Theo kế hoạch, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vẫn diễn ra theo nghi lễ truyền thống. Trong đó, buổi sáng ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi là hoạt động dâng hương tại di tích đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Rạng sáng ngày 13 tháng Giêng, bà con các xã sẽ tổ chức rước nước từ sông Đà về làm lễ tế Thánh. Lễ rước nước được xem là một trong những điểm nhấn đặc biệt của lễ hội.
Theo truyền thống, vào giớ Tí ngày 12 tháng Giêng, bà con xã Minh Quang sẽ chọn hai nam thanh, nữ tú của làng, chèo thuyền ra giữa dòng sông Đà, lấy nước rước về Đền để tỏ lòng thành kính dâng Đức Thánh Tản Viên.
Sau phần lễ, là phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, cà kheo, việt dã leo núi, đẩy gậy…
Theo thống kê hiện, trên toàn huyện Ba Vì có tới gần 100 di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh. Trong lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh Tản Viên, ngoài lễ vật thông thường như gà, lợn, xôi, rượu, hương hoa thì mỗi nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh trong các kỳ tiệc lớn lại có lễ vật riêng. Tất cả những đồ lễ Thánh đều gợi nhớ thời kỳ săn bắt hái lượm và thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với ngài.
Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cũng góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương - Nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu văn hóa, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội… Về giá trị lịch sử, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ tưởng nhớ tới người anh hùng văn hóa, vị thánh đứng đầu trong “tứ bất tử” của người Việt mà còn thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”...