Xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nằm trên núi Puxailaileng quanh năm mây phủ, mùa đông giá rét cắt da cắt thịt. Người dân nơi đây phần lớn là đồng bào Mông, Khơ Mú, cuộc sống còn rất cơ cực, nhất là mùa đông khi thời tiết có thời điểm xuống 1-2OC. Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Hiệu phó Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi kể, cứ đến mùa đông, không chỉ phụ huynh mà giáo viên lại lo lắng chống rét cho học trò. Không chống được rét thì các em không thể học được.
Mặc dù chính quyền các cấp, ngành giáo dục đã quan tâm đầu tư, nhưng với người dân nghèo thì vẫn chưa thấm vào đâu. Mùa đông đến, các thầy cô giáo đi xin người thân, bạn bè; kết nối mạng xã hội để có áo ấm, chăn ấm cho trò. Trường có 530 học sinh thì có tới 410 em ở nội trú. Trong số này, có những em đến từ các “bản cổng trời” như Huồi Thum, Huồi Xài, Thăm Hón… “Bây giờ, nỗi lo nhất của chúng tôi là khu nhà ở bán trú cho các em đã xuống cấp, phòng ở xập xệ. Mùa đông đến hơi lạnh, hơi sương, gió lùa vào, thương các em lắm, nhưng nhà trường không đủ khả năng sửa chữa”, thầy Hùng chia sẻ.
Tít trên xã rẻo cao Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) mưa rét phủ khắp nơi. Trường Mầm non Lâm Hóa đóng ở 5 điểm rải rác ở từng cụm bản với hơn 130 cháu. Cô giáo Đinh Thị Kim Xoan, phụ trách bản Chuối kể: “Ở đây, con em đồng bào Mã Liềng lo cái ăn còn khó, lo áo ấm càng khó hơn. Vì thế, năm nào từ hiệu trưởng đến giáo viên cũng vận động các mối quan hệ xin áo ấm, giày dép cho các em đi học để bớt phần nào cái lạnh cắt da cắt thịt”.
Trên địa bàn xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nhiều con em đồng bào Rục ở 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ cũng co ro trong giá lạnh khi mùa đông đang đến. Các chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Xèng (đóng trên địa bàn xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) cũng đang vận động áo ấm cho các em vì hầu như gia đình nào nơi đây cũng khó khăn bộn bề.
Còn tại huyện miền núi Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) có 62 trường học với 22.400 học sinh, trong đó bậc mầm non có khoảng 5.800 học sinh. Những ngày qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường trên địa bàn, đặc biệt là bậc mầm non tất bật sửa sang lại cửa sổ, cửa chính của lớp học, lắp thêm rèm cửa, dùng phông bạt che kín các khe hở không cho gió lùa vào phòng để đảm bảo sức khỏe, giữ ấm cho học sinh tốt nhất trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.
Thầy Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Sơn cho biết, phòng đã chỉ đạo đến tận các trường học chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết giá rét. Đặc biệt, tại các trường học bậc mầm non, cố gắng đảm bảo nước ấm cho học sinh sử dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thường xuyên chú ý vận động thêm quần áo ấm, tất, mũ cho học sinh.