Để làm được điều ấy, người công nhân bậc 5/5 đã không ít lần ăn, ngủ tại nhà máy với quyết tâm tìm rõ nguyên nhân mỗi khi máy hư hỏng, trục trặc…
Nghe “sức khỏe” qua tiếng máy
Đưa chúng tôi tham quan một vòng giới thiệu về những chiếc máy khổng lồ đang ngày đêm hoạt động tại nhà máy, tiếng máy xập xình át cả tiếng nói của anh Dũng. “Những chiếc máy này phát ra tiếng như thế là đang hoạt động rất ổn. Nếu nghe âm thanh khác thì chúng tôi phải kiểm tra ngay, bởi khi một bộ phận nào đó trong máy có vấn đề thì âm thanh máy sẽ không như vậy”, anh Võ Dũng chia sẻ.
Những ngày đầu mới bước chân vào nhà máy, không kinh nghiệm, cũng không được học qua chuyên môn, người công nhân trẻ Võ Dũng chỉ biết chăm chỉ theo ba và các chú để học hỏi cách theo dõi, sửa chữa từng bộ phận của chiếc máy. Cách nghe tiếng máy để biết tình trạng “khỏe” hay “bệnh” của máy là kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại cho anh. Ngày đó ba anh dạy, khi nghe tiếng máy kêu khác, hãy lấy cái tua vít đặt vào lỗ tai rồi dò nghe trên máy, sẽ phát hiện ra tiếng kêu khác biệt nằm ở bộ phận nào, tháo bộ phận ấy ra ắt sẽ thấy “bệnh”. Nói lý thuyết thì dễ, nhưng để làm được điều đó thì đòi hỏi người thợ phải ngày ngày lắng nghe tiếng máy chạy, từ đó mới có thể am hiểu tường tận về chiếc máy đó. Và đến nay, cách làm này vẫn được anh thực hiện.
Dù không qua trường lớp chính quy, nhưng theo anh Võ Dũng, chính nhờ học từ thực tế công việc, học trên từng chiếc máy, đã giúp tay nghề anh ngày được nâng cao.
Biến đam mê thành hiện thực
Xác định nhiệm vụ quan trọng của nhà máy là cung ứng nước sạch cho người dân TP và nhiệm vụ của người công nhân cơ khí là phải đảm bảo để những chiếc máy hoạt động suôn sẻ, anh Võ Dũng đặt ra mục tiêu phải luôn phấu đấu học hỏi, trau dồi kiến thức để hoàn thành tốt công việc.
Ngày vào nhà máy, nghe các chú kể về những sáng kiến khắc phục sự cố trong điều kiện thiếu vật tư, khó khăn trong cách làm, anh mê lắm. Rồi anh nghĩ, nay có đầy đủ điều kiện hơn, tại sao mình không tìm tòi mà khắc phục các sự cố để làm lợi cho đơn vị. Vậy là anh bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu về từng chiếc máy, xem xét từng bộ phận. Khi có máy mới về, anh lại dành cả ngày đêm để mày mò, xem có sự khác biệt nào so với máy cũ, vì sao có bộ phận này, lại không có bộ phận kia. Từ đó, anh am tường mọi chiếc máy, khi có sự cố, anh đều đề xuất cách khắc phục nhanh chóng với giải pháp chi phí thấp nhất.
Từ nghiên cứu, anh đưa ra các sáng kiến cải tiến, giải pháp cho từng sự cố trên máy móc. Tính đến nay, anh đã có hơn 11 sáng kiến lớn nhỏ giúp nhà máy ổn định sản xuất, giảm chi phí thay thế máy mới. Điển hình như giải pháp “Gia công dụng cụ tháo bánh răng bơm thổi gió 20 hồ lọc”, đã giúp công tác đại tu các bơm thổi được thuận tiện, nhanh chóng, không bị ngưng trệ việc cấp nước và nhờ tính thiết thực, sáng kiến đã được áp dụng ở tất cả các máy thổi gió tại các nhà máy…
Dù tay nghề cao, dày dạn kinh nghiệm, nhưng anh Võ Dũng luôn sống khiêm tốn, chan hòa, được đồng nghiệp yêu mến. Anh luôn chỉ dẫn tận tình, trao truyền kinh nghiệm cho anh em, đặc biệt những người thợ mới vào nghề, như mong muốn tiếp nối ngọn lửa sáng tạo tại đơn vị. Hôm tiếp chúng tôi, đôi bàn tay của người thợ máy này lấm lem dầu nhớt vì đang cùng đồng nghiệp sửa dở dang một chiếc máy. Anh cười hiền: “Chọn nghề này thì đôi tay phải vậy, có khi phải thức trắng đêm để kịp thời khắc phục sự cố của một chiếc máy. Tuy nhiên, khắc phục được rồi thì niềm vui sướng ấy thật khó tả”.
Cứ khi nói về máy móc thì ánh mắt người thợ máy Võ Dũng lại sáng lên ngọn lửa đam mê cháy bỏng…