Phụ nữ cần được đề bạt nhiều hơn
* Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề bình đẳng giới ở nước ta hiện nay?
- Việt Nam chúng ta bây giờ đã vươn lên hàng các nước có thu nhập trung bình của thế giới, các chỉ số về phát triển con người, về luật bình đẳng giới nói chung rất tiến bộ. Mình đã đi trước các nước, cụ thể trong cương lĩnh Đảng Cộng sản năm 1930 đã có đề cập vấn đề nam nữ bình quyền, và trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta cũng thế. Thời đó, nếu nhìn ngang nhìn dọc các nước trong khu vực Châu Á thì chưa có nước nào đề cập vấn đề bình quyền nam nữ trong Hiến pháp. Công ơn này là nhờ Bác Hồ, Người đã đi nhiều nơi nên tư tưởng của Người rất tiến bộ và đi trước thời đại. Nói chung, nước ta khi đó đã làm rất tốt, như phối hợp giữa các tổ chức quốc tế về vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo… mình đều đi trước, tuy nhiên bây giờ hình như mình đang… về sau!
Cơ sở để tôi nói như thế cũng chính là một nghịch lý đáng báo động về tình hình bình đẳng giới của Việt Nam. Thực tế từ khi đổi mới, ta mở ra không gian kinh tế cho phụ nữ tham gia, phụ nữ xông vào các lĩnh vực rất ngoạn mục cho đến ngày nay. Được biết, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có phụ nữ tham gia lãnh đạo doanh nghiệp, với 33% số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy vậy, vẫn còn mất cân bằng trong sự vươn lên của phụ nữ, cụ thể ở mảng tham chính - tham gia đời sống chính trị - như hành chính công, quản lý, lãnh đạo các tổ chức chính trị… thì phụ nữ Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và không đồng đều. Nếu như trong không gian doanh nghiệp vừa và nhỏ thì phụ nữ được tự do vươn lên, còn trong 12 tập đoàn của nhà nước thì không có phụ nữ nào được tham gia hội đồng thành viên, chứ chưa nói đến giám đốc, tổng giám đốc. Phải chăng phụ nữ Việt Nam số phận buộc phải làm “số hai”? Họ xuất sắc nhưng ít được mời hay tạo cơ hội để thử sức và thể hiện năng lực ở “số một”?
Đã có lần tôi phát biểu công khai rằng “Bình đẳng giới - hình như chúng ta đang tự mãn?” như vậy. Đến nay đã 7 năm sau khi tôi không làm đại biểu Quốc hội nữa thì tôi thấy điều này vẫn đúng, và không có ý định rút lại lời nói đó.
Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của chị em, mà chính là quyền lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững. Bởi nếu một đất nước chỉ sử dụng một nửa dân số, không phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của mọi người, mọi công dân bất kể nam hay nữ thì thật đáng tiếc.
Bên cạnh đó, trong chế độ, chính sách, sự chênh lệch tuổi hưu cũng ảnh hưởng đến đóng góp của chị em, người ta cứ máy móc quy định tuổi hưu để quy hoạch, đề bạt… Cái này tôi phản đối quyết liệt, hầu hết chị em bị mất 5 năm để đóng góp cho xã hội, vấn đề tuổi hưu được “dựng” ra tiếng là để ưu ái chị em, cho chị em được nghỉ ngơi sớm… vô tình trở thành con dao cắt ngang sự phấn đấu của phụ nữ. Kể cả tuổi được cử đi học, nam giới 40 thì phụ nữ cũng phải thế, không nên áp dụng bất cứ cái “trần” nào để quy định riêng cho phụ nữ.
Ngoài ra, hiện nay trong chính sách đối với phụ nữ vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần nói thẳng. Dù ta đang chậm, đang thụt lùi so với các nước, nhưng vai trò đóng góp của phụ nữ ở mọi lĩnh vực đời sống nói chung khá cao, tôi không nói riêng về vai trò lãnh đạo. Nhiều nước Châu Á có nữ thủ tướng, thậm chí tổng thống, nhưng bình đẳng giới và quyền cơ bản của phụ nữ thực sự vẫn chưa cao. Riêng ở ta tôi cũng xin nói thẳng tại sao với vai trò lãnh đạo hay quản lý, cụ thể trong vấn đề hành chính công, phụ nữ Việt Nam vẫn khó đạt được. Theo tôi, phần nào đó do ảnh hưởng bởi “di sản” của xã hội phong kiến tồn đọng. Phụ nữ các nước họ làm được tại sao phụ nữ Việt Nam thì không, trong khi ta không hề thua kém họ? Điều còn lại chỉ là các anh có muốn mở lòng ra, có muốn đề bạt hay không. Tôi vẫn tin rằng phụ nữ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Kế hoạch Đầu tư ở Việt Nam vẫn tốt và không thua kém nam giới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng phụ nữ Việt Nam đã bị “giam” vào không gian chuyên môn quá hẹp, vì vậy, hãy và nên cho chị em cơ hội thử sức, thể hiện năng lực và bản lĩnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đừng tự thu mình!
*Theo bà, giải pháp nào có thể giúp thay đổi và cải thiện bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại?
