Ba thử nghiệm thể chế

Tại kỳ họp thứ 4 khai mạc vào ngày 23-10 tới đây, sẽ có 3 dự án luật (Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật Quy hoạch và Luật Quản lý nợ công) được coi như những phép thử nghiệm thể chế.

Nói thế là bởi dù điều chỉnh những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng cả 3 dự án luật này đều có những quy định mang tính “đột phá” và gây nhiều tranh cãi, thậm chí ngay cả khi cơ quan soạn thảo, thẩm tra chấp nhận những “bước lùi” nhất định.

Ngay trong tuần qua, sau khi được cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “phiên bản” mới nhất của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) được Bộ KH-ĐT đưa ra tham khảo ý kiến các chuyên gia. So với bản đã trình xin ý kiến cơ quan thường trực của Quốc hội, phiên bản mới bổ sung mô hình “Hội đồng giám sát và tư vấn” cho Trưởng đặc khu.

Thế nhưng, phần lớn chuyên gia được tham khảo lại không đồng tình với sửa đổi này, vì cho rằng tác dụng của hội đồng “không có gì ghê gớm”. Theo dự thảo luật, Trưởng đặc khu chỉ “xem xét, trả lời” các đề nghị của Hội đồng mà - dĩ nhiên - không bắt buộc phải nghe theo.

Bàn chuyện này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví von rằng, ai cũng biết cần thiết phải “đánh chuột” và đánh chuột không dễ. Nhất là trong phòng tối, việc đánh chuột càng khó, thậm chí là tự phang vào chân mình nhiều hơn. Nhưng có thể không cần đánh chuột, chỉ cần bật đèn trong phòng lên là chuột phải chạy rồi.

Ý ông Trần Đình Thiên là nếu có những quy định rõ ràng, minh bạch; những chế tài mang tính răn đe mạnh mẽ thì không cần thiết có thêm “Hội đồng” nào, vừa mất thêm thời gian, chi phí, vừa hạn chế tính đột phá của mô hình đặc khu.

Hai ví dụ khác cũng khiến cho các cơ quan soạn thảo bị nhiều tiếng “chê”, nhưng thực ra là được tiếp thêm động lực cải cách mạnh mẽ hơn. Đó là dự án Luật Quy hoạch và Luật Quản lý nợ công.

Loại trừ những chỗ “còn non”, dự án Luật Quy hoạch từng bị lỗi hẹn bởi cuộc tranh luận khá gay gắt giữa hai luồng ý kiến liên quan quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai.

Tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhân nhượng, theo đó quy hoạch xây dựng, đất đai sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng, Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Luật Quy hoạch sẽ không điều chỉnh hai quy hoạch này. Nhiều thành viên UBTVQH, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bày tỏ không hài lòng với sự nhân nhượng này và cho rằng dự thảo luật đã “lùi một bước”. 

Với dự thảo Luật Quản lý nợ công, câu hỏi căn cốt vẫn là “để 3 hay gộp 1”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công; các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ.

Như thế, về cơ bản mô hình được diễn giải nôm na là “Ngân hàng Nhà nước đi vay, Bộ KH-ĐT phân bổ, Bộ Tài chính lo trả nợ” vẫn được giữ nguyên; trong khi nó được coi là một điểm nghẽn khiến cho việc quản lý nợ công trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí nợ công được coi là đã tiến đến sát mức báo động đỏ.

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc gộp lại 1 đầu mối quản lý có thể ít nhiều làm xáo trộn chức năng nhiệm vụ của bộ máy, song có như vậy mới đạt được mục tiêu cải cách một cách căn cơ tình hình nợ công.

Thật khó để có một phương án “10 phân vẹn 10”, song như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng phát biểu: “Cải cách mà không có phản ứng là cải cách tồi”. Mạnh dạn cải cách và rút kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế là con đường tất yếu của tiến trình lập pháp.

Tin cùng chuyên mục