Liên quan đến vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình, ngày 13-5 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) và những người liên quan.
Trong phần thủ tục, Hoàng Công Lương trình bày do luật sư Hướng vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa nên bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa. Phiên phúc thẩm sẽ mở lại vào ngày 12-6.
Tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã tiếp tục có ý kiến về vụ án này.
Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, ngành tư pháp cần quan tâm và đánh giá một cách toàn diện về vụ của nguyên bác sĩ Hoàng Công Lương.
Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, với cái nhìn về chuyên môn và đại diện cho các hội nghề nghiệp, với tư cách là Chủ tịch Hội dược học, thành viên của Tổng hội y dược học Việt Nam, bà cho rằng, vụ án này lỗi lớn nhất nằm ở quy trình, chứ không nằm ở một con người cụ thể. Nếu cứ tranh luận việc có biên bản, ký nhận hay không thì rất khó để giải quyết được căn nguyên vụ án.
“Hiện nay, ở cả 63 tỉnh, thành, với các bệnh viện đang chạy thận thì đã thực hiện đầy đủ quy trình Bộ Y tế đưa ra chưa. Các Sở Y tế đã có những chỉ đạo xuống các bệnh viện để thực hiện đúng quy trình chạy thận hay chưa, đó mới là điều để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai”, bà Phong Lan nêu quan điểm.
Theo bà, từ lúc sự việc xảy ra ở Hòa Bình, lúc đó còn công tác ở Sở Y tế TPHCM, bà rất lo cho việc chạy thận ở các bệnh viện của thành phố, bởi “nếu anh em không thực hiện kỹ quy trình thì cũng rất có thể vướng”.
“Quá trình xử án, sẽ không thỏa đáng nếu đổ hết tội lên đầu Hoàng Công Lương. Nhiều anh em trong ngành, những người làm việc chuyên môn đều thấy nếu khép tội Hoàng Công Lương - người trực tiếp ra y lệnh chạy thận là không thỏa đáng. Tội danh của Hoàng Công Lương đã nhiều lần được thay đổi, gần nhất là tội "Vô ý làm chết người", mức án còn cao hơn lúc đầu, cho thấy ngành tư pháp cũng đang lúng túng trong việc định tội danh”, bà Phong Lan nêu.
Theo bà, bản thân bác sĩ trẻ ấy khi để xảy ra vụ việc đau lòng khiến hàng loạt bệnh nhân thiệt mạng cũng đã là một bản án nặng nề, chưa chắc sau này còn dám hành nghề trở lại, vì bị tác động tâm lý lớn.
“Tôi mong muốn vụ án của Hoàng Công Lương phải được xét xử "tâm phục, khẩu phục" để sau này không lặp lại chuyện tương tự, mong vụ án sẽ không tạo ra tác động tâm lý xấu cho toàn ngành y, cho các bác sĩ đang trực tiếp làm công tác điều trị. Chúng tôi mong hệ thống tư pháp sẽ xét xử vụ án trên khía cạnh toàn diện như vậy. Bởi, nếu là lỗi thuộc quy trình, thì lỗi của người quản lý phải nặng hơn lỗi của người trực tiếp thi hành”, ĐB Phong Lan nhấn mạnh.
Về vụ án này, mới đây, Bộ Y tế gửi công văn tới Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình cho rằng, xử phạt Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người” là chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trong trường hợp tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này với nguyên bác sĩ Lương, sẽ là "tiền lệ vô cùng nguy hiểm", "rất xấu", tạo ra tâm lý bất an cho toàn thể thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước.
“Nhân viên y tế nào dám trực tiếp tham gia công tác cứu chữa người bệnh khi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không trừ ai. Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình sẽ bám vào các thủ tục hành chính, mất thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì tận tâm chữa bệnh, cứu người. Hậu quả cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất là người bệnh vì họ sẽ chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trình và các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không bắt bẻ vào đâu được", Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế kiến nghị, vụ tai biến Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, nên việc xác định nguyên nhân tử vong, bản chất vụ án phải thận trọng, kỹ lưỡng.
Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến chuyên gia về pháp lý, trang thiết bị y tế, hóa học... "để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cho các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trong vụ án này mà còn cho cả ngành y tế trong hiện tại và tương lai".
Cuối tháng 5-2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện phải về các bệnh viện Hà Nội hoặc đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để lọc máu theo chu kỳ.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.
Phiên tòa sơ thẩm vào cuối tháng 1 đã tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương 42 tháng tù với tội danh "Vô ý làm chết người", Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù với cùng tội danh. 5 người khác cũng bị phạt tù, trong đó có nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương và nguyên Phó giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu do "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Hoàng Công Lương ba lần bị thay đổi tội danh, từ "Vi phạm quy định về khám chữa bệnh" sang "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vô ý làm chết người".