Xưa nay, các thế hệ ngư dân miền Trung nối tiếp nhau đi biển, gắn chặt cuộc đời mình với những con sóng giữa đại dương mênh mông. Đội thuyền mà các bậc tiền nhân năm xưa dong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia, khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước, nay được thay bằng những con tàu hiện đại. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa chiến lược kinh tế biển của Đảng, Nhà nước đến năm 2020, các địa phương khu vực này đều đã có những động thái huy động nội lực để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển là mũi nhọn.
Ngư dân Thừa Thiên - Huế đánh bắt gần bờ, trúng đậm cá cơm
Nỗ lực vượt khó
Khác cảnh đìu hiu khi mới xảy ra sự cố Formosa, đi dọc ven biển Bắc miền Trung những ngày này đã thấy được hình hài hồi sinh ở các làng chài. Rõ nét nhất là những khoang thuyền đầy ắp cá tôm cập bến mỗi ngày. Cùng với đó, các loài hải sản sống ở tầng nổi ven biển được Bộ Y tế kết luận, đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Giá cá tôm bán ra thị trường ngày một tăng.
Giữa cảng cá Cửa Tùng, gió đại dương hào phóng thổi vào lồng lộng. Gặp lại chúng tôi, ông Mai Văn Hải, ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, hồ hởi: “Cá đưa vào bờ bán được giá, không lo ế như trước”.
Như bao ngư dân khác, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, hầu như cá tôm hết sạch ở vùng biển ven bờ, mà cá đánh bắt được cũng chẳng ai mua, ông Hải cùng nhiều bạn thuyền khác đành bỏ thuyền và ngư cụ đi khắp nơi tìm nghề mới. Nhưng từ nhỏ đến lớn gắn bó với nghề biển, tuổi đã cao nên chẳng mấy ai kiếm được việc làm phù hợp trên bờ.
“Cái nghiệp đi biển không thể bỏ được, nên khi nhận khoản tiền bồi thường, hỗ trợ từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chi trả, tui đã bàn với vợ con đầu tư nâng cấp con tàu, thay ngư lưới cụ để đi biển cho yên tâm… Dẫu còn gian nan nhưng được dong thuyền ra khơi, theo đuôi con cá khi biển lặng trở lại là vui lắm rồi. Giờ chỉ mong cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa trong việc quản lý xả thải tại các khu công nghiệp ven biển, tránh xảy ra sự cố tương tự. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, tung tin thất thiệt, khiến người tiêu dùng âu lo khi sử dụng cá tôm mà bà con ngư dân chúng tôi đánh bắt được từ biển khơi”, ông Hải mong đợi.
Giống vợ chồng ông Hải, hầu hết các gia đình ngư dân tại 4 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh, sau khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ từ sự cố môi trường biển đã dùng vào việc hoán cải tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ để tiếp tục vươn khơi.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, cả xã có 1.700 hộ nhận tiền đền bù 37 tỷ đồng từ sự cố môi trường biển. “Ban đầu chính quyền địa phương âu lo, khi người dân nhận khoản tiền lớn sẽ tiêu xài hoang phí. Nhưng người này rồi người khác theo nhau dùng tiền đền bù, thậm chí còn vay thêm vốn từ ngân hàng để nâng cấp, hoán cải tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ mới để tiếp tục vươn khơi. Kết quả nhãn tiền, sản lượng khai thác thủy sản địa phương chỉ mới 6 tháng đầu năm 2017 đã vượt trên 60% kế hoạch cả năm”, ông Tùy phấn khởi.
Bên cạnh công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tỷ lệ giải ngân chi trả đạt 97,4%; thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, giờ đây cuộc sống ngư dân các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế dần trở lại bình thường.
Môi trường biển trong vùng bị ảnh hưởng hồi sinh đã đem lại công việc, thu nhập và no ấm cho mọi nhà từ nghề biển. Ấn tượng nhất là ngư dân các xã bãi ngang ở Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, từ tháng 8 đến nay liên tục trúng đậm cá cơm và nhiều loại hải sản khác.
