Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển các khu công nghiệp ven biển

Nhờ biết tận dụng lợi thế tiếp giáp với TPHCM, lại có tiềm năng lớn về cảng biển nước sâu, cộng thêm môi trường đầu tư thuận lợi, nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong các địa phương khá thành công trong chính sách phát triển công nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển công nghiệp hỗ trợ và đa dạng hóa các sản phẩm để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nơi “đại bàng” làm tổ

Trong 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp khai khoáng, chủ yếu là khai thác dầu khí vẫn chiếm tỷ trọng từ 40%-50% tổng GRDP hàng năm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, giá dầu không ổn định, trữ lượng các mỏ suy giảm, đòi hỏi tỉnh phải có phương án để phát triển bền vững, đó là ưu tiên phát triển các khu công nghiệp (KCN) ven biển. Hiện toàn tỉnh có 17 KCN với tổng diện tích gần 9.000ha, tập trung chủ yếu ở thị xã Phú Mỹ, nơi có hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải thuộc diện đặc biệt của cả nước. Trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực chế biến chế tạo và năng lượng, như: Tập đoàn SCG, Tập đoàn Hyosung, Tập đoàn CJ, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc); Tập đoàn Austal (Australia); Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản); Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen (Việt Nam) và nhiều doanh nghiệp lớn khác. Thành công của các KCN ở tỉnh là thu hút được nhiều dự án thượng nguồn, quy mô đầu tư lớn. Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cung ứng cho các nhà máy hạ nguồn. Nhờ đó tạo tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ tạo việc làm có chất lượng và đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương. Các KCN đang hoạt động và chuẩn bị đầu tư đều nằm ở những khu vực gần biển, khai thác lợi thế tiếp cận cảng biển thuận tiện để thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài - FDI.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ có thêm một số KCN mới như: KCN Dầu khí Long Sơn, KCN Vạn Thương, KCN Mỹ Xuân B1 - CONAC mở rộng. Đặc biệt, KCN Đô thị - Dịch vụ HD với định hướng thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Theo quy hoạch được HĐND tỉnh thông qua đầu tháng 11-2023, đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 KCN và KCN - đô thị - dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch là hơn 16.000ha. Đồng thời sẽ hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, bao gồm hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.

Hướng đến phát triển xanh

Đối với Bà Rịa - Vũng Tàu, do quỹ đất không còn nhiều, việc khai thác tối đa quỹ đất cho phát triển là rất quan trọng. Với mục tiêu đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các công ty khai thác hạ tầng KCN xây dựng kế hoạch khai thác hiệu quả đối với quỹ đất trống tại các khu công nghiệp chưa thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhận thức về vị trí và vai trò của KCN ven biển, nguy cơ xả thải gây ô nhiễm ra môi trường biển là rất lớn nên từ lâu tỉnh đã đưa ra định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường. Chẳng hạn với KCN chuyên sâu Phú Mỹ III, ngay từ khi hình thành, tỉnh định hướng sẽ là một KCN đặc biệt tập trung khai thác các giá trị sản xuất chuyên sâu, có năng suất và giá trị gia tăng cao, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, bảo vệ môi trường, sản xuất theo hướng xanh và sạch. Đến nay, KCN này đã thu hút được 12 dự án của các nhà đầu tư quốc tế và trong nước ở các ngành như nội thất, đồ gỗ, hóa chất cao cấp, sản xuất giấy bìa sử dụng công nghệ tiên tiến. Ngoài việc đầu tư hạ tầng “xanh” cho các KCN, tỉnh còn chủ động đầu tư nâng cấp và xây mới hạ tầng giao thông kết nối KCN với cảng biển, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hiện tỉnh đang thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng KCN kiểu mẫu/KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành KCN do Nhật Bản viện trợ. Theo đó, các KCN trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng cấp để tiến gần hơn đến các mục tiêu phát triển bền vững như: mục tiêu SDGs, ESGs, góp phần thực hiện các cam kết Net Zero mà Chính phủ đã đưa ra tại Hội nghị COP26 và được xem như một chìa khóa để thu hút vốn FDI chất lượng cao cho tỉnh.

Ông Võ Thanh Phong, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, chuyển đổi KCN thông minh theo định hướng sinh thái là quy luật tất yếu trên toàn thế giới và Bà Rịa - Vũng Tàu không ngoại lệ nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc áp dụng những biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp, giảm thải các nguồn gây ô nhiễm, sản xuất thân thiện với môi trường.

Tin cùng chuyên mục