Tôi được thừa hưởng “gien” ăn nói lưu loát của má nhưng có lẽ cái tôi được thừa hưởng nhiều nhất là ở người ba của mình, đó là đạo đức và lòng yêu thương người khác. Ba tôi luôn dạy anh em chúng tôi sống phải trung thực không nói dối, làm người ai cũng có lỗi nhưng phải biết nhận lỗi và làm lại từ đầu để sửa lỗi, không bao biện cho lỗi của mình. Thời bao cấp cả nhà ngồi bên mâm cơm mà nồi cơm thì khoai lang khô nhiều hơn những hạt cơm, ba “moi” cơm cho con, còn ba và má nhai khoai lang trèo trẹo qua bữa.
Trước năm 1975, có người bà con nợ ba má tôi một số tiền đáng kể. Sau giải phóng miền Nam, nhà tôi rơi vào khó khăn, ba tôi đi lấy nợ về trang trải nhưng khi đến nơi thấy gia cảnh người ta khó khăn hơn mình, ba lại về nhà chở lúa xuống cho người ta. Ba nói làm tôi còn nhớ đến giờ “người ta khó hơn mình, mình cho người ta đi không sao đâu”.
Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn và ba
Cho đến nay, tôi chỉ thấy ba lần ba tôi rơi nước mắt. Ngày ông nội mất, ngày em gái tôi không may qua đời và đêm trước ngày tôi nhảy tàu vào Nam học tập, lập nghiệp. Đêm đó, ba cầm mấy chục ngàn dành dụm được vào phòng và nói với tôi rằng “Nhà mình nghèo, ba má không có nhiều tiền, chỉ có mấy chục, con cầm vô mà lo. Ba xin lỗi ….” Nhưng ba không quên dặn tôi sống cho nên người. Ba là người mạnh mẽ nhưng lại rất tình cảm.
Ngày còn nhỏ, khi tôi bệnh “lỵ”, uống bao nhiêu thuốc cũng không bớt. Khi nghe người ta chỉ là nấu con vịt với lá mơ ăn không, ăn suốt một tháng sẽ hết. Tôi ăn được vài ngày và không thể nào nuốt nổi cái món thuốc độc đáo ấy. Tôi buông! Lúc đó, ba động viên tôi bằng cách cũng không ăn cơm, ông ăn giống y như những gì tôi ăn, có người đồng hành tôi tiếp tục chiến đấu với bệnh tật… Và quả thật đúng một tháng tôi hết bệnh. Tôi nghĩ có phải đây là phép màu của tình thương nên mới chữa hết bệnh cho tôi?
Tôi có may mắn, khi được thừa hưởng “gien” nghệ thuật của ba. Ba tôi chơi hay được nhiều loại nhạc cụ: violon, ghi-ta, sáo, trống… Ông có giọng hát hay, trầm ấm, đậm chất miền Trung và rất nam tính. Mỗi lần có lễ, hay nhà có tiệc, ba tôi thường hay biểu diễn cho bà con nghe, mỗi lần chơi violon thì cả xóm kéo tới nghe “ông Sáu Khâm kéo đàn”.
Thời còn nhỏ, ba dạy anh em tôi chơi các loại nhạc cụ nhưng tất cả đều rơi rụng vì sự khó tính và nghiêm khắc của ba. Cây vĩ cầm không biết phải hư bao nhiêu lần vì ba trị tội chúng tôi. Trong nhà, chỉ có tôi mày mò được một số bài violon và sau này tự học thêm ghi-ta. Lúc chơi trống, ba dạy tôi lấy ghế, nắp xoong… treo lên cho giống bộ trống. Ba có đam mê âm nhạc mãnh liệt và ông đã đạt nó cho bằng được. Câu chuyện ông tự học đàn violon trong khi vừa làm nông, vừa tản cư… làm cho tôi thán phục.
Để đạt được ước mơ của mình thì phải tự phấn đấu hàng ngày, không ai mang hạnh phúc và thành công đến cho mình, ngoại trừ chính mình. Đó là điều tôi học được từ người ba của mình.