Đã gần 4 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, Việt Nam đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ và phần nào cải thiện được tình trạng xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa ổn định, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để biến tấm “thẻ vàng” thành thẻ xanh ở thị trường xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD mỗi năm.
Giảm mạnh tàu đánh bắt trái phép
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy hải sản hùng hậu (hơn 5.800 tàu cá), trong đó gần 50% tàu có khả năng đánh bắt xa bờ với sản lượng trên 315.000 tấn/năm. Giai đoạn 2013-2018, tỉnh là một trong những “điểm đen” nhức nhối về đánh bắt trái phép của cả nước với 174 tàu/1.390 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, cao điểm năm 2017 với gần 500 ngư dân bị bắt.
Trước thực trạng trên, hệ thống chính trị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt vào cuộc bằng việc ban hành riêng một nghị quyết để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép. Qua hơn 2 năm triển khai, tình hình đã có bước cải thiện rõ rệt, số tàu cá vi phạm giảm. Cụ thể, năm 2019 toàn tỉnh xảy ra 14 vụ/31 tàu/249 ngư dân, năm 2020 xảy ra 11 vụ/23 tàu/201 ngư dân và trong 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 3 vụ/3 tàu/41 thuyền viên bị bắt giữ.
Điều quan trọng hơn cả là nhận thức của ngư dân về một nghề đánh bắt có trách nhiệm đã được thay đổi rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Hiền, một ngư dân lâu năm ở làng chài Phước Tỉnh, huyện Long Điền, vốn chỉ quen với việc giong buồm ra khơi đánh bắt thì cụm từ IUU cách đây chừng 5 năm còn rất mới lạ. Thế nhưng gần đây, khắp các nơi trong tỉnh đều tổ chức các lớp tuyên truyền, phát tờ rơi về chống đánh bắt trái phép nên dù lớn tuổi, nhưng ông vẫn có thể đọc vanh vách các vấn đề liên quan đến IUU và tránh được các vi phạm. Còn chủ tàu L.T.T. (ngụ tại TP Vũng Tàu) thì thấm thía về hậu quả của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài với 4 chiếc tàu bị bắt giữ năm 2020. “Trước đây, tôm cá nhiều, mạnh nhà nào nhà nấy đóng tàu đi đánh bắt và hễ gặp con gì ăn được, bán được thì đưa vô bờ. Thế nhưng tôm cá ngày càng ít đi, đánh bắt ngày càng thua lỗ nên tôi mới đánh liều đưa tàu sang nước bạn làm vài chuyến gỡ gạc, nhưng lại mất cả chì lẫn chài”, chủ tàu L.T.T. chia sẻ. Hay như mới đây, một trường hợp khác ở huyện Xuyên Mộc đưa tàu đi đánh bắt trái phép, dù không bị lực lượng chức năng nước bạn bắt giữ, nhưng khi về đến tỉnh cũng đã bị xử phạt hơn 800 triệu đồng (số tiền phạt còn cao hơn cả giá trị của con tàu).
Như vậy, việc xử phạt nặng các trường hợp vi phạm là một trong những biện pháp rất hữu hiệu để ngăn chặn việc đánh bắt trái phép. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện việc quản lý đội tàu bằng sơn đánh dấu và yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình một cách đồng bộ. 89% tàu đánh bắt xa bờ được gắn thiết bị giám sát hành trình, trong đó những tàu trên 24m đã được lắp đặt trên 98%. Các biện pháp này cũng đã phần nào giúp ngăn chặn sớm các tàu có ý định xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép.
Hướng tới không vi phạm
Theo các chuyên gia, sau khi bị rút “thẻ vàng” với mặt hàng xuất khẩu thủy sản, Việt Nam đã thực hiện rất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Những nỗ lực đó đã được các đoàn chuyên gia của EC ghi nhận trong các đợt kiểm tra. Một trong những cố gắng rõ rệt đó là việc chúng ta luật hóa các khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017 bằng các chế tài xử lý, xử phạt rất mạnh đối với các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, ta cũng không ngừng nâng cấp hệ thống cảng cá, tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân về nghề cá khai thác có trách nhiệm và tiến tới minh bạch nguồn gốc khai thác thông qua việc ghi nhật ký đánh bắt.
Tuy nhiên, để Luật Thủy sản phát huy những hiệu quả tốt hơn, cần có thời gian để thực hiện, bởi thay đổi tư duy đánh bắt theo kiểu truyền thống vốn dĩ tồn tại từ hàng ngàn đời nay. Một số chuyên gia khác thì chỉ ra bài học từ Philippines, nước từng bị EU rút “thẻ vàng” vào năm 2014 nhưng đã rất nhanh chóng gỡ được thẻ này chỉ trong 10 tháng. Đó là nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị và sự chuyên nghiệp của lực lượng làm nhiệm vụ.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tòng Văn cho biết, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép đã giảm đáng kể. Hiện ngành nông nghiệp đang thuê đơn vị khảo sát nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển để có kế hoạch phát triển các đội tàu theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp để phấn đấu hướng đến mục tiêu toàn tỉnh sẽ không có tàu cá vi phạm.
Thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD Ngày 6-7 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức tổng kết hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2021. Nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và ngăn chặn tại các thị trường lớn của thủy sản Việt Nam như Mỹ, EU… nên tính đến hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt 4,1 tỷ USD. Tranh thủ đà phục hồi này, Bộ NN-PTNT cho biết, thủy sản đang hướng tới mục tiêu cả năm 2021 xuất khẩu 8,6 tỷ USD với tổng sản lượng thủy sản đạt 8,6 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác là 3,85 triệu tấn. Tuy vậy, theo đánh giá, các tháng cuối năm vẫn còn nhiều rủi ro đối với thủy sản do bước vào mùa mưa lũ, bão; dịch Covid-19 ở trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tổ chức kiểm tra trực tuyến khi đánh giá điều kiện nuôi trồng để truy xuất nguồn gốc, giúp doanh nghiệp khơi thông sản xuất trong điều kiện nhiều nơi giãn cách xã hội. PHÚC VĂN |