Liên quan tới vụ án tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) làm 9 bệnh nhân tử vong, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định thay đổi tội danh đối với bị can Hoàng Công Lương (bác sĩ đơn nguyên Thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực, BV tỉnh Hoà Bình) từ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sang "Vô ý làm chết người".
Đáng chú ý kể từ khi khởi tố vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vô ý làm chết người" xảy ra tại BV Hòa Bình, đây là lần thứ 3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình có quyết định thay đổi tội danh đối với bị can đối với Hoàng Công Lương.
Trước đó, ngay sau khi khởi tố vụ án, bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố về tội "Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh", sau đó đổi thành "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và hiện tại là "Vô ý làm chết người".
Trước việc thay đổi tội danh trên, trao đổi với báo chí, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết đã nhận được quyết định nhưng bản thân không đồng ý với việc thay đổi tội danh của Công an tỉnh Hào Bình, cũng như tội danh "Vô ý làm chết người".
Theo bác sĩ Hoàng Công Lương, dù Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần thay đổi tội danh của mình nhưng không có căn cứ để kết luận bản thân phạm tội "Vô ý làm chết người" vì nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là do tồn dư hóa chất chứ không phải do việc khám chữa bệnh của mình gây ra.
Trước đó vào đầu tháng 7-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án trên.
Trong đó nêu rõ, cho đến thời điểm xảy ra sự cố tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, bị can Hoàng Công Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định tại đơn nguyên, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định; là bác sĩ đủ điều kiện hành nghề và chữa bệnh độc lập.
Ngoài thực hiện chuyên môn, bác sĩ Hoàng Công Lương còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như ký xác nhận y lệnh của các bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền; chủ trì giao ban tại đơn nguyên thận khi không có lãnh đạo khoa; phân buồng thăm khám, bệnh nhân cho các bác sĩ Huyền, Linh và ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước R0 số 2 ngày 20-4-2017.
Cũng liên quan tới kết luận điều tra bổ sung vụ án trên, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can đối ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình) và Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư, BV tỉnh Hòa Bình) cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả 3 bị can đều có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cùng với bị can Hoàng Công Lương, 2 bị can còn lại trong vụ án là Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Binh) bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiện gây hậu quả nghiêm trọng" và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) bị khởi tố tội "Vô ý làm chết người".
Theo hồ sơ vụ án, sáng 29-5-2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BV Hòa Bình thì tất cả đều có dấu hiệu bất thường về sức khỏe với các biểu hiện của ngộ độc. Sau đó, 9 trong số những bệnh này đã lần lượt tử vong do ngộ độc cấp qua đường máu.
Sau vụ tai biến nghiêm trọng này, Công an tỉnh Hòa Bình đã điều tra xác định nguyên nhân vụ tại biến chạy thận là do nguồn nước RO phục vụ chạy thận không đảm bảo, bị nhiễm hóa chất độc hại trong quá trình bảo dưỡng, xúc rửa hệ thống nước chạy thận.
Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã khởi tố 3 bị can là Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.
Tiếp đó vào tháng 5 và 6-2018, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đã đưa 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc ra xét xử.
Đến chiều 5-6-2018, sau nhiều ngày nghị án kéo dài, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì còn nhiều vấn đề liên quan tới vụ án và trách nhiệm của một số cá nhân giữ vị trí quan trọng tại BV Hòa Bình liên quan tới vụ tai biến chạy thận làm 9 bệnh nhân tử vong chưa được làm rõ.