Ngày 6-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt kết luận điều tra vụ án lừa đảo, rửa tiền tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Như vậy, vụ án này được tách ra trong quá trình điều tra vụ tham ô tài sản mà bà Trương Mỹ Lan vừa bị Tòa án nhân dân TPHCM tuyên án tử hình.
Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập xác định: từ ngày 27-10-2012 đến ngày 7-10-2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD có nguồn gốc từ tiền tham ô tài sản, đã bị xử lý về hành vi “Rửa tiền ”; số tiền này cũng không có nguồn gốc từ số tiền hơn 30.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, đã bị xử lý về tội “Rửa tiền”.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ 21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số tiền hơn 3 tỷ USD.
Theo điều tra, việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài về Việt Nam đều thông qua các hợp đồng “khống” là các hợp đồng mua bán cổ phần, vốn góp; hợp đồng tư vấn; hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Các công ty tham gia việc chuyển tiền nêu trên gồm:
12 công ty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam (Công ty Golden Hill, Công ty Blue Pearl, Công ty VinaLand Việt Nam, Công ty Eastern View, Công ty Capital Tower, Công ty Trade Wind, Công ty Eland, Công ty Thành Hiếu, Công ty Đông Sài Gòn, Công ty Sai Gon Helios, Công ty An Đông, Công ty SPG).
11 công ty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (Noble Capital Group Limited, Glory Capital Investment Limited, Galaxy Investment Capital Limited, Day Glory Development Limited, Dragon Fund Investment Limited, Vinaland Investments Limited, Leader Vision Capital Investment Limited, Golden Hill Investment Company Limited, City Charm Investment Company Limited, Prominent Group Limited, Starlight Development Limited).
Như vậy, theo cơ quan điều tra, tổng số tiền bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD.