
LTS: Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, khả năng, trình độ chuyên môn của các bác sĩ cũng như trang thiết bị y tế, kỹ thuật điều trị mới ở các cơ sở y tế lớn của Việt Nam hiện không thua kém gì khu vực mà người Việt thường lui tới chữa bệnh (Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Âu). Vậy tại sao người Việt vẫn bỏ ra nước ngoài chữa bệnh? Cái thua lớn nhất của y tế Việt Nam là gì? Loạt bài này nhằm phân tích những hạn chế của bệnh viện công.
Trong khi nhiều bệnh viện tư đã được mệnh danh là “bệnh viện vui vẻ” vì gây được thiện cảm với bệnh nhân từ sự chăm sóc tận tình, chu đáo và niềm nở thì ở nhiều bệnh viện (BV) công, thái độ phục vụ cộc cằn, lạnh lùng và thiếu trách nhiệm của một số cán bộ y tế vẫn là nỗi ám ảnh của người bệnh và thân nhân. Nhiều người không khỏi bức xúc khi gọi các BV công là BV… “câm”.
Khẩu hiệu ngược!
Vào bất cứ BV công nào, bệnh nhân cũng đều có thể dễ dàng nhìn thấy những câu khẩu hiệu “Đến đón tiếp niềm nở - Ở chăm sóc tận tình – Về dặn dò chu đáo” nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
Chị N.H.L, 41 tuổi, cuối năm 2007 đi siêu âm ở BV H.M, bác sĩ (BS) cho biết chị bị sỏi thận nhỏ 6mm. Sau đó, cứ đến kỳ hàng tháng, thấy máu ra nhiều bất thường nên ngày 25-3-2008, chị L đến một BV phụ sản lớn khám.
Tại đây, sau khi khám, siêu âm và xét nghiệm chị được BS chẩn đoán là u hạ vị. Y tá đưa giấy yêu cầu chị đi chụp CT. Chị L đến Trung tâm Medic chụp CT hết 1,2 triệu đồng, sau đó, 4g chiều chị quay lại BV nộp kết quả và được y tá yêu cầu thử máu, rồi dặn 8g sáng mai có mặt.
Đúng hẹn, 8g sáng hôm sau, chị L có mặt tại BV và được y tá yêu cầu đi nộp tiền khám tiền mê. Khám xong, vào nộp kết quả, y tá nói: 12g30 quay lại. Đúng 12g30, chị L quay lại BV chờ khám hội chẩn.

Cảnh chờ đợi mua thuốc tại Bệnh viện Tai-Mũi-Họng trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3
Vào phòng hội chẩn, chị L chỉ thấy một BS lớn tuổi. Vị BS này chỉ xem hồ sơ và khám nhanh chưa đầy 1 phút rồi nói ngắn gọn: “Cho đi siêu âm màu”. Đến 4g chiều, chị được y tá thông báo chuẩn bị mổ nội soi và đưa giấy hẹn ngày nhập viện. Chị L hỏi: “Vậy là u lành hay u độc?”. Y tá trả lời cộc lốc: “Chưa mổ làm sao biết!”.
Câu chuyện của chị L không phải là trường hợp duy nhất. Đa phần những người đã từng đến điều trị ở BV công khi được hỏi đều có những than phiền về cách đối xử, thái độ phục vụ của nhiều y, BS, điều dưỡng.
Chị N.T.T sau một lần đưa con đến cấp cứu ở BV N. đã lắc đầu khiếp đảm khi nhắc lại nỗi trần ai mà chị phải chịu đựng. Chị kể: Con gái tôi bị sốt cao kèm động kinh, sau khi đưa đến cấp cứu ở Trung tâm Y tế quận 4 thì được chuyển lên BV N.
Vừa chuyển tới nơi là được các cô y tá đưa vào bồn… xối nước ấm rồi cho ra phòng. Với biện pháp này, cháu hết co giật và bớt sốt nhưng một lúc sau thì lại sốt cao.
Cứ như vậy, suốt một đêm, cô bé 3 tuổi bị sốt li bì đã được xối nước đến 3 lần mà thân nhân không hề nhận được một lời giải thích, trấn an nào từ các nhân viên y tế.
Cho đến sáng hôm sau khi chịu hết nổi với cách cư xử lạnh lùng đến vô cảm của đội ngũ nhân viên y tế ở đây, chị T đã tự động chuyển con mình qua một BV nhi khác. Tại đây, cháu đã nhanh chóng được chẩn bệnh và đưa vào điều trị với bệnh viêm đường tiêu hóa cấp.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân còn rất bức xúc về cách khám bệnh rất qua loa, đại khái của nhiều BS ở các BV công hiện nay. Hầu hết đều cho rằng, các BS không có trao đổi thông tin với bệnh nhân và kết luận bệnh đôi khi hết sức ẩu tả.
Khám bệnh: 1 phút
Từ phản ánh của bạn đọc, chiều 31-3-2008, chúng tôi đã đến khám tại 2 cơ sở y tế: BV N.D. và BV N.T.P. Tại BV N.D., sau khi đăng ký khám và nhận sổ khám bệnh với chứng bệnh mất ngủ, tôi được bố trí vào phòng 11 - Nội thần kinh với bác sĩ điều trị là Th.S – BS Đ.C.T.
Xin trích nguyên văn đoạn đối thoại giữa BS và bệnh nhân: “Bệnh gì?”. Dạ bị mất ngủ. “Lâu chưa?”. Dạ, khoảng một tuần. “Mới có một tuần hả?”. Dạ, liên tiếp một tuần nay và thỉnh thoảng bị choáng. “Đúng rồi, mất ngủ thì phải bị choáng”. Vậy em bị bệnh gì, bác sĩ? “Mất ngủ mãn tính!”. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi ra sao, bác sĩ? “Bình thường!” Nhưng em làm công việc viết sách! “Viết sách thì mất ngủ là đúng rồi” (?!). Sau đó BS cho toa thuốc uống 10 ngày!
Tiếp tục với triệu chứng này, tôi sang BV N.T.P. khám lại. Cuộc trao đổi tìm bệnh cũng cực kỳ ngắn gọn: “Khám gì?”. Dạ bị mất ngủ và thỉnh thoảng bị choáng. “Vậy là bị rối loạn tiền đình”. Có sao không bác sĩ? “Thì uống thuốc, cũng không sao”. Em cũng hay bị buồn nôn. “Có bầu không?” Dạ không! “Cầm toa mua thuốc!”.
Theo BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, với những dạng bệnh lý thần kinh như trên, để tìm căn nguyên, bác sĩ cần trao đổi kỹ với bệnh nhân về bệnh sử và các yếu tố nguy cơ liên quan.
Từ những triệu chứng hoặc những yếu tố nguy cơ mới chẩn bệnh và tùy mức độ nặng hay nhẹ mà cho bệnh nhân dùng thuốc hay chỉ cần dùng những sản phẩm có nguồn gốc thảo dược… Đồng thời nếu nguyên nhân là những yếu tố tâm lý thì nên khuyên bệnh nhân cần tập luyện, không uống chất kích thích, không coi phim kinh dị, bạo lực trước khi đi ngủ…
Tuy nhiên, tất cả những khâu cần thiết này đều không được các bác sĩ ở phòng khám thực hiện. Ngược lại, việc chẩn bệnh rất qua loa, đại khái. Như vậy liệu việc chẩn bệnh có chính xác và điều trị có hiệu quả?.
Lương Nguyễn
Bài 2: Lạnh lùng do quá tải(?!)