LTS: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và đã ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thế nhưng, nhiều thế lực thù địch, chống phá cố tình mượn sự hoạt động của tôn giáo để rêu rao Việt Nam bị hạn chế hoặc không có tự do tôn giáo. Loạt bài sẽ giải đáp phần nào về thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, qua đó đấu tranh, phản bác với các quan điểm sai trái về tôn giáo của các thế lực thù địch.
Từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Người dân Thủ đô Hà Nội vui đón Giáng sinh trước Nhà thờ lớn. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Những luận điệu xuyên tạc không mới
Thời gian qua, nhiều tổ chức, nhiều thế lực cố tình tiếp nhận những thông tin không chính xác để phê phán tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam; tiếp tục chiêu âm mưu “diễn biến hòa bình” để tìm cách chống phá, tuyên truyền những luận điệu sai trái rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, xuyên tạc trắng trợn về tình hình, đời sống tôn giáo ở nước ta, nói đi nói lại những điều phi thực tế nhằm tạo sự hoài nghi, nhằm phá hoại khối đoàn kết tôn giáo.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhận xét, nhiều năm qua, những luận điệu xuyên tạc về tôn giáo ở nước ta không mới. Các tổ chức, thế lực xuyên tạc thường sử dụng những thông tin, tài liệu cũ từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để tiếp nhận thông tin không chính xác, đưa vào báo cáo đánh giá; khuyến khích cổ vũ cho các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không cần xin phép, đăng ký với chính quyền; thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ” ở các vùng sâu, vùng xa gia tăng hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của giáo hội và xã hội, gây bức xúc trong nhân dân. Với âm mưu muốn giáo dân chống đối chính quyền, họ kích động với luận điệu, đây là quyền con người, “quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo”; đồng thời lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.
“Họ kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC), gây sức ép và hối thúc Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do; giảm can thiệp của chính quyền vào các công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận và nhấn mạnh tiến bộ về tự do tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ song phương”, ông Thắng nói. Ông khẳng định, những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc trên hết sức phi lý, với ý đồ mục đích xấu xa, nhằm tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, nhằm tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Trên thực tế, mặc dù các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc chống phá như thế nào đi chăng nữa cũng không thể chia rẽ được các chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo và sự tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo. Thực tiễn đời sống tôn giáo đã chứng minh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, khẳng định chính sách nhất quán, củng cố niềm tin tưởng của chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng dự báo, thời gian tới, thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống đối dưới chiêu bài “đòi tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền”; xuyên tạc chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; khuyến khích các nhóm, phái tôn giáo mới, “tà đạo, đạo lạ”; gia tăng các hoạt động truyền đạo trên không gian mạng, xuyên biên giới… Khi chính quyền xử lý, họ vu cáo Việt Nam không có tự do tôn giáo, gây cản trở cho tiến trình hội nhập kinh tế của nước ta.
Đặc biệt, các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” lợi dụng diễn biến tình hình dịch Covid-19 để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người tham gia, tuyên truyền mê tín dị đoan, gây hoang mang trong nhân dân. Cùng với đó, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự…
Nhằm ngăn chặn, không để thế lực xấu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo thì cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết nhu cầu tôn giáo chính đáng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo của nhân dân, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu.
Các hoạt động tôn giáo đông người tại Hà Nội được chính quyền sở tại tạo điều kiện, không cấm đoán. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Quan tâm, tạo điều kiện để đời sống tôn giáo phát triển
Sự quan tâm, tạo điều kiện cho đời sống tôn giáo được thể hiện ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dù còn bộn bề công việc, ngày 3-9-1945, tại phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào theo đạo. Người nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Tại Sắc lệnh số 234/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã xác định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước, như mọi tổ chức khác của nhân dân”.
Thời gian qua, các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về tôn giáo, tín ngưỡng luôn được Nhà nước bảo hộ, tạo điều kiện tối đa. Các cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự trên cả nước không ngừng lớn mạnh, phát triển, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của nhân dân trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết ngày 30-11-2022, Nhà nước đã nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo; với hơn 27,2 triệu tín đồ, chiếm trên 27,4% dân số cả nước, trong đó có hơn 53.000 chức sắc, hơn 148.000 chức việc; gần 30.000 cơ sở thờ tự. So với năm 2021, số lượng tín đồ tăng hơn 623.000 người; cơ sở thờ tự tăng 60 cơ sở. Những số liệu này đã thể hiện Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo và tạo mọi điều kiện cho đời sống tôn giáo phát triển.
Trong năm 2022, các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động chức sắc, tín đồ tham gia các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng; tích cực chung tay với các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như các chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “trạng thái mới” tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Quan hệ giữa các cấp chính quyền với các tổ chức tôn giáo ngày càng cởi mở hơn, gắn bó hơn trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau. Các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Các tổ chức tôn giáo tiếp tục tích cực hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ về việc treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo. Cho đến nay, nhiều cơ sở tôn giáo đã thực hiện việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ Quốc khánh, tết cổ truyền của dân tộc và các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, hiệu ứng tích cực trong nhân dân.
Nói về sự phát triển của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định, nhớ lại, cách đây khoảng 30 năm, ông đã có dịp gặp gỡ một vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam để chia sẻ về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. “Tôi cho vị ấy một bài toán rằng, Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm, trước năm 1975 có hơn 14.000 sư, 360 linh mục. Nhưng từ năm 1975 đến những năm 2000, cả nước có 37.000 sư và hơn 2.000 linh mục. Nếu Đảng, Nhà nước Việt Nam cấm thì làm sao tôn giáo phát triển nhanh như vậy”, Thượng tọa Thích Quảng Hà chia sẻ.
Bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, cho rằng, trong chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước không những chỉ ra vai trò của tôn giáo, mà còn khẳng định tôn giáo có đóng góp quan trọng trong đời sống xã hội. Đồng thời, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện trong khuôn khổ của pháp luật để tôn giáo đóng góp cao nhất cho xã hội. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.