Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW; Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PT-NT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW phát biểu tại hội nghị |
Tham dự hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, các cơ quan liên quan của 6 tỉnh Bắc Trung bộ và các chuyên gia, nhà khoa học.
Các đại biểu chủ trì hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, hội nghị là cơ hội quý để tỉnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; cùng các địa phương, bộ, ban, ngành Trung ương đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị số 13. Đồng thời, thảo luận, đề xuất các giải pháp về phát triển kinh tế rừng, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế, chính sách để vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vừa hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Các nhà khoa học, đại biểu 6 tỉnh Bắc Trung bộ tham dự hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW nêu rõ, khu vực Bắc Trung bộ bao gồm 6 tỉnh, dân số trên 11,09 triệu người, với diện tích hơn 51,4 ngàn km2, chiếm 15,5% diện tích cả nước, trong đó có trên 3,1 triệu hecta đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước), là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt, Bắc Trung bộ là khu vực đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho triển khai thí điểm chuyển nhượng tín chỉ carbon theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28-12-2022.
Các địa phương trong vùng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác phối hợp liên ngành được triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Các nguồn lực xã hội đầu tư cho lâm nghiệp, nhất là xã hội hóa nghề rừng được tăng cường ngày càng thực chất hơn... Lợi ích kinh tế từ rừng ngày càng được khẳng định; bộ mặt nông thôn, miền núi, khu vực có rừng có nhiều đổi thay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Người dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ ngày càng có cuộc sống tốt hơn nhờ kinh tế rừng trồng |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, vướng mắc mà các địa phương trong vùng cần tiếp tục khắc phục.
Dưới tán rừng, Quảng Bình có hệ thống hang động chằng chịt nên phát triển tốt du lịch sinh thái, mạo hiểm |
Tại hội nghị, các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ đã trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, đánh giá về những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 13. Đồng thời đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày 3 báo cáo chuyên đề về: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, một số khuyến nghị đối với khu vực Bắc Trung bộ; Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường chứng chỉ carbon rừng; Thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng - kinh nghiệm tại khu vực Bắc Trung bộ.
Các báo cáo, ý kiến tham luận và phát biểu tại hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác này. Đặc biệt, có nhiều kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách mới tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Trồng thông là một mô hình đa dạng hóa nguồn thu tại các tỉnh Bắc Trung bộ về phát triển rừng |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh một số nội dung như cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh, tình trạng di dân tự do.
Cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng, đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh phát triển chế biến, thương mại gỗ và lâm sản; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.
Dưới tán rừng ở Bắc miền Trung có nhiều di tích danh thắng thu hút du khách |
Đặc biệt, cần bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, nhất là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, bảo đảm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết quốc tế tại COP26 về biến đổi khí hậu.
Cùng đó, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cốt lõi là tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng. Hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm đóng góp vào quá trình thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.