Mở cửa chỉ để… làm từ thiện
Giữa cái yên ắng của phố phường trong những ngày dịch bệnh, nơi bác sĩ Tú Dung làm việc vẫn sáng đèn, mọi người hối hả “ra trận”. Từ ban giám đốc, trưởng phó phòng, bác sĩ, điều dưỡng đến cả lái xe và bảo vệ đều có mặt. Lực lượng được chia thành nhiều đội. Trong đó, quan trọng nhất là 5 đội tỏa đến các điểm hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19 tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Trong đó, mỗi đội gồm 5 người, cơ cấu đảm bảo phải có bác sĩ gây mê hồi sức để theo dõi sau tiêm.
Bác sĩ Tú Dung thì dẫn đầu một đội đặc biệt, bao gồm thành viên ban giám đốc, kế toán… trực tiếp tìm, tham gia đấu thầu trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ để mua tặng các BV thu dung và điều trị Covid-19, với mong muốn mua được thiết bị trong thời gian sớm nhất, để hỗ trợ kịp thời.
Hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ kịp thời chính là sự cổ vũ thiết thực nhất để các bác sĩ yên tâm “ra trận”. Còn với bệnh nhân, nếu không đủ máy móc kịp thời thì sẽ đánh mất giờ vàng trong cứu chữa bệnh. Đó là lý do ngày đêm ê-kíp của bác sĩ Dung săn tìm máy móc, chấp nhận mua với giá cao hơn. Bác sĩ Dung tâm niệm, tiền bây giờ không có nghĩa nhiều so với việc cứu sống bệnh nhân…
Với nhân viên, ngoài lương, chăm lo ăn uống, bác sĩ Tú Dung còn hỗ trợ thêm chi phí để động viên nhân viên đừng nản lòng, bỏ cuộc. Và, anh em nhân viên đã chứng minh điều ngược lại. Bác sĩ Dung kể: “Có một chiều, mọi người trong đội hình tiêm chủng tập trung đợi tôi. Tôi lo lắng không biết chuyện gì xảy ra, hay là mọi người muốn “tháo chạy”. Không ngờ, mọi người đề nghị tăng thời gian làm việc để được giúp nhiều người hơn”.
Khi đã quyết định tham gia chống dịch, đồng nghĩa với việc bác sĩ Dung “trưng dụng” BV của mình làm điểm tập kết. Bởi các đội tiêm chủng sau một ngày xông pha, sẽ không thể về nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân. Và khi thấy các BV thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 quá tải, bác sĩ Dung lại đau đáu tìm giải pháp.
Anh mạnh dạn đề xuất Sở Y tế TPHCM dùng BV thẩm mỹ của mình, kết hợp với một BV khác để tiếp nhận điều trị bệnh lý thông thường. Việc này giúp các BV giảm tải áp lực khi phải vừa tiếp nhận bệnh nhân điều trị Covid-19 và bệnh nhân mắc bệnh lý thông thường. Hiện đề xuất này đang được Sở Y tế TPHCM xem xét.
Gặp bác sĩ Tú Dung ở điểm tiêm chủng, anh nói nhanh: “Mong Sài Gòn mau khỏe lại! Mọi người khỏe mạnh thì chúng tôi mới có thể khỏe mạnh được”. Dứt câu, anh chạy vội đến dìu một bà cụ đi lại khó khăn đến bàn tiêm vaccine.
Truyền nguồn năng lượng tốt đẹp
Thấm mệt sau buổi hỗ trợ tiêm vaccine Coivd-19, chị Phạm Thị Thu Hoài, điều dưỡng bộ phận chăm sóc sau mổ, Bệnh viện JW, cầm chai nước cười, khoe: “Nước ép trái cây này là lúc sáng bác Tú Dung mang đến cho tụi em đó!”.
Sau khi lo xong phần việc của đội mình, cứ vài ngày là bác sĩ Tú Dung lại đến từng điểm tiêm vaccine Covid-19 thăm hỏi, động viên từng nhân viên. Có lần đến thăm điểm tiêm do nhân viên BV mình phụ trách, anh còn trở thành phiên dịch “bất đắc dĩ” cho người nước ngoài, để giải thích cho họ hiểu về loại vaccine mà họ sẽ tiêm. Hình ảnh vị bác sĩ giám đốc đa năng, đầy nhiệt huyết trở thành tấm gương và nguồn năng lượng để tiếp thêm sức mạnh cho mọi người. Nhờ vậy, có ngày số lượng người dân được các đội của anh tiêm vaccine lên tới 1.700 người.
Cũng như bao gia đình khác, gia đình bác sĩ Tú Dung rất lo lắng khi thấy anh thường xuyên đến các điểm có nguy cơ bị lây nhiễm. “Bà xã sợ tôi gặp nguy hiểm, nhưng dù sợ, vợ chồng tôi thống nhất, đã là bác sĩ, thì không bỏ qua cơ hội cứu người. Khi đã hiểu thì gia đình trở thành địa phương vững chắc ủng hộ tôi tham gia chống dịch”, bác sĩ Tú Dung tâm sự.
Nhiều người không chỉ biết đến bác sĩ Tú Dung qua trận đại dịch với hàng tỷ đồng ủng hộ, mà từ lâu, anh còn được biết đến là người có tấm lòng nhân hậu. Anh Nguyễn Duy Phương, người bị khiếm khuyết về hàm mặt, cũng là người không ngừng phấn đấu vươn lên, chạy xe ôm và học lên thạc sĩ. Anh Phương mặc cảm về ngoại hình suốt những năm tháng tuổi thơ. Nhà nghèo, anh Phương không có tiền phẫu thuật.
Khi anh biết bác sĩ Tú Dung qua các kênh thông tin, anh đã thử liều lĩnh gởi thư cho bác sĩ. Không ngờ, anh được bác sĩ Tú Dung hỗ trợ 100% chi phí và trực tiếp phẫu thuật chỉnh sửa hàm mặt cho anh. Cuộc đời anh Phương bừng sáng từ đó. Ngày xưa, anh Phương xin việc không nơi nào nhận, thì giờ chàng thanh niên đẹp trai này đã được tiếp nhận vào làm việc tại một trường đại học.
Anh Phương xúc động kể: “Bác sĩ Tú Dung là người mà tôi không bao giờ quên ơn. Sau khi phẫu thuật xong, tôi đến cảm ơn thì bác sĩ thấy tôi ốm quá, lại gửi thêm tiền để tôi uống sữa. Chính vị bác sĩ đó, hành động đó đã tạo cho tôi động lực để ráng lên, sống tốt”. Còn bác sĩ Tú Dung thì tâm niệm, việc chỉnh hình để mang lại sự tự tin cho người khác, làm thay đổi cuộc đời họ, là cứu sống tâm hồn con người và cũng là động lực để anh theo đuổi đam mê phẫu thuật hình thể cho mọi người.