Nhiều ý kiến tâm huyết tại buổi tọa đàm đã làm rõ những lợi thế và hạn chế mà địa phương cần quan tâm để thu hút du khách trong, ngoài nước.
Nhận diện những điểm yếu
Với tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng nhờ có bờ biển dài, lại nằm trong vùng Đông Nam bộ có kinh tế phát triển, nhất là nằm gần TPHCM, nên từ lâu Bà Rịa - Vũng Tàu đã được nhiều du khách biết đến. Những năm gần đây, tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khách bình quân từ 18%-20%/năm. Tuy nhiên, doanh thu du lịch không tỷ lệ thuận với tăng trưởng khách bởi số ngày lưu trú, số tiền chi tiêu của du khách thấp hơn so với các địa phương có ngành du lịch phát triển như Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh)…
Nguyên nhân chính được nhìn nhận là do sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng, khách đến cũng chỉ biết tắm biển, ăn uống, ngủ. Về cơ cấu khách, tỷ lệ khách quốc tế còn khiêm tốn nếu so với Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng; chưa thu hút được khách từ Nga (thường có số ngày lưu trú dài, chi tiêu mạnh) dù có hoạt động liên doanh sản xuất dầu khí với Liên bang Nga từ hàng chục năm qua; trong khi lượng khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng rất ít.
Ông Võ Việt Hòa (Giám đốc Khối du lịch quốc tế của Saigontourist) chỉ ra các điểm yếu của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu là dịch vụ vui chơi giải trí cho khách còn nghèo nàn, giao thông chưa thuận lợi giữa TPHCM và các điểm đến của tỉnh, đặc biệt quốc lộ 51 thường xuyên quá tải, ùn tắc trầm trọng khiến mất rất nhiều thời gian đi lại dù quãng đường không quá dài. Trong khi có lợi thế về bờ biển nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có một bến tàu du lịch đủ chuẩn để đón khách quốc tế đến bằng đường thủy.
Ông Phạm Ngọc Hải (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn thừa nhận: Tỉnh đang thiếu các khu vui chơi giải trí chất lượng cao, nhiều năm nay không có sản phẩm mới, kinh tế đêm chưa có và gần đây khi đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào sử dụng đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TPHCM đến các địa phương mạnh về du lịch như Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa) khiến lượng khách đến nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong dịp hè năm nay giảm sút mạnh. “Ưu thế gần TPHCM đã không còn và tình hình khá là cấp bách, đòi hỏi ngành du lịch địa phương phải có những ứng phó kịp thời”, ông Phạm Ngọc Hải chia sẻ.
Chung tay cùng hành động
Đó là thông điệp được đưa ra từ các nhà lãnh đạo chính quyền lẫn nhà đầu tư. Ông Walt Powew, Giám đốc điều hành của Grand Hồ Tràm Ship, cho rằng, nhu cầu của du khách rất đa dạng, nhất là du khách quốc tế có nhu cầu khác biệt. Các khu du lịch tích hợp dọc biển hồ Tràm sẽ tạo nên sự khác biệt đáp ứng nhu cầu du khách nhưng cần có chính sách thu hút du khách, cần hợp tác cùng nhau để tạo nên một điểm đến quốc tế.
Với lợi thế gần đô thị lớn TPHCM cùng với sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được xây dựng, ông Walt Powew tin tưởng sẽ giúp nâng cao vị thế cạnh tranh cho Bà Rịa - Vũng Tàu, và đó cũng là một trong những chìa khóa giúp ngành du lịch địa phương này thành công. Bên cạnh đó, cũng cần phát huy yếu tố cộng đồng để mỗi người dân là một đại sứ du lịch.
Để thu hút du khách quốc tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư khách sạn đạt chuẩn 5-6 sao, nghiên cứu để có chiến lược tiếp thị đến phân khúc khách Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản (có ngày lưu trú dài, mức chi tiêu cao) và rất cần có sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư và giữa nhà đầu tư với nhà đầu tư để cộng hưởng nguồn lực trong phát triển du lịch.
Trong khi đó, để xây dựng, quảng bá hình ảnh điểm đến cho Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Vân Hạnh (Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng: Để thu hút khách đến, nhất là khách quốc tế, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cần xây dựng khẩu hiệu giúp định vị sản phẩm và thể hiện triết lý của thương hiệu (ví dụ như Đà Nẵng là “thành phố đáng sống”), qua đó chuyển tải giá trị, đặc trưng độc đáo của tỉnh một cách sáng tạo, dễ nhớ, gợi sự tò mò và tạo điểm nhấn trong tâm trí du khách.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, để góp phần phát triển du lịch, tỉnh đã quan tâm về hạ tầng giao thông kết nối, đã đi trước một bước khi đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh từ 15 năm trước và hiện đang chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các công trình giao thông kết nối vùng đúng tiến độ, kết nối với TPHCM, các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ để tăng sức hút, tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch địa phương.
“Tỉnh luôn lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với tỉnh, thúc đẩy nhanh nhất các thủ tục cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng đã có các chương trình cụ thể về đầu tư phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm dịch vụ như xây dựng bến tàu du lịch, kinh tế đêm…”, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.