Sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng, ông đã lặn lội đến hàng chục nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Trị đến Cà Mau để tìm lại thân nhân, bạn bè và những đồng đội của mình. Sau mỗi chuyến đi ấy, niềm hạnh phúc mà ông nhận được chính là những dòng nước mắt trong hạnh phúc của thân nhân các liệt sĩ. Những việc thầm lặng ấy, ông đã làm suốt hơn ba mươi năm nay...
Từ một lá thư...
Tình cờ, tôi nghe được câu chuyện của cô Đặng Thị Thúy Lai, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Châu, xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Gia đình cô mỏi mòn đi tìm liệt sĩ Đặng Văn Tưởng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ nhưng hàng chục năm trôi qua vẫn chờ trong tuyệt vọng.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Lai không kìm được xúc động. Quê cô Lai ở tỉnh Hải Dương. Gia đình đông anh em, anh Tưởng là con trai đầu, xung phong đi bộ đội và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm đó, nhận được tin báo anh Tưởng hy sinh, người mẹ như chết lặng, hết nước mắt vì khóc con. Hòa bình, gia đình đã đi rất nhiều nơi tìm mộ anh nhưng không thấy. Bà mẹ già hơn tám mươi tuổi, càng sầu não hơn khi vẫn từng ngày ngóng trông con.
Thế rồi, vào một ngày tháng 10-2009, cả gia đình nhen nhóm niềm hy vọng khi nhận được thư báo tin của một cựu chiến binh cho biết liệt sĩ Tưởng đang yên nghỉ tại một nghĩa trang tỉnh Bình Phước. “Sau khi nhận được thư, mẹ tôi khóc òa trong sung sướng. Linh tính mách bảo mẹ đã tìm thấy con. Mẹ tôi đứng ngồi không yên. Bà gọi anh em chúng tôi tập trung lại và giục đi tìm. Qua một số lần đi, gia đình tôi đã chắc chắn đó là phần mộ anh Tưởng. Gần một tháng sau, phần mộ của anh tôi được đưa về quê an táng. Mẹ tôi như được sống lại” – cô Lai xúc động kể lại.
Kết quả từ những chuyến đi
Sau nhiều lần hẹn gặp, lần này ông Đào Thiện Sính mới nhận lời. Một ngày cuối tháng 7, tôi cùng cô Lai đến thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa để gặp ông Sính như đã hẹn. Trong căn nhà cấp bốn, phòng khách chỉ rộng khoảng 15m2 nhưng ông dành phần lớn diện tích nơi trang trọng nhất để treo bằng khen, giấy khen. Một góc phòng khách ông đặt một chiếc bàn nhỏ xinh xắn để làm công việc thầm lặng của mình suốt mấy chục năm qua.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tuổi 20 (năm 1967) ông Sính đi bộ đội, vào chiến trường C, K. Năm 1988, ông về công tác tại Bưu điện huyện Diên Khánh (Khánh Hòa).
Ông Sính kể: Gia đình tôi có 5 anh em, hai trai, ba gái. Ngoài tôi, gia đình còn có một người anh đã hy sinh ở chiến trường miền Nam, hiện vẫn không biết nằm ở đâu. Sau năm 1975, tôi cũng đã đi nhiều nơi để tìm anh mình nhưng vẫn không thấy. Trong những chuyến đi tìm anh, tôi gặp nhiều bà mẹ già ở nhiều vùng quê nghèo cũng có con hy sinh nhưng chưa tìm thấy phần mộ. Tôi xót xa lắm và nung nấu quyết tâm đi tìm mộ liệt sĩ. Sau khi cùng gia đình chuyển vào Khánh Hòa, công việc đi tìm mộ đồng đội được thuận tiện hơn. Thời đó, cứ mỗi lần nghe ở đâu có các cuộc khai quật mộ liệt sĩ là tôi sắp xếp công việc, xin cơ quan đến đó để ghi chép tỉ mỉ thông tin. Tranh thủ những ngày nghỉ cũng như những ngày phép, tôi đi đến các nghĩa trang tìm mộ.
Những chuyến đi của ông Sính, ngoài đồ dùng cá nhân là các cuốn sổ, hàng ngàn phong thư. Buổi đầu, do bận bịu công việc và hạn chế kinh phí nên mỗi chuyến đi của ông chỉ khoảng 5-7 ngày. Nhưng sau khi về hưu (năm 2007), thời gian nhiều hơn, cộng thêm khoản tiền hơn 1 triệu đồng từ việc cho thuê phòng trọ mỗi tháng nên những chuyến đi của ông thường kéo dài từ 10-20 ngày, có năm ông đi đến hàng chục chuyến.
Hễ đi tới đâu có nghĩa trang liệt sĩ là ông dừng lại, đến từng ngôi mộ một để ghi chép đầy đủ các thông tin. Những năm tháng khó khăn, việc đi đến các nghĩa trang, rồi ghi lại những thông tin trên mộ rất vất vả. Thấy thế đứa con lớn đã mua tặng ông một chiếc máy ảnh. Thế là từ đó, ông chụp hàng trăm bức ảnh để lưu giữ thông tin thay vì phải mò mẫm từng chữ trên mộ như trước. Tuy nhiên, theo ông Sính thì đa phần những ngôi mộ liệt sĩ ghi rất thiếu thông tin, nên rất khó xác định.
Còn sống còn đi tìm đồng đội...
Sau khi thu thập được các thông tin, đêm về tập hợp lại rồi tra cứu, sau đó gửi thư cùng các tấm ảnh đã chụp, liên lạc với chính quyền địa phương nhờ thông báo. Miệt mài suốt ba mươi năm qua, ông Sính đã gửi trên 5.000 bức thư về các địa phương. Hồi trước, do thông tin liên lạc còn khó nên không biết bao nhiêu gia đình nhận được thư báo. Sau ngày về hưu, có điều kiện sắm được điện thoại, có địa chỉ liên lạc nên có cả ngàn hồi âm của người thân các liệt sĩ.
Ông Sính cho tôi xem một lá thư viết rất cảm động của ông Nguyễn Hồng Linh (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, là anh của liệt sĩ Nguyễn Văn Vượng – yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Trong thư có đoạn: “Gia đình tôi vô cùng xúc động và cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của ông đối với các anh hùng liệt sĩ và gia đình của họ. Mẹ tôi như khỏe lại, trẻ ra khi nhận được thông tin này. Vô cùng biết ơn ông”.
Đã 63 tuổi, ngày lại ngày ông Sính vẫn miệt mài với việc đi tìm đồng đội. Ông Sính bảo: “Tôi chỉ ước có sức khỏe để tiếp tục đi tìm đồng đội. Ngày nào còn sống, còn đi được thì ngày đó tôi vẫn đi”. Cuối tháng 7 này, ông Sính lại lên Tây Nguyên tiếp tục hành trình đi tìm các đồng đội.
Văn Ngọc