“Ba nghìn thế giới thơm” ra mắt ấn bản hoàn chỉnh bổ sung thêm 9 chương

Ba nghìn thế giới thơm được xem là cuốn sách làm nên tên tuổi của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. Trong lần tái xuất này, tác giả kết hợp với NXB Nhã Nam cho ra mắt ấn bản hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong phần II của tác phẩm được bổ sung thêm 9 chương hoàn toàn mới.

Ấn bản mới và hoàn chỉnh nhất của tác phẩm "Ba nghìn thế giới thơm"
Ấn bản mới và hoàn chỉnh nhất của tác phẩm "Ba nghìn thế giới thơm"

Sáng 3-8, buổi ra mắt ấn bản Ba nghìn thế giới thơm và trò chuyện cùng tác giả - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã diễn ra tại Trường Đại học KHXH-NV TPHCM (Đại học Quốc gia TPHCM). Tham gia buổi trò chuyện có nhà văn Huỳnh Trọng Khang - biên tập viên của cuốn sách và sự góp mặt của nhiều dịch giả, nhà văn cũng như đông đảo các bạn sinh viên.

Trong giới nghiên cứu văn chương nói chung và văn hóa Nhật Bản nói riêng, nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu được xem là “cây đa, cây đề” với hàng trăm bài viết, tiểu luận, công trình nghiên cứu và phê bình văn chương. Trong số đó, cuốn sách Ba nghìn thế giới thơm đã để lại nhiều dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu sắc từ khi xuất bản lần đầu tiên cho đến nay.

z5695168908636_e1610016f3251df1b76923ec83e03d72.jpg
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và nhà văn trẻ, biên tập viên Huỳnh Trọng Khang

Ba nghìn thế giới thơm gồm 2 phần. Phần I mang tên “Con đường thơ ca” tổng hợp từ những huyền thoại về thơ ca, những biểu tượng, hình thể nguyên sơ xuất hiện trong thơ ca Nhật Bản. Kết thúc phần I là những bài thơ của một trong những thi sĩ lớn nhất trong thế giới thơ haiku: Kobayashi. Phần II mang tên “Ba nghìn thế giới thơm”, có tổng cộng 27 chương với 9 chương mới được bổ sung trong lần tái bản này. Cuốn sách mang đến một cái nhìn sâu sắc và phong phú về nền thi ca Nhật Bản, đặc biệt là thể haiku.

Một điểm đáng chú ý của cuốn sách là tác giả không chỉ dịch, giới thiệu các bài cú, bài thơ, giải thích những ẩn dụ và biểu tượng trong thơ ca Nhật Bản mà còn đào sâu hơn các quy tắc và phong cách sáng tác của những thể loại thơ truyền thống như tanka, haiku và renga… đưa người đọc vào thế giới thơ mộng và tinh tế của thơ ca vừa mang lại kiến thức nền tảng để hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về nghệ thuật này.

Tại buổi trò chuyện, dịch giả Tứ Hóa Hoàng Lan đã đặt ra câu hỏi về việc liệu chất thiền trong thơ ca haiku Nhật Bản có chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo hay không? Lý giải cho điều này, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết: “Nhật Bản là một nền văn hóa Phật giáo. Đó là điều quyết định đến nền thơ ca của họ. Thơ ca là hình ảnh của tư tưởng và tư tưởng được hình ảnh hóa lại trong thơ ca. Vậy nên, thơ haiku chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo và mang tính thiền. Thiền xuyên thấm vào thơ haiku và thơ haiku xuyên thấm vào thiền”.

Ngoài ra, trong lần tái bản này, cuốn sách còn gây ấn tượng ở những tên chương sách ở phần II đầy chất thiền và chất thơ. Mỗi chương tương ứng với một bài bình của tác giả. Trước thắc mắc của Minh Triết - sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM về trình tự tiếp nhận cuốn sách, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu giải đáp rằng lý tưởng nhất vẫn là đọc theo tuần tự, từ đầu đến cuối. Vì mỗi chương đều được sắp xếp có ngụ ý, theo mức độ tiếp nhận từ dễ đến khó và càng về sau càng mở rộng cách hiểu về thơ ca Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục