“Ba trong một” ở người phụ nữ bản lĩnh

Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Cũng là lúc Mai Kiều Liên, cô gái Nam bộ có quê mẹ ở Bến Tre và quê cha ở Cần Thơ, tốt nghiệp khoa chế biến sữa tại Liên Xô (cũ) và lên tàu về nước và bắt đầu công việc của một nữ kỹ sư trẻ tại nhà máy sữa Trường Thọ và sau này trở thành Tổng giám đốc của Vinamilk, một tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước với hơn 20 nhà máy ở cả trong ngoài nước thuộc loại hiện đại nhất châu Á…
“Ba trong một” ở người phụ nữ bản lĩnh

Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Cũng là lúc Mai Kiều Liên, cô gái Nam bộ có quê mẹ ở Bến Tre và quê cha ở Cần Thơ, tốt nghiệp khoa chế biến sữa tại Liên Xô (cũ) và lên tàu về nước và bắt đầu công việc của một nữ kỹ sư trẻ tại nhà máy sữa Trường Thọ và sau này trở thành Tổng giám đốc của Vinamilk, một tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước với hơn 20 nhà máy ở cả trong ngoài nước thuộc loại hiện đại nhất châu Á…

Bà Mai Kiều Liên

Những năm tháng không thể nào quên

Đó là những năm 1976 - 1985, nền kinh tế đất nước và của thành phố gặp vô vàn khó khăn. Vinamilk cũng trong hoàn cảnh này: sản xuất hoàn toàn thụ động, bao cấp, sản lượng rất thấp, các nhà máy chỉ chạy 1/10 - 1/20 công suất trên thiết bị công nghệ cũ kỹ, trong khi sản phẩm sữa luôn là một đòi hỏi bức thiết. Đến thời kỳ 1984 - 1988, trở ngại lớn nhất là thiếu ngoại tệ để mua nguyên vật liệu. Để giải quyết khó khăn, Mai Kiều Liên đã cùng tập thể lãnh đạo công ty chủ động liên doanh liên kết với các công ty xuất nhập khẩu có ngoại tệ mạnh, đặc biệt là Seaprodex, xuất khẩu trong nước lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu. Nhờ đó sản lượng tăng đáng kể: vừa hoàn thành kế hoạch nhà nước giao, vừa sản xuất ngoài kế hoạch, tăng tích lũy nhằm đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất cho những năm sau. Từ vài trăm triệu đồng, công ty đã nâng vốn tự có lên 20 tỷ đồng vào năm 1987. Các nhà máy bắt đầu hồi sinh. Đây là cuộc cọ xát đầu tiên của Mai Kiều Liên với nền kinh tế thị trường đầy khó khăn, mới mẻ, cũng là thời kỳ khởi đầu bước đột phá chuyển từ sản xuất thụ động theo kế hoạch tập trung sang sản xuất kinh doanh năng động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước.

Những năm cuối 1980 và đầu 1990, vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm làm Mai Kiều Liên trăn trở nhiều. Công ty không có thông tin về giá cả thị trường thế giới, trong khi nguyên liệu lại nhập khẩu hoàn toàn, không có giao lưu trao đổi với bên ngoài, không chủ động nguồn vốn ngoại tệ mạnh. Làm sao có thể giảm giá mua, từ đó giảm giá thành sản phẩm? Vấn đề bức xúc này đã có câu trả lời khi Mai Kiều Liên kiên quyết xắn tay vào hành động: Một mặt tìm cho được các nguồn nguyên liệu có chất lượng cao, giá cạnh tranh (do mua trực tiếp), nguồn dồi dào (không bị ép giá), một mặt hướng tới việc tạo điều kiện để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Thông qua nhiều con đường, từ năm 1990 Vinamilk đã phát hiện và mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá rẻ vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập tràn lan trên thị trường.

Đầu tư chiều sâu, phát triển bề rộng

Những năm 1992 -1997, bước đầu hòa nhập với khu vực, sản phẩm Vinamilk đã có chỗ đứng trong người tiêu dùng. Nhưng dù vậy, Mai Kiều Liên tự thấy chủng loại mặt hàng của công ty vẫn còn nghèo nàn, mẫu mã đơn điệu, bao bì thô sơ. Chị thao thức nghĩ tới việc đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, sắp xếp lại sản xuất hợp lý, làm sao để “tăng năng suất, giảm hao hụt”, hoàn thiện chất lượng, đa dạng chủng loại và bao bì, lập kế hoạch chiến lược phát triển ngành sữa lâu dài. Đây là thời kỳ công ty vừa đầu tư chiều sâu, vừa phát triển bề rộng. Với chị, bài toán đặt ra là phải nghiên cứu nắm bắt được nhu cầu thị trường, tính toán kỹ lưỡng, quyết đoán, đầu tư cái gì thích hợp nhất, hiệu quả nhất, vừa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa với giá rẻ và số vốn ít, vừa thỏa mãn nhu cầu thị trường, sở thích người tiêu dùng.

