Dù là viết riêng cho người ba của mình nhưng tình cảm mà tác giả Ngô Thị Thu An dành cho ba trong cuốn sách
Ba - món quà vô giá đã chạm đến tim của nhiều người đọc.
Ngày 30-10, tại Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu ấn phẩm Ba - món quà vô giá. Đây là cuốn sách đầu tay của tác giả kiêm nhà báo Ngô Thị Thu An, được viết trong thời gian 6 năm, trong niềm thương nhớ khôn nguôi dành cho người ba đã khuất của mình.
"Ba - món quà vô giá" là cuốn sách đầu tay của tác giả Ngô Thị Thu An Theo chia sẻ của tác giả, ban đầu, chị không có ý định viết sách dù đã có 30 năm làm báo. Nhưng sau khi ba mất, cảm xúc và mong muốn viết về ba cứ thôi thúc hàng ngày hàng giờ. Những cảm xúc đó lần lượt được chị chia sẻ trên Facebook. Được bạn học động viên, khích lệ, chị mới nghĩ đến chuyện viết sách về ba, như là trả một món nợ của mình đối với ba. “Khi viết xong cuốn sách, có cảm giác đuối sức vì tất cả năng lượng đã dồn hết vào đó. Nhưng bên cạnh đó, cũng có tâm trạng nhẹ nhàng vì tâm nguyện dành cho ba đã được hoàn thành”, tác giả Thu An chia sẻ.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Tổng Biên tập, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM cho biết, bà đón nhận bản thảo từ tác giả qua nhà thơ Lê Minh Quốc, cũng là một người bạn học với tác giả. Ban đầu, NXB định song hành cùng tác giả trong việc xuất bản và phát hành, nhưng trong quá trình biên tập, hai bên cùng quyết định thay đổi phương thức từ hợp tác phát hành sang đầu tư cho bản thảo. Theo bà Thủy, điều này chứng tỏ sức hút của tác phẩm ở mặt nội dung và sức đo lường của NXB đối với mức độ có thể phát hành trên thị trường, dẫn đến sự gặp gỡ giữa tác giả và NXB trong việc chuyển tải, đưa những tác phẩm có giá trị đến công chúng.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy (phải), Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM chia sẻ tại chương trình Ba - món quà vô giá giống như những lời tâm sự của con gái dành cho ba, thoạt tiên có phần nào đó hơi riêng tư. Tuy nhiên, ở đó lại có những vấn đề chung dành cho mọi người, những người đã và đang có một người ba bên mình. Cuốn sách giống như một sự thức tỉnh đến bạn đọc, để tự mình đi tìm câu trả lời cho mình, rằng: Đã bao giờ mình nắm tay ba? Đã bao giờ mình ôm ba mình thật chặt để chia sẻ hết những khó khăn, trắc trở, gian khổ trên đường đời mà ba mình phải chịu đựng? Đã bao giờ mình nói “Ba ơi, con thương ba lắm” khi ba còn sống bên cạnh mình? Đã bao giờ trong một ngày mà mình bỏ tất cả, không làm gì cả, để chạy về với ba, nắm tay với ba; hay luôn trong một trạng thái lúc nào cũng bận rộn, cuộc sống này bận rộn quá, con không có thời gian.
Tác giả Ngô Thị Thu An bên cạnh nhà thơ Lê Minh Quốc trong vai trò dẫn chương trình Tác giả Ngô Thị Thu An tâm sự: “Tôi nghĩ là các bạn cũng có suy nghĩ giống như tôi. Điều tôi muốn nói trong cuốn sách này không phải câu chuyện của ba tôi, một công dân rất bình thường, mà cái tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, có những thứ chúng ta mất đi rồi sẽ không tìm lại được nữa. Chúng ta không thể hối tiếc những cái đã mất đi được nữa. Tôi hy vọng, thông qua cuốn sách của mình giúp chúng ta thức tỉnh một chút về tình phụ tử. Tình phụ tử rất thiêng liêng mà khi mất đi rồi chúng ta mới có thể cảm nhận được điều đó”.
Vừa là người con vừa là người ba, ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM có sự đồng cảm với tác giả Ngô Thị Thu An Đồng cảm với cuốn sách, ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, cho rằng, tác phẩm này, mặc dù là câu chuyện riêng của gia đình tác giả nhưng lại đại diện cho những giá trị rất cao đẹp, trong đó, giá trị lớn nhất là lòng yêu thương vô bờ bến. Ngoài ra là tinh thần trách nhiệm của cha mẹ đối với con và của con đối với cha mẹ. “Tất nhiên, còn nhiều giá trị khác trong tác phẩm nhưng đó là hai giá trị quan trọng đối với nhân sinh và tinh thần trách nhiệm”, ông Lê Hoàng bày tỏ.
HỒ SƠN