LTS: Vừa qua, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, bị truy tố về tội lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Thực tế cho thấy, bên cạnh sự lớn mạnh với nhiều công trình được xây dựng khắp nơi thì tập đoàn này còn sai phạm tại một số dự án.
Phú Quốc: Đề xuất phạt gần 100 tỷ đồng
Công trình khách sạn Mường Thanh thuộc dự án Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort do Công ty CP Đầu tư và phát triển Phú Quốc (gọi tắt Công ty Phú Quốc) làm chủ đầu tư tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Dự án được phê duyệt từ năm 2010 và đến năm 2016 đã được phê duyệt điều chỉnh cục bộ chi tiết 1/500. Khu vực xây khách sạn nằm trong dự án được phê duyệt cho phép xây dựng tối đa 9 tầng.
Tuy nhiên đến năm 2017, Công ty Phú Quốc đã bị lập biên bản với hành vi xây dựng 79 công trình không có giấy phép xây dựng, với tổng diện tích xây dựng 8.104m2. Trong đó, riêng công trình khách sạn Mường Thanh xây dựng 10 tầng (vượt 1 tầng) với diện tích xây dựng 3.224m2, tổng diện tích sàn xây dựng 32.874m2.
Tháng 5-2017, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (nay là UBND TP Phú Quốc) đã ra quyết định xử phạt Công ty Phú Quốc số tiền 40 triệu đồng về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, buộc chủ đầu tư xin cấp giấy phép xây dựng với diện tích 8.104m2 trong thời hạn 60 ngày. Nếu không, chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình vi phạm hoặc bị cưỡng chế phá dỡ thì phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
Dù vậy, đến cuối năm 2017, khách sạn Mường Thanh đi vào hoạt động mà chưa bị xử phạt. Sau đó, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang phải lập đoàn kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo TP Phú Quốc tiếp tục thực hiện quyết định xử phạt này. Năm 2018, chủ đầu tư nộp tiền phạt và phải đến tháng 5-2020 mới bắt đầu tháo dỡ một tầng sai phạm. Có một điều lạ là đến lúc này công trình vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng. Do đó tháng 10-2020, sau khi giám sát công trình đã hoàn tất tháo dỡ một tầng sai phạm, Sở Xây dựng đã đề nghị chủ đầu tư liên hệ Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc để xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của chủ đầu tư đối với công trình nói trên.
Một vấn đề phát sinh là Công ty Phú Quốc được giao đất, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (gọi tắt Doanh nghiệp số 1 Điện Biên) lại là đơn vị tổ chức thi công xây dựng công trình. Hai bên đã ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số công trình, trong đó có khách sạn Mường Thanh. Năm 2016, Công ty Phú Quốc đã được UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý chuyển nhượng một phần diện tích đất dự án cho Doanh nghiệp số 1 Điện Biên, hai bên đã ký kết hợp đồng nhưng đến nay việc chuyển nhượng vẫn chưa hoàn tất.
Nhằm xử lý dự án này, đầu năm 2023, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang tiếp tục có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng. Sở Xây dựng nhận định, khách sạn Mường Thanh dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng lại phù hợp với các quy hoạch xây dựng, nên đề nghị xem xét áp dụng xử phạt số tiền thu lợi bất hợp pháp. Do Công ty Phú Quốc và Doanh nghiệp số 1 Điện Biên chưa cung cấp hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký nên số tiền này được tạm tính dựa trên suất vốn đầu tư xây dựng theo Bảng tiêu chuẩn khách sạn 4 (Bộ Xây dựng ban hành) và số giường tại khách sạn mà Công ty Phú Quốc cung cấp. Con số được tạm tính thành tiền là 99,9 tỷ đồng. Sở Xây dựng yêu cầu UBND TP Phú Quốc xác định lại chủ thể vi phạm đối với 2 đơn vị trên.
Sau khi được Bộ Xây dựng phúc đáp về các quy định xử phạt hiện hành, ngày 27-2, Sở Xây dựng đã yêu cầu UBND TP Phú Quốc xử lý, đồng thời báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang. Ngày 14-4, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp UBND TP Phú Quốc khẩn trương xử lý dứt điểm vụ việc.
Phản hồi về hướng xử lý của Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang là phải nộp phạt số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 100 tỷ đồng, Doanh nghiệp số 1 Điện Biên đã có văn bản gửi UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị xem xét, không áp dụng biện pháp xử phạt này. Vì từ trước tới nay, chưa có bất cứ trường hợp chủ đầu tư nào bị áp dụng biện pháp nộp lại số lợi do hành vi vi phạm hành chính về xây dựng như đã nêu trên!
Ngày 25-4, UBND TP Phú Quốc đã có văn bản giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp Phòng Tư pháp, UBND xã Dương Tơ khẩn trương củng cố hồ sơ, tham mưu Chủ tịch UBND TP Phú Quốc tổ chức thực hiện quyết định xử phạt và các biện pháp khắc phục đối với công trình khách sạn Mường Thanh Phú Quốc trước ngày 15-5. Nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa có chuyển biến.
Cần Thơ: Chủ đầu tư “không hợp tác”
Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ tọa lạc tại khu “đất vàng” (thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) với quy mô gồm 19 tầng nổi và trên 300 phòng. Tổ hợp khách sạn này được đưa vào khai thác từ tháng 4-2015, đến nay cũng đã hơn 8 năm, thế nhưng vẫn chưa được nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào sử dụng công trình.
Tháng 9-2018, Thanh tra Bộ Xây dựng có công văn cho biết: “Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản nghiệm thu công trình, chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy của cơ quan thẩm quyền, chưa báo cáo khắc phục các sai phạm trước đó theo yêu cầu của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng”. Do đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo Sở Xây dựng, Công an TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ đầu tư. Đồng thời, đề nghị xử lý sai phạm ở Mường Thanh Cần Thơ, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý. Tiếp đó, tháng 12-2018, Thanh tra Bộ Xây dựng lại có công văn gửi UBND TP Cần Thơ đề nghị báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này.
Bên cạnh đó, khu đất xây dựng công trình khách sạn Mường Thanh Cần Thơ trước đây được TP Cần Thơ thu hồi để thực hiện dự án Trung tâm hội nghị TP Cần Thơ, thế nhưng sau đó lại được giao cho Mường Thanh xây khách sạn, khiến người dân bức xúc, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong thời gian dài.
Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Tháng 12-2022, Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản hướng dẫn xử lý, thế nhưng phía đơn vị chủ đầu tư khách sạn Mường Thanh Cần Thơ vẫn chưa hợp tác. TP Cần Thơ cũng đã họp với Sở Tư pháp để triển khai các biện pháp xử lý. “Nói thẳng là chủ đầu tư khách sạn Mường Thanh không hợp tác với chính quyền. Cái khó hiện nay là các quy định của pháp luật không có quy định xử phạt liên quan đến hành vi này. Do đó, biện pháp cuối cùng, nếu họ không thực hiện khắc phục thì sẽ rút giấy phép kinh doanh”, ông Mai Như Toàn nói.