Tại hội nghị, GS Thomas Ziegler (Viện Nghiên cứu Động vật học thuộc Đại học Cologne, Đức) cho biết, việc trao đổi khoa học giữa các nước là yếu tố then chốt quyết định thành công của các nhà khoa học, nghiên cứu trẻ trong sự nghiệp của họ. Tại Việt Nam, cơ hội huy động tài trợ nghiên cứu, tổ chức hội nghị khoa học chất lượng còn hạn chế nên phần nào khiến các nhà khoa học gặp nhiều thiệt thòi.
Từ năm 2017, ban tổ chức đã xây dựng mạng lưới các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam, mở ra cơ hội giao lưu, tiếp nhận những tinh anh của thế giới. Tại BIO 2024, có 9 báo cáo quan trọng, 36 bài trình bày và 53 poster được giới thiệu, tập trung vào khoa học sự sống, sinh học con người, sinh học động vật, sinh học thực vật và vi sinh vật học…
GS Trần Thanh Vân (1 trong 3 người châu Á đoạt Huy chương Tate của Hội Vật lý Mỹ) và GS Lê Kim Ngọc (nhà sinh học từng có khám phá chấn động thế giới về Lát mỏng tế bào) đã đến dự hội nghị, động viên, khích lệ tinh thần các nhà nghiên cứu trẻ.
GS Trần Thanh Vân chia sẻ, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, hợp tác khoa học bền vững, hội nghị còn thúc đẩy việc cập nhật xu hướng nghiên cứu sinh học toàn cầu trong tương lai gần. Các nội dung tập trung đưa ra bàn thảo, phân tích tại hội nghị, gồm: nghiên cứu, ứng dụng trong công nghệ sinh học thực vật; vai trò sự đa dạng của vi sinh vật trong giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay (an ninh lương thực, môi trường bền vững, sức khỏe)...
Dịp này, ban tổ chức trao giải thưởng để khích lệ, động viên tinh thần các nhà khoa học có báo cáo xuất sắc, nhà khoa học nữ tiêu biểu. Đồng thời chọn 10-20 bản tóm tắt chất lượng cao để đề xuất đăng trên Tạp chí Công nghệ sinh học.