Ở giai đoạn này, hàng loạt sản phẩm mới của công ty đến tay người tiêu dùng. Phong trào cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích, bắt đầu từ năm 1992 dây chuyền sữa tiệt trùng UHT, rồi sữa chua trái cây các loại, dây chuyền kem sôcôla, nước trái cây đóng hộp FRESH, dây chuyền bánh biscuit, dây chuyền Yomilk, dây chuyền sữa đậu nành SOYA, sữa chua đậu nành, dây chuyền sữa bột trẻ em, dây chuyền phomai… lần lượt được lắp đặt, cho ra những sản phẩm thơm ngon, mẫu mã bao bì đẹp, giá cả hợp với túi tiền người tiêu dùng. Có những thiết bị vừa lắp xong đã có ngay hợp đồng sản xuất, đón đầu và chớp được thời cơ, sản xuất liên tục 3 ca trong 2 năm liền, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như dây chuyền sấy trục, thiết bị sữa bột tan nhanh… Hàng năm, công ty có đến 5 -10 sản phẩm mới chất lượng cao tham gia thị trường phục vụ nhân dân. Đây cũng là một tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp của các báo khi bình chọn sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích và cũng là một tiêu chuẩn để người tiêu dùng tín nhiệm sản phẩm của Vinamilk.

Sự thành công của công nghiệp chế biến sữa kéo theo sự hình thành vùng nguyên liệu ban đầu đã đặt ra một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của công ty là làm sao phát triển đều ngành sữa ở trên quy mô toàn quốc, gắn công nghiệp với nông nghiệp. Năm 1994 công ty mở rộng ra phía Bắc với việc xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa Hà Nội, là nhà máy chế biến sữa hiện đại đầu tiên ở phía Bắc. Sau 4 năm 3 tháng hoạt động, Nhà máy sữa Hà Nội đã thu hồi vốn đầu tư. Năm 1997, công ty xây dựng Nhà máy liên doanh sữa Bình Định trên thiết bị tiết kiệm (lấy từ nhà máy Thống Nhất đang được cải tạo mới), phục vụ nhân dân miền Trung, Tây Nguyên. Tiếp đó xây dựng và đưa vào họat động nhà máy chế biến sữa hiện đại ở Cần Thơ, nhằm đánh thức dậy tiềm năng nông nghiệp, nhất là chăn nuôi bò sữa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân đang phụ thuộc vào sản phẩm duy nhất là lúa mang tính thời vụ. Từ lúc ban đầu chỉ có 2 nhà máy của chế độ cũ để lại, đến cuối năm 2000, công ty có 6 nhà máy hiện đại hoạt động với hơn 90 nhãn sản phẩm các loại, hơn 1.000 đại lý, cùng mạng lưới phân phối tận nơi xa xôi hẻo lánh nhất...

Năm 2000, Vinamilk đón nhận danh hiệu. Đơn vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2005, cá nhân Mai Kiều Liên cũng vinh dự nhận danh hiệu này. Thành phố anh hùng, công ty anh hùng và cá nhân anh hùng. Đúng là có “3 trong 1” ở người phụ nữ xinh đẹp, bản lĩnh, thông minh, và sáng tạo này…

Vươn lên tầm vóc hàng đầu thế giới

Năm 2003,Vinamilk cổ phần hóa. Mai Kiều Liên dành được sự tin cậy của đông đảo cổ đông, tiếp tục được bầu là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty. Lại một chặng đường mới để thể hiện tài năng, sức lực của mình để cùng tập thể CBCNV đưa Vinamilk không ngừng đi lên. Tạp chí Nikkei Asian Review đánh giá: “Vinamilk là công ty sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam và sản xuất nhiều sản phẩm sữa đa dạng, chiếm khoảng 50% thị trường sữa Việt Nam. Tiềm năng của Vinamilk được công nhận ở nước ngoài rất tốt, nên các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 49% của công ty. Vốn hóa thị trường của đơn vị này lớn thứ hai tại Việt Nam, vào khoảng 5,5 tỷ USD. Bản thân bà Mai Kiều Liên còn được Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á. Năm 2013-2014, Vinamilk mở thêm 2 nhà máy mới sản xuất sữa bột và sữa nước ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Công ty cũng đầu tư 19,3% cổ phần tại Nhà máy Miraka (New Zealand). Sản phẩm của doanh nghiệp hiện cũng có mặt ở hơn 31 nước trên toàn thế giới, như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc…

Chiến lược xuất khẩu của Vinamilk trong 3 năm tới tập trung vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Cuba, Mỹ. Để tiếp tục phát triển tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong năm 2014, công ty đã chính thức động thổ nhà máy tại Campuchia, đầu tư vào Ba Lan, với quy mô khoảng 3 triệu USD. Tại Mỹ, sau khi mua 70% cổ phần của Nhà máy sữa Driftwood, dự án Driftwood đã chính thức khai thác hiệu quả, đem lại doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng cho công ty trong năm 2014. Vinamilk đang đặt ra mục tiêu sẽ đạt doanh số 3 tỷ đô la Mỹ và đứng vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

…Kỷ niệm 40 năm thành phố giải phóng, tôi lại nhớ như in ngày nữ kỹ sư xinh đẹp Mai Kiều Liên trên con tàu liên vận từ Nga về Việt Nam, rồi từ Hà Nội vào TPHCM. 40 năm sau, người con gái ấy đã trở thành một tượng đài đẹp về hoài bão, lý tưởng, về làm ăn kinh tế của TPHCM…

CHÂU LA VIỆT

Tin cùng chuyên mục