với một tuyến đường 8 làn xe cũng như một tuyến xe điện ngầm nối với thủ đô. Dù đường về nơi này vẫn còn nhiều ổ gà nhưng ông Ashish Gupta nói 5 năm nữa Gurgaon sẽ chẳng khác Singapore. Gupta không đùa. Ấn Độ tương lai đang nổi lên tại Gurgaon.
Niềm tự hào kiểu Ấn
Gupta từng du học Mỹ, từng làm việc cho tập đoàn tư vấn McKinsey. Nay ông là giám đốc điều hành Công ty Evalueserve vốn có tổng cộng 2.100 nhân viên chỉ sau hơn 6 năm thành lập, hiện đang mở thêm chi nhánh ở Trung Quốc, Chile và Đông Âu. Evalueserve hiện là một công ty mẫu ở Ấn Độ mới. Trong khi Trung Quốc tăng trưởng nhờ những sản phẩm giá rẻ, Ấn Độ lại phát triển nhờ những dịch vụ giá rẻ: các trung tâm điện thoại ở bang Ohio (Mỹ), chuyên gia IT lập trình cho các khách hàng châu Âu và công ty nghiên cứu thị trường như Evalueserve thực hiện việc phân tích doanh số dầu gội đầu của các đối thủ cạnh tranh cho khách hàng của họ. Gupta nói: “Vấn đề không phải chúng tôi muốn trở nên to lớn thế nào mà là chúng tôi có thể trở nên to lớn hay không. Về lý thuyết thì chẳng có giới hạn nào”. Ông tin chắc Ấn Độ sẽ trở nên một quyền lực toàn cầu: “Chúng tôi cần thêm 20 năm nữa nhưng chúng tôi sẽ bay cao”.
Ở văn phòng chính của Evalueserve có hơn 100 người trong độ tuổi 30 làm việc. Chuyên gia phân tích Andrea Demsic, người Đức, phụ trách mảng nghiên cứu thị trường. Cô từng tốt nghiệp Khoa Kinh tế Đại học Jena (Đức) nhưng không tìm được việc làm. Cách đây một năm rưỡi cô tìm được công việc này ở Gurgaon, với mức lương 21.000 rupee/tháng (380 euro) nhưng được cấp một căn hộ miễn phí. Sau năm đầu tiên cô đã được thăng chức nên tính chuyện sẽ ở lại Ấn Độ làm việc lâu dài.
Demsic cũng rất ấn tượng trước những tham vọng của những đồng nghiệp bản xứ: “Ở đây ai cũng muốn thành đạt do có nhiều cơ hội vươn lên một đẳng cấp mới trong xã hội, khác với ở Đức”. Demsic chỉ là một trong 36 người nước ngoài làm việc cho Evalueserve, trong khi số người nước ngoài ở các công ty Ấn Độ khác ngày càng tăng. Gupta chỉ cười, vì ông cần người hiểu được châu Âu và nói thạo các ngôn ngữ “Tây” do khách hàng chủ yếu là châu Âu. Nhưng ông cũng sung sướng vì đã gởi được một thông điệp đến thế giới: thay vì người Ấn Độ phải làm thuê cho “Tây”, các công ty Ấn Độ nay đang có thể tạo công ăn việc làm cho “Tây”.
Bài 2: Câu chuyện thành đạt về kinh tế
Trần Trí (tổng hợp)