30 năm trước, trong một chuyến lên rừng kiếm củi nuôi con, ông phát hiện 2 bộ hài cốt liệt sĩ. Từ đó, một mình trên chiếc xe đạp, ngày ngày ông lặng lẽ rong ruổi đến 72 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trong tỉnh để tìm thân nhân cho 600 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Quảng Trị. Ông là Ngô Tình, năm nay 72 tuổi, ở thôn Liêm Công Đông, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Từ một chuyến lên rừng
Ông Tình kể: “Giữa mùa khô năm 1977, cuộc sống đang túng quẫn, vợ chồng tui lên vùng rừng Vĩnh Ô cách nhà hơn 50km để kiếm củi gánh về chợ Hồ Xá đổi gạo. Tình cờ một buổi chiều khi đặt chân lên khu vực Động Chặt, tui phát hiện hai ngôi mộ liệt sĩ có tên tuổi, quê quán khắc trên tấm gỗ đã úa màu (Phạm Hữu Đắc, quê Vĩnh Phúc và Trương Xuân Lai, quê Nghệ An).
Tui giục vợ gánh củi về mau để ghi thư liên lạc với thân nhân của hai liệt sĩ. Một tháng sau, gia đình liệt sĩ Phạm Hữu Đắc vào cất bốc mộ. Từ đó việc tìm thân nhân cho liệt sĩ gắn chặt cuộc sống của tui. Rất may, bà vợ và mấy đứa con tui biết sẻ chia với tâm nguyện làm việc nghĩa này”.
Những ngày đầu, một mình ông đạp xe tìm lại những khu vực trước đây đã cùng bà con mai táng liệt sĩ ở khu vực Vĩnh Linh. Khi phát hiện, ông đánh dấu, vẽ sơ đồ rồi báo cơ quan chức năng để cùng khai quật đưa về mai táng tại những NTLS trong huyện.
Khi tiến hành quy tập cơ quan chức năng đã vẽ lại sơ đồ mộ chí sau đó thông báo cho thân nhân liệt sĩ. Tuy nhiên, nhiều năm sau vẫn không thấy mối liên hệ nào giữa người thân và những liệt sĩ, ông Tình bắt đầu tìm đến các NTLS trong huyện, lập danh sách những liệt sĩ có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng và nghĩ cách thông tin trực tiếp cho gia đình.
Đang loay hoay tìm cách liên hệ với thân nhân của hơn 300 liệt sĩ đã lên danh sách thì một buổi chiều giữa năm 2000 tình cờ nghe chương trình Thông tin về những người con hy sinh cho Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam (ĐTNVN), ông liền “gửi thử” danh sách 12 liệt sĩ để nhắn tìm thân nhân.
Những câu chuyện cảm động
Hơn 1 tuần sau, ông Tình nhận được thư hồi âm của chị ruột liệt sĩ Trần Nam Thinh. Trong thư gửi ông Tình, chị kể rằng, lúc thổi cơm, nghe thông tin về người cậu ruột của mình trên ĐTNVN, con gái chị đã lấy than ghi xuống nền đất. Tối đến, đối chiếu tên tuổi, quê quán trùng khớp, hai mẹ con ôm nhau khóc suốt đêm…
Ông tiếp tục gửi danh sách hàng trăm liệt sĩ còn lại ra ĐTNVN và nhận được rất nhiều thư hồi âm, nhờ ông tìm mộ liệt sĩ. Tìm hết thân nhân cho liệt sĩ ở các NTLS huyện Vĩnh Linh, ông lại đạp xe đến 60 NTLS ở các huyện khác trong tỉnh để tiếp tục ghi chép thông tin. Có NTLS cách nhà hơn 100km nên nhiều chuyến đi phải cơm đùm, gạo bới vài ba ngày mới trở về, rồi đêm đến chong đèn lập danh sách gửi ra ĐTNVN. Có lần đường trơn, cả xe và người lao xuống hố gãy cả chân phải vào bệnh viện.
Ông Tình nhớ mãi một câu chuyện. Đêm giữa tháng 10-2005, ông Trần Văn Châu (anh ruột liệt sĩ Trần Lý) nghe ĐTNVN phát đi thông tin phần mộ người em. Sáng hôm sau, hai cha con ông tức tốc chạy xe máy hơn 200km từ Can Lộc, Hà Tĩnh đến gặp ông Tình nhưng ông Tình cho biết đài đã đọc nhầm: Trần Ly chứ không phải Trần Lý.
Tuy nhiên, thấy sự hụt hẫng của ông Châu, dù đang lên cơn sốt nhưng ông vẫn gượng dậy đưa hai cha con ông Châu xuống UBND xã Vĩnh Giang nhờ tra tìm tên liệt sĩ Trần Lý. Sau một ngày miệt mài tra cứu thông tin, đến cuốn sổ cuối cùng mới hay đó chính là liệt sĩ Trần Lý nhưng do sơ suất nên bị thiếu dấu thành Trần Ly.
“Em tui đã tìm thấy rồi. Công ơn bác là trời bể!”, ông Châu nói trong nước mắt. Cũng như ông Châu, hàng trăm người sau bao nhiêu năm tìm kiếm thân nhân trong vô vọng, cứ ngỡ rằng mãi mãi sẽ không còn cơ hội để thắp một nén hương trước nấm mộ người thân, nhưng rồi họ được toại nguyện nhờ vào những thông tin mà ông Tình cung cấp…
Cho đến nay, ông đã thông tin giúp cho thân nhân trên mọi miền đất nước tìm được 600 mộ liệt sĩ. Từ 7 năm nay, trung bình mỗi tháng ông trả lời gần 30 lá thư và trên 50 cuộc điện thoại cho thân nhân và là cộng tác viên tích cực, thường xuyên của chương trình Thông tin về những người con hy sinh cho Tổ quốc của ĐTNVN.
Ngôi nhà của ông thường xuyên đón tiếp thân nhân từ Nam ra Bắc vào nhờ ông kiếm tìm liệt sĩ. Họ vui mừng khi được gặp ông, được ông tận tình lo lắng nơi ăn ở và đưa đến các NTLS, liên hệ với chính quyền địa phương xác minh lại danh tính và cất bốc hài cốt. Nhiều trường hợp khó khăn, ông phải vay mượn để lo từ đôi dép, chiếc nón đến tiền xe tàu cho thân nhân mang hài cốt liệt sĩ về quê.
Cuộc sống khó khăn, từ mấy năm nay hai cha con ông Tình nhận làm bảo vệ ở hai trường cấp một và cấp hai để kiếm thêm thu nhập phục vụ cho việc gửi thư, điện thoại mỗi lần liên hệ với thân nhân liệt sĩ. Trung bình mỗi tháng phải thanh toán cước phí điện thoại hàng trăm ngàn đồng nên tiền công bảo vệ trường cũng chỉ vừa đủ chi trả cho việc làm tình nghĩa của ông.
Bây giờ, trên chiếc xe đạp đã “xuống cấp” nhưng ngày ngày ông vẫn lọc cọc tìm đến các NTLS trong tỉnh để ghi chép tên tuổi, quê quán các liệt sĩ để thông báo cho thân nhân khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều hôm chân tay nhức buốt, ông phải nhờ đến đứa cháu nội chở đi. “Tìm kiếm thân nhân cho liệt sĩ là niềm vui lớn của cuộc đời tui. Tui sẽ quyết tâm với công việc nghĩa tình này cho đến cuối đời”, ông Tình tâm sự .
Bài 2: 20 năm và 1.494 bộ hài cốt liệt sĩ
Phan Yên