Cơ hội và thử thách
Trong căn phòng thoáng, sạch của Trạm y tế phường Hiệp Thành (quận 12), người lớn, trẻ nhỏ lố nhố ngồi đợi tới lượt khám bệnh. Bác sĩ trẻ thực tập Nguyễn Thị Quỳnh Trang vừa thăm khám, vừa ân cần hỏi han từng người: “Chị làm xét nghiệm chưa? Anh khai báo online ở đây nhé! Bác ngồi ghế để con đo huyết áp cho…”. Người đợi khám chưa hết thì chuông điện reo vang, tổ trưởng ở khu phố 1 báo có trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết cần bác sĩ Trang xuống hỗ trợ gấp.
Bàn giao công việc lại cho đồng nghiệp, bác sĩ Quỳnh Trang xuống ngay địa bàn. Vừa đi, chị vừa tâm sự: “Ban đầu về trạm y tế thực tập, tôi cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng dần cũng quen với cường độ công việc. Cứ nghĩ trạm y tế thì không nhiều việc, nhưng lại khác xa với tưởng tượng, mọi người rất vất vả. Đợt này dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp trên địa bàn, tôi và đồng nghiệp 5-6 giờ sáng đã có mặt tại trạm để đi chống dịch”.
Thời gian qua, bác sĩ Phạm Đăng Toàn cũng tất bật ở Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) với hàng núi công việc. Chúng tôi gặp bác sĩ Toàn khi anh vừa đi thăm khám, phát thuốc cho 2 trường hợp F0 tại địa bàn. Trò chuyện đôi câu, anh đã vội vã xuống khu phố 5 để hỗ trợ phun khử khuẩn một ổ dịch sốt xuất huyết vừa được phát hiện. Mỗi tuần, bác sĩ Toàn trực ở trạm y tế 3 ngày, 4 ngày còn lại thực hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nói về quyết định xuống trạm y tế công tác, bác sĩ Toàn chia sẻ: “Xung phong về thực hành tại trạm y tế vì muốn được trực tiếp gần người dân. Nhờ đó, học được rất nhiều điều mà sách vở, nhà trường không dạy hết được”.
Bác sĩ Quỳnh Trang và bác sĩ Đăng Toàn là 2 trong 297 bác sĩ trẻ tốt nghiệp Khoa Y, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, niên khóa 2015-2021, được tăng cường về y tế cơ sở tại 21 quận huyện và TP Thủ Đức từ tháng 2-2022. Họ đã quen với môi trường mới, ai cũng nỗ lực hết mình trong công việc. Bởi họ có chung suy nghĩ: Đây là cơ hội, thử thách, rèn luyện bản thân, đồng thời tận dụng tốt thời gian quý báu này để giúp ích cho đời.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Đầu năm 2022, Sở Y tế TPHCM chính thức triển khai hoạt động đầu tiên trong Đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, khi đưa gần 300 bác sĩ trẻ về tăng cường cho các trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố (gọi tắt đề án). Đây là đề án mang tính đột phá riêng của thành phố. Một thuận lợi không nhỏ cho đề án khi tại kỳ họp thứ 5, HĐND TPHCM khóa X vào đầu tháng 4 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Theo đó, mức hỗ trợ bác sĩ khi thực hành tại y tế cơ sở là 60 triệu đồng/18 tháng; 30 triệu đồng cho điều dưỡng, hộ sinh trong 9 tháng; người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng…
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình, bên cạnh việc giúp bác sĩ trẻ có điều kiện cọ xát, củng cố năng lực xử trí ban đầu, thể hiện vai trò và trách nhiệm của một người thầy thuốc đối với cộng đồng, đề án cũng bộc lộ một vài hạn chế. Bác sĩ mới tốt nghiệp và trong quá trình làm việc đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, trong khi nhu cầu bác sĩ tổng quát cho tuyến y tế cơ sở lại cần thiết hơn. Vì vậy, để giữ chân bác sĩ trẻ yên tâm công tác, ngoài cơ chế chính sách đã được HĐND TPHCM thông qua, thành phố cần có thêm cơ chế luân chuyển họ sau 5 năm, chứ không bắt buộc bám trụ cả đời ở y tế cơ sở.
Bác sĩ Hồ Lê Anh Khoa (thực hành tại Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú) lại mong được thành phố quan tâm tháo gỡ việc thiếu thuốc cho người bệnh có bảo hiểm y tế. Lý do trạm y tế ít người dân đến khám là do họ chưa tin tưởng nhiều và không được cấp thuốc đều như bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Khoa chia sẻ: “Thực hành ở trạm y tế khá phù hợp với bác sĩ chuyên ngành đa khoa gia đình, chẩn đoán hình ảnh, tai mũi họng, nhưng để chúng tôi an tâm công tác, ngoài thu nhập thì việc nâng cao tay nghề rất quan trọng”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu cho rằng, việc đưa bác sĩ về cơ sở, trước là có lợi cho dân, sau là giúp giảm tải hệ thống điều trị là chuyện không mới, nhưng là bước đột phá cần phải kiên trì thực hiện để cho “trái ngọt”.
Thành phố cần tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các phần mềm tại các trạm y tế, đảm bảo liên thông với các tuyến trên. Tiếp đó, một số trạm y tế hiện còn thiếu bác sĩ cơ hữu cần được bổ sung kịp thời để hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm với các mô hình bệnh tật tại địa phương cho bác sĩ trẻ. Nếu được quan tâm tháo gỡ sớm và bổ sung kịp thời, người dân mới yên tâm đến trạm y tế khám chữa bệnh, bác sĩ trẻ cũng không bị “thất nghiệp”.