Cây cháy, hồ cạn
Theo những bậc cao niên ở Nghệ An, hiếm khi nào tình trạng nắng nóng, hạn hán lại kéo dài nhiều ngày như đợt này. Đi qua các vùng như xã Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên); Nghi Phương, Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc); Nhân Sơn, Mỹ Sơn (huyện Đô Lương)… đâu đâu cũng một màu trắng bạc bởi đất khô cằn, nứt nẻ trơ gốc rạ, lúa, bắp chết cháy. Các cánh đồng vắng bóng người, vì cây trồng đã chết không thể cứu vãn.
Ông Trần Quang Đông (trú thôn 3, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) buồn bã: “Cả cánh đồng trù phú mấy chục hécta của Hưng Lợi bên trong đê sông Lam không gieo trồng được, đến cỏ cũng chết cháy, trâu bò không có để ăn, may còn có rơm dự trữ”.
Tại đồi Trạng Nẹo (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) có hơn 100 hộ dân trồng cam, bưởi đặc sản, chè… thì có tới trên 60% hộ dân bị thiệt hại nặng nề. Buồn rầu nhìn vườn cam, bưởi đang chết dần, ông Nguyễn Đình Sen (ở thôn 6) cho biết, gia đình trồng khoảng 1.200 gốc cam và hơn 1.000 gốc bưởi, mỗi năm đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền nhân công, vật tư để chăm sóc. Những ngày qua, gia đình đã làm đủ cách cứu vãn vườn cam, bưởi nhưng dường như bất lực bởi thời tiết nắng nóng quá khốc liệt.
Dọc sông Gianh, đi qua các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), nguồn nước mặn xâm nhập vào sâu hàng chục kilômét ảnh hưởng hàng ngàn hécta lúa, hoa màu của bà con một tháng qua. Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, tỉnh có 19 hồ thủy điện chứa khoảng 3 tỷ m3 nước, nhưng lượng nước này chủ yếu phục vụ cho sản xuất điện, còn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh không đáng kể. Hiện nay, 97% hồ chứa do doanh nghiệp quản lý thiếu hụt nước so với dung tích thiết kế; các hồ chứa nhỏ do xã, hợp tác xã quản lý chỉ đạt 20%-30% dung tích thiết kế. Đặc biệt có 234 hồ nhỏ đã xuống dưới mực nước chết.
Tại “chảo lửa” Hương Khê (Hà Tĩnh), hiện có trên 5.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Để có nước sử dụng, người dân ở đây phải đi xin từ các hộ khác hoặc lấy nước ở các sông, khe suối chưa qua xử lý.
Diện tích bị thiệt hại có thể tăng gấp đôi
Trong cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị bộ đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí khoảng 3.500 tỷ đồng để Nghệ An xây dựng các công trình chống hạn vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh và hồ chứa thủy lợi Thác Muối. Trước mắt, khi chưa có kinh phí thi công công trình lớn, tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ NN-PTNT cấp kinh phí khoảng 150 tỷ đồng xây dựng sau hạ lưu Bara Nam Đàn một đập thông minh (đập cao su) để giữ nước; hoặc cấp khoảng 100 tỷ đồng xây dựng một trạm bơm cưỡng bức giúp Nghệ An tạm thời giải quyết chống hạn vùng phía Nam của tỉnh này.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết, nhằm giúp người dân khắc phục thiệt hại trong mùa nắng nóng năm nay và những năm tiếp theo, địa phương đề xuất tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư hồ Trại Dơi ở xã Phú Gia (dung tích trên 100 triệu m3 nước), vừa nâng nguồn nước ngầm, vừa đáp ứng cung cấp nguồn nước sinh hoạt cơ bản cho các xã trên địa bàn và cắt lũ; hỗ trợ hệ thống đường điện vào khu vực đồi Trạng Nẹo ở xã Phúc Trạch, nơi đang có số lượng lớn diện tích trồng cây bưởi và cam bị thiệt hại nghiêm trọng do nắng nóng, hạn hán; hỗ trợ kinh phí giúp người dân khoan giếng để có nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất; hỗ trợ các loại giống đậu, bắp… cho người dân để tái sản xuất sau những thiệt hại do nắng hạn.
Đại diện Sở NN-PTNT các địa phương này cho rằng, do hạn hán xảy ra trên diện rộng và quá khốc liệt nên tỉnh không đủ kinh phí để triển khai chống hạn một cách hiệu quả. Vì vậy, hiện chỉ biết trông chờ vào nguồn kinh phí từ Trung ương và mong các bộ, ngành Trung ương sớm quan tâm giải quyết.
Một thông tin khiến người dân cũng như các cấp chính quyền các tỉnh Bắc miền Trung hết sức lo ngại là theo báo cáo của Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, các tỉnh Bắc Trung bộ chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng, diện rộng. Diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực là khoảng 26.000ha. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô ngày càng có xu hướng xuất hiện sớm và ăn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở hạ du các sông, ảnh hưởng trực tiếp khoảng 12.700ha cây trồng, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Mã, sông Cả. Nếu trong những ngày đầu tháng 8 này không có mưa thì diện tích bị thiệt hại có thể tăng lên gấp đôi.