Gặp khó giữa giá rét
Ghi nhận tại Hà Tĩnh của PV Báo SGGPO, ba ngày nay nhiệt độ giảm xuống sâu, kèm theo đó là các đợt mưa vừa và nhỏ kéo dài, nhiều tuyến đường phố ở TP Hà Tĩnh thưa thớt người và phương tiện qua lại.
Đang ngồi bán bắp bên đường Quang Trung, TP Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Hoài (45 tuổi, ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết, từ 6 giờ sáng chị mang đầy đủ áo, khăn ấm, trùm ni lông, đi xe máy vượt quãng đường khoảng 35km lên xã Hà Linh (huyện Hương Khê) để lấy bắp về bán, nhưng thời tiết giá lạnh, rét đậm, rét hại khiến việc đi lại, buôn bán gặp khó khăn, vất vả hơn. Đã vậy, ngồi bán từ sáng đến tối nhưng khách hàng tới mua cũng ít hơn so với thường ngày.
Tại "chợ lao động di động" dọc các tuyến đường trung tâm ở TP Hà Tĩnh như: Hải Thượng Lãn Ông, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tự, Trần Phú, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hà Huy Tập... cũng vắng người lao động hơn so với thường ngày do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, không có ai thuê, người lao động về quê chờ thời tiết ấm trở lại.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện rẻo cao Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết, trong ngày 21-2, nhiệt độ trên địa bàn huyện xuống dưới 6°C, cá biệt có một số nơi như Mường Lống 3-4°C. Toàn huyện có khoảng 10.400 con trâu, hơn 40.000 con bò và hơn 8.000 con dê. Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại về gia súc do giá rét gây ra. Tuy nhiên, để đề phòng thiệt hại, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã cùng với bà con nhân dân che chắn chuồng trại, đưa đàn trâu bò thả rông trong rừng về nhà “mặc áo” và đốt lửa để sưởi ấm cho trâu bò.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống rét trên địa bàn huyện miền núi Hương Khê và chỉ đạo chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động các biện pháp bảo vệ chăm sóc đàn vật nuôi...
Hà Tĩnh hiện có tổng đàn heo trên 408.700 con, đàn bò trên 168.500 con, đàn trâu trên 67.150 con, đàn gà trên 8,4 triệu con… Hiện nay, nông dân toàn tỉnh đang ra sức chăm sóc đàn vật nuôi trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Hàng ngàn học sinh nghỉ học tránh rét
Do rét đậm, rét hại, hai ngày qua, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 345 Trường Mầm non và Trường Tiểu học với 146.041 học sinh nghỉ học tránh rét.
Để đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh trước diễn biến thời tiết phức tạp, nhiệt độ xuống thấp, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, có thể điều chỉnh thời gian học hợp lý, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Cho phép học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học khi nhiệt độ từ 10°C trở xuống. Không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét...
Tại tỉnh Nghệ An, nhiều trường mầm non, tiểu học ở các bản vùng sâu, xa như: Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), Tri Lễ (huyện Quế Phong), Nhôn Mai (huyện Tương Dương) buộc phải cho học sinh nghỉ học. Tương tự, tại tỉnh Thanh Hóa, các trường mầm non và tiểu học ở các huyện rẻo cao như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Ngọc Lặc… cũng cho học sinh nghỉ học chống rét.
Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Hiệu phó Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ, nhiệt độ tại địa bàn trường đóng chân đang là dưới 6°C, tuy nhiên, nhà trường vẫn tổ chức dạy học cho các em. Lý do là, nếu nghỉ học các em sẽ về các bản “cổng trời” như Huồi Thum, Huồi Xài, Thăm Hón thì lại càng rét và ảnh hưởng sức khỏe hơn. Trong khi đó, ở lại trường các em có đủ áo ấm, chăn ấm để mặc và để đắp.
“Thật may là lần kêu gọi từ thiện trước đây chúng tôi đã kêu gọi được thừa cả số chăn ấm, nên về việc này các em yên tâm ở lại trường. Nhưng chúng tôi vẫn lo là khu nhà ở bán trú cho các em đã xuống cấp, phòng ở xập xệ nên gió vẫn lùa vào. Chúng tôi khắc phục bằng cách dùng ni lông che chắn các điểm hở, hướng dẫn và hỗ trợ các em ăn uống đầy đủ để có sức chống chọi giá rét”, thầy Hùng chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện rẻo cao Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết, do mưa rét xuống dưới 10°C nên nguyên tắc học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học tránh rét. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng trường có thể cho học sinh đến trường. Ngày 21-2, địa bàn huyện có 29/69 trường tổ chức học trực tiếp, 30/69 trường học trực tuyến, 10 Trường Tiểu học và THCS vừa trực tiếp vừa trực tuyến do có học sinh F0.
Thầy Nguyễn Đình Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Sơn (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết, rét lạnh dưới 10°C, theo nguyên tắc là nghỉ học nhưng nhà trường cho học sinh đi học thích ứng tránh rét vì đi học được chăm sóc bán trú, học sinh được ủ ấm hơn ở nhà. Nhà học sinh vùng cao tứ bề ốp ván nên gió lùa lạnh, đến trường phòng học xây dựng kiên cố, có áo ấm, chăn ấm nên học sinh yên tâm học. Hơn nữa học sinh miền núi có gia đình từ 4-5 học sinh chỉ 1 chiếc điện thoại, không thể học online được nên đến trường học thích ứng là tốt hơn nghỉ ở nhà.
Theo thầy Ngọc, trong ngày 21-2, chi đoàn nhà trường đã trích quỹ mua 23 áo ấm tặng 23 học sinh có khó khăn nhất đến trường. Tại trường mầm non Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, nhân viên y tế Cao Thu Liễu cho biết, địa bàn rẻo cao biên giới nên nhà trường đã cho hơn 150 cháu ở nhà tránh rét, không đến trường...
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài việc triển khai khẩn cấp các phương án bảo vệ, chống rét đậm, chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm, bà con nông dân các vùng chuyên canh sắn tại huyện Phong Điền, A Lưới và thị xã Hương Trà đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý sắn bị bệnh khảm lá do thời tiết mưa và rét đậm. Được biết, vụ sắn năm 2022, địa phương đang triển khai trồng mới hơn 4.000ha sắn, chủ yếu giống sắn KM94, KM140. Tuy nhiên, khi sắn bắt đầu mọc mầm, ra lá thì bệnh khảm lá xuất hiện và hiện lây lan trên 337,5ha (tăng 305ha so với cùng kỳ năm 2021), tập trung ở các phường: Hương Xuân, Hương Vân, Hương Văn, Hương Chữ, Tứ Hạ của thị xã Hương Trà; Điền Môn, Phong Hiền của huyện Phong Điền. Hiện nay, công việc phòng trừ bệnh khảm lá sắn gặp khó khăn vì thời tiết mưa và rét đậm. |