Cũng theo đồng chí Trần Tuấn Anh, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; gồm có 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước với thềm lục địa rộng lớn, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có điều kiện giao thông thuận lợi nhất trong các vùng của cả nước với đường sắt Bắc - Nam dài hơn 700km, nhiều cảng biển, cảng hàng không quốc tế lớn và hành lang kinh tế Đông - Tây gắn kết với Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar; là khu vực có điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên.
Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế vùng tăng trưởng 7,3%/năm trong giai đoạn 2005-2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53%GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của vùng. Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước; một số lợi thế về địa kinh tế và kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Mặc dù chiếm trên chiếm 28% diện tích tự nhiên và chiếm 20,8% dân số cả nước nhưng quy mô kinh tế của vùng có tỷ trọng nhỏ, chiếm 14,53%GDP cả nước; GRDP/người của vùng thấp, chỉ bằng 0,69 lần bình quân của cả nước; tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa có sự đột phá; quy mô công nghiệp của vùng còn nhỏ và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp; tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; phát triển du lịch chủ yếu theo chiều rộng, thiếu sản phẩm du lịch có chất lượng cao; thu ngân sách chưa bền vững, phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách…
Trước thực trạng như vậy, nhất là trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương triển khai đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, cần tập trung vào thách thức lớn nhất của Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lượng chất lượng cao. Tiếp theo là cần có chính sách phát triển các trụ cột phát triển kinh tế biển; vấn đề liên kết vùng.
Theo TS Trần Du lịch, liên kết vùng tập trung vào 4 vấn đề: các chính sách, phân bố: Tập trung lĩnh vực gì dựa trên toàn vùng; liên kết phát triển giao thông vùng, ngoài đường ven biển, đường cao tốc Bắc - Nam thì đường “xương cá” gắn với vùng Tây Nguyên; hệ thống giáo dục: phải tổ chức hệ thống đào tạo chung; xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường chung.
Theo kế hoạch, dự thảo báo cáo tổng kết sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào giữa tháng 9.