Quy định về quản lý, công nhận bằng cấp, chứng chỉ trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, giảng dạy - dù đã có - song vẫn tồn tại nhiều bất cập, vì thực tế vẫn lọt sổ những “con sâu” trong các cơ quan nhà nước lẫn cơ sở giáo dục.
LTS: Thời gian vừa qua, xảy ra rất nhiều trường hợp cán bộ công chức, cán bộ quản lý khi rà soát công tác quy hoạch hoặc khi có đơn khiếu nại tố cáo, cơ quan kiểm tra, thanh tra vào cuộc mới phát hiện ra sử dụng bằng giả, bằng không được công nhận để khai lý lịch và thăng tiến. Thậm chí, có tình trạng nhiều cán bộ quản lý đương nhiệm ở các địa phương còn “đua nhau” trình ra nhiều bằng cử nhân, thạc sĩ cho đến tiến sĩ và để làm đẹp cho trình độ học vấn. Tuy nhiên, khi truy đến cùng, cây kim trong bọc đã lòi ra, các cơ sở đào tạo đã phải công bố đó là những bằng cử nhân cao đẳng, cử nhân đại học giả. Vô số những bằng cấp, chứng chỉ ra đời từ các chương trình đào tạo liên kết, học từ xa, học trực tuyến trong nước lẫn ngoài nước… chưa được ngành giáo dục công nhận đã trở thành chứng chỉ, nấc thang bước lên vị trí làm việc cao hơn.
Quy định về quản lý, công nhận bằng cấp, chứng chỉ trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, giảng dạy - dù đã có - song vẫn tồn tại nhiều bất cập, vì thực tế vẫn lọt sổ những “con sâu” trong các cơ quan nhà nước lẫn cơ sở giáo dục. Những hệ lụy sau đó để lại không hề nhỏ, như làm mất uy tín của đội ngũ cán bộ, nghi ngờ tiêu cực phía sau các đường dây đào tạo - cấp bằng, quy định bổ nhiệm, điều động cán bộ không minh bạch… Và hiện nay, khi sinh viên cũng phải sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả để được ra trường, các đường dây rao bán bằng cấp nở rộ trên mạng, đã đến lúc cần có cuộc điều tra tổng thể, siết chặt công tác quản lý, cấp bằng ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Giả vô số...
Thạc sĩ Đặng Đình Thành, Phó trưởng Phòng Thanh tra Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết: Thời gian gần đây, phòng đã tiến hành xác minh, trả lời công văn cho rất nhiều tổ chức, cá nhân về các văn bằng, chứng chỉ do trường cấp. Ít nhất đã có hơn 20 trường hợp sử dụng bằng cấp chứng chỉ mang tên trường, nhưng thực tế không hề học và được trường cấp. Ngay cả số hiệu phôi bằng, số hiệu trong sổ gốc cũng không có.
Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng phát hiện vô số bằng giả mang tên trường. Th.S Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế TPHCM, thông tin: Hiện có khá nhiều bằng đại học (hệ chính quy) của trường bị làm giả. Mỗi tuần trường có công văn trả lời cho các đơn vị, tổ chức nhờ xác minh bằng của trường, phát hiện 5 - 7 trường hợp là giả. Dù trường đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ là chứng chỉ quốc tế và kiểm tra rất kỹ, nhưng vẫn có trường hợp sinh viên mua các chứng chỉ giả để nộp đủ điều kiện tốt nghiệp.
Không chỉ các trường đại học thuộc hàng tốp, mà các trường cao đẳng, trung cấp cũng phát hiện rất nhiều bằng cấp giả. Sau khi rà soát và kiểm tra để xét tốt nghiệp cho học sinh, Trường Trung cấp T.G.S tại TPHCM đã phát hiện vài chục trường hợp sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả, bằng trung cấp, bằng cao đẳng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có nghi vấn giả. Trường đã liên hệ và mời học sinh lên làm việc, nhưng… đều không chứng minh được. Sau đó, trường đã có công văn gửi đến các cơ sở cấp các văn bằng chứng chỉ để xác minh. Đại diện nhà trường cũng cho biết: Đa số là sinh viên lớn tuổi, nhưng dù thế nào trường cũng không thể cho qua và phải làm theo đúng quy định. Nếu là bằng giả thì buộc phải đình chỉ hoặc hủy kết quả học tập và chuyển hồ sơ để cơ quan chức năng xử lý.