Tại các xã bãi ngang ven biển Quảng Trị, ghe thuyền nhỏ ra khơi 2-3 giờ lần lượt cập bến, vận chuyển 150 - 250kg ruốc/thuyền, thương lái thu mua với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg (cao hơn những năm trước 2.000 - 3.000 đồng/kg) để chế biến ruốc bột, ruốc chua, làm mắm hoặc phơi khô. Trừ hết chi phí, bình quân mỗi thuyền nhỏ với 2 hoặc 3 lao động ra biển/chuyến thu được 2 - 3 triệu đồng. Trong khi, ở vùng biển xa bờ, tàu cá của ngư dân các tỉnh này cũng liên tiếp bội thu, thậm chí tàu của anh Lê Văn Tuấn, ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đánh bắt cách đảo Cồn Cỏ gần 10 hải lý, trúng đậm mẻ cá bè vàng hơn 100 tấn, trị giá gần 6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị, cho biết cá tôm tấp nập cập bờ đã tạo điều kiện cho các nghề chế biến thủy sản trên bờ hoạt động trở lại. Trong đó, nghề hấp phơi khô cá ở Gio Việt là sôi nổi hơn cả. Cá từ biển về được ướp muối, hấp chín, phơi khô trên các vỉ lưới trong sân nhà, trên mái nhà và tràn ra cả dọc theo lề đường… Thu nhập bình quân mỗi lao động 3-4 triệu đồng/tháng, nhờ công việc hấp, phơi cá.
Ngư dân dùng tiền đền bù, hỗ trợ từ sự cố môi trường hoán cải nâng cấp công suất tàu thuyền
Đa dạng nghề mới
Ở Quảng Trị đặc thù các làng biển bãi ngang không có cửa lạch nên ngư dân không thể đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ. Phương tiện ngư dân ra biển là thuyền nan, song sự cố môi trường biển đã làm giảm sản lượng khai thác thủy hải sản. Trong khi, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân không hề dễ dàng.
“Thời điểm khó khăn trăn trở ấy, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã giúp địa phương triển khai mô hình trồng sả trên cát. 10 hộ dân đầu tiên tham gia mô hình này với bình quân 2 sào/hộ, được hỗ trợ giống, phân bón; đầu ra do công ty bao tiêu. Sau thời gian trồng và chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cây sả trồng trên cát phát triển khá tốt. Mới đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ địa phương triển khai trồng dứa nguyên liệu trên vùng đất trồng tràm kém hiệu quả. Cùng với đó, nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp đạt những kết quả nhất định”, ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, cho biết.
Sôi động phố mực nhảy
Tại khu vực cảng Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) có hệ thống nhà bè nổi kinh doanh hải sản đang tấp nập khách ra vào. Thực khách ưa nhất là món mực nhảy (mực sống), không cần phải chế biến nhiều.
Vợ chồng anh Độ - Tuyết, một trong những chủ quán ở đây, nói: “Để có mực nhảy phục vụ thực khách, người đi câu đã thả những con mực bắt được vào trong khoang thuyền trữ nước trên biển rồi dong vào bờ như kiểu trung tâm cứu hộ tàu thuyền. Các nhà hàng thu mua rồi thả vào các lồng lưới dưới lòng bè. Độ mặn nước biển ở đây phù hợp nên con mực thả sức bơi lội tung tăng, mọi người thường gọi là mực nhảy. Những nhà hàng bè nổi bán hải sản hút khách là minh chứng về sự hồi sinh của biển, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân trong vùng”.
Tại Thừa Thiên - Huế, từ nguồn vốn ngân sách 150 triệu đồng, xã Phong Hải, huyện Phong Điền - địa phương thiệt hại nặng trong và sau sự cố môi trường biển, đã xây dựng được nhiều mô hình chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân như nuôi gà, nuôi cá chình, làm nấm và chuyển đổi nghề cho nhiều hộ gia đình.
Ở Hà Tĩnh, mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát, quy mô 15ha của Công ty Thành Đạt triển khai tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên dù mới nuôi tôm được 2-3 vụ nhưng nhờ có tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia thủy sản nên chưa vụ nào thất bại. Đặc biệt, vụ tôm gần đây nhất giành thắng lợi, được mùa, được giá, năng suất đạt 30 tấn/ha…
Theo Bộ LĐ-TBXH, từ ngày 1-6-2016 đến 20-9-2017, đã có 24.053 lao động tại các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan, tập trung trong các ngành nghề như thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp, chăm sóc sức khỏe...
Bộ có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, việc làm đối với lao động 4 tỉnh này. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở và đào tạo nghề, ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế còn được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, với lãi suất bằng 50% mức lãi suất cho vay hộ nghèo, áp dụng cho các khoản vay năm 2017 và 2018; người lao động đi xuất khẩu lao động trong năm 2017, 2018, được vay 100% chi phí đóng cho các công ty phái cử lao động, lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo; được hỗ trợ kinh phí học nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, visa, vé máy bay...