- Tôi nghĩ các cấp lãnh đạo nên quan tâm sâu sát hơn, nên nhận thức về tính cấp bách của vấn đề, vì nó ảnh hưởng đến Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới. Khi đã nhận thức được tính cấp bách rồi, thì nên hành động cụ thể để có định hướng rõ ràng, giao mục tiêu cụ thể, chẳng hạn cần trao cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ. Tôi đã có kiến nghị cần có cuộc thi về tình hình quan tâm, phát hiện và đề bạt phụ nữ. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, rồi có những chương trình bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm cho chị em, tạo các nguồn cán bộ nữ để phát triển. Song song đó cũng cần sự giám sát của đoàn thể, hội phụ nữ, cần xây dựng nhận thức xã hội rộng rãi cho cả nam và nữ, cụ thể nam giới phải bớt bảo thủ… Bộ Giáo dục cần xây dựng phương án, dùng sách giáo khoa để giáo dục nhận thức, tư duy cho các em từ nhỏ về bình đẳng nam nữ. Các phương tiện truyền thông cần thông tin rộng rãi để thay đổi hình ảnh và tư duy về bình đẳng giới cho cả xã hội. Về gia đình cần nên có sự chia sẻ của đàn ông về việc chăm con cái, gia đình… Tuy nhiên, cái chính là phụ nữ đừng nên tự thu mình, mà cần động viên nhau để nâng quyền lợi chính đáng của mình lên.
Cơ hội cho tất cả!
*Suy nghĩ của bà về hình ảnh phụ nữ Việt Nam nhiều thế kỷ trước “quẩn quanh xó bếp”, hầu chồng, chăm con cháu… so với phụ nữ hiện nay: năng động, lăn xả ra ngoài kiếm tiền, hầu như lĩnh vực nào có đàn ông làm là đều có phụ nữ tham gia?
- Thời đại ngày nay, quan điểm của xã hội đã tiến bộ, phụ nữ có quyền con người ngang nam giới, xã hội cũng thừa nhận khả năng và năng lực của phụ nữ không thua kém gì so với nam giới. Đương nhiên, về sức mạnh cơ bắp thì phụ nữ không bằng nam giới, nhưng phụ nữ lại mang thiên chức sinh nở, nên có sự phân vai thú vị trong tự nhiên như vậy, chứ không có nghĩa bản lĩnh và năng lực phụ nữ thua kém đàn ông.
Không nên lấy thước đo năng lực chị em so với đàn ông, như có lái xe tải được hay không - chả có ý nghĩa gì cả! Bình đẳng giới không nhất thiết phụ nữ phải biết lái xe tải, nhưng quan trọng là bình đẳng giới không phải việc gì cũng 50-50, mà là tạo cơ hội ngang nhau cho nam và nữ. Một xã hội phát triển là nam và nữ phải cân bằng nhau, không có sự phân biệt nam hay nữ. Những nghề của nam giới phụ nữ vẫn tham gia được nếu họ có năng lực và mong muốn. Đỉnh cao của một xã hội phát triển là tạo cơ hội đồng đều cho mọi người. Ngày nay, người ta thừa nhận phụ nữ học hành tử tế hơn, sức khỏe tốt hơn vì tiến bộ của y tế. Trên thực tế, phụ nữ sống lâu hơn nam giới, qua thực tế chiến tranh và trong cuộc sống cho thấy sức khỏe phụ nữ rất dẻo dai. Ngày nay, phụ nữ vừa gánh việc nội trợ, vừa đảm nhiệm cả công việc ngoài xã hội… nói chung là theo một nghĩa nào đó thì phụ nữ “khỏe” hơn nam giới. Thành thử tôi nghĩ phụ nữ tham gia như thế là hết sức bình thường, trên thực tế phụ nữ phải tham gia lao động bình đẳng ngang nhau, nên tôi cho rằng vấn đề này hoàn toàn bình thường và thuộc về xu thế chung của xã hội hiện đại.
Cần có bữa cơm gia đình!
*Bà có lời khuyên gì cho các cô gái trẻ hiện nay, rằng họ nên giữ lại điều gì trong cốt cách người phụ nữ xưa, và nên bồi bổ những gì cần có trong xã hội ngày nay?
- Phụ nữ xưa có tinh thần trách nhiệm với gia đình, với chồng con rất tuyệt vời. Họ hầu như chỉ biết đến chồng con, gia đình, bên cạnh đó họ còn biết quán xuyến, chu toàn, vun vén gia đình rất tốt, những điều đó các bạn trẻ ngày nay nên học hỏi ở họ. Còn phụ nữ hiện đại có thuận lợi là được học hành tốt, được sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại, kinh tế khá giả hơn, họ có thể thuê những dịch vụ giúp đỡ việc nhà. Bên cạnh đó, phụ nữ hiện đại hiểu biết thế giới và xã hội sâu rộng hơn, đó cũng là lợi thế. Tôi nghĩ những gì của hiện tại mà không làm xói mòn sự quan tâm gia đình, thì đó là điều tốt. Một gia đình để gắn kết và chia sẻ thì cần có bữa cơm gia đình, để mọi người quây quần ăn chung, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Bất kể xưa hay nay, những điều tốt đẹp luôn cần được giữ lại, dù cuộc sống có thay đổi đến đâu.
Song Phạm - Hoàng Tuấn thực hiện