Trong Chuyên án VA518G của Công an TPHCM mới đây đã phát hiện một tổ chức làm các văn bằng chứng chỉ với quy mô cực lớn, thu giữ tang vật gồm nhiều máy in, máy photocopy, 9 thùng tài liệu với 1.600 mẫu dấu các loại, 56 bằng cấp, chứng chỉ đã thành phẩm, khoảng 10.000 phôi bằng các loại… Liên quan đến vụ án, rất nhiều trường đại học tên tuổi đã bị sử dụng bằng giả mang tên trường. Trường Đại học Cần Thơ xác minh ngày 20-9-2017 cho biết, trường không cấp bằng cử nhân kế toán cho N.T.T.D. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xác minh không có sinh viên nào tên N.T.H.T. được trường cấp bằng tốt nghiệp số B318973 ngày 1-7-2013. Trường Đại học Đồng Nai cũng cho biết, trường không cấp bằng tốt nghiệp số hiệu B127636 cho L.T.T.L. Trường Đại học Sư phạm TPHCM xác minh và trả lời không cấp 2 chứng chỉ tin học và tiếng Anh trình độ B cho N.T.K.T. vào năm 2017. Mới đây, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện một giáo viên dạy lái xe của một trung tâm dạy nghề lái xe tại Củ Chi sử dụng giấy phép lái xe giả.
Chuyện xác nhận văn bằng cũng nhiều khi cười ra nước mắt. Trước đây, một đơn vị đã gửi công văn kèm theo hàng loạt cá nhân có bằng đại học, đề nghị Trường Đại học Hùng Vương TPHCM xác minh văn bằng tốt nghiệp của trường cấp. Kết quả xác minh, nhiều trường hợp không phải là bằng do trường cấp. Trong đó, có trường hợp có bằng tốt nghiệp ghi năm cấp là 1994 (trong khi trường được thành lập năm 1995). Hay như ngành Kỹ thuật xây dựng bậc đại học, năm 2014 trường mới có sinh viên tốt nghiệp, nhưng năm 2013 đã nhận được yêu cầu xác minh bằng tốt nghiệp đại học ngành này do doanh nghiệp gửi đến. Thậm chí, bằng tốt nghiệp và dấu của trường nhưng ông hiệu trưởng lại là một hiệu trưởng của trường cao đẳng.
Trong khi đó, nhiều trường đại học khác như Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Đại học Nông Lâm TPHCM, Đại học Công nghiệp TPHCM... cũng cho biết, khi xác minh và trả lời cho các cơ quan vẫn phát hiện có trường hợp bằng của trường bị làm giả, còn các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giả vô số.
Nhiều cách phát hiện bằng cấp giả
Thực tế hiện nay nhiều trường đã công bố và cập nhật danh sách sinh viên tốt nghiệp lên website để các cơ quan chức năng kiểm tra. Nếu phát hiện không có tên thì khả năng bằng giả gần như là 100%. Th.S Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ: Các khóa sinh viên tốt nghiệp kể từ năm 2007 cho đến nay đều được đưa lên website của trường để sinh viên biết và các cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ mà không cần xác minh. Tuy nhiên, trong trường hợp các cơ quan cần xác minh có con dấu để làm cơ sở pháp lý thì trường cũng sẵn sàng. Còn chuẩn ngoại ngữ đầu ra cho sinh viên từ khi áp dụng chuẩn quốc tế thì số lượng sinh viên mua và sử dụng chứng chỉ giả đã giảm rất nhiều so với trước đây.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: Hàng năm vẫn có những trường hợp doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đề nghị xác nhận văn bằng và trường phát hiện có bằng giả. Số lượng bằng giả không nhiều nhưng cũng được nhà trường quan tâm và tình trạng này nhà trường đều báo cho công an để xử lý. Trước đây, khi trường còn yêu cầu chuẩn ngoại ngữ A, B, C thì phát hiện rất nhiều sinh viên sử dụng chứng chỉ giả. Tuy nhiên, từ khi áp dụng chuẩn quốc tế vấn đề này không còn nữa.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: Sinh viên và người học vì bất kỳ lý do gì mà mua hoặc sử dụng bằng cấp giả đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật nên tuyệt đối phải tránh xa và nói không với bằng cấp giả. Thậm chí, nhiều trường đại học hiện nay còn sử dụng biện pháp rất khắt khe. Đó là, nếu phát hiện sử dụng các chứng chỉ giả (trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) sẽ bị cấm thi 2 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sinh viên có nguy cơ bị hủy kết quả học tập.
Về việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, người sử dụng đôi khi nghĩ đơn giản là không ảnh hưởng đến bản thân, không vi phạm pháp luật, hoặc với lý do là công việc không cần nhưng đơn vị quản lý cần, nên làm để đối phó. Hay với các em sinh viên do bị nợ môn nên không ra trường được, quyết định sử dụng bằng giả. Tuy nhiên, thực tế, việc sử dụng bằng cấp hoặc chứng chỉ giả sẽ không qua mặt được các cơ quan quản lý vì hệ thống quản lý bây giờ được ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như việc công khai trên website của nhà trường, rất dễ dàng để kiểm tra khi cần. Với các trường hợp là sinh viên sử dụng chứng chỉ giả, hậu quả sẽ là bị kỷ luật tới mức đuổi học, hoặc bằng giả sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Hàng năm khi xét tốt nghiệp, hàng trăm sinh viên ở các trường đã bị phát hiện và cảnh cáo, xử lý học vụ hoặc chuyển hồ sơ cho công an xử lý. Trong đó, rất nhiều sinh viên đã bị thôi học hoặc hủy kết quả học tập.