Người mẹ này đã chê trách chàng trai chưa có nhà riêng và công việc không ổn định khi đã hơn 30 tuổi. Cộng đồng mạng đã thi nhau “ném đá” người mẹ và cô con gái rằng “đã già rồi còn làm giá”, “đồ hám của”, “có mẹ như vậy con gái ế cũng đúng”… Tôi không chỉ thấy bất bình vì bà mẹ và còn ngán ngẩm cả việc nhà sản xuất cho phát sóng chương trình dạng này.
Hành động và lời nói của người mẹ tuy rất khiếm nhã, nhưng nếu người xem đặt vấn đề ở góc độ của phụ huynh, không phải tất cả nhận định của bà đều vô lý. Hầu hết ba mẹ đều mong muốn con mình có được cuộc sống ổn định về mặt kinh tế và hạnh phúc. Tôi nghĩ, đây là một góc nhìn về hôn nhân mà chương trình muốn truyền tải đến khán giả. Nhưng do thiếu tiết chế và một phần vì muốn câu view, câu like, chương trình đã cho lên sóng trọn vẹn những lời chê bai nặng nề của người mẹ dành cho chàng trai trong khung cảnh đầy khó xử của khách mời và cả người dẫn chương trình. Và cả việc người mẹ cho rằng, nếu con gái mình hẹn hò, kết hôn với người nhỏ hơn 2 tuổi sẽ khiến con mình khổ, theo “số mệnh” mà bà đã nghiên cứu.
Theo tôi, nhà sản xuất cho lên sóng tập mai mối ấn tượng này vì 2 lý do. Một là để bày tỏ quan niệm của các bậc phu huynh về vấn đề ổn định tài chính trong hôn nhân, hai là để tạo “sóng”. Và kết quả là “sóng” đã… đè bẹp thông điệp. Hầu hết người xem chỉ thấy bất bình thay cho chàng trai và không còn để tâm đến thông điệp của chương trình. Còn người mẹ và cô con gái lại trở thành đối tượng cho cộng đồng mạng bàn tán và không tiếc lời chửi bới. Mặc dù trên thực tế, không ít người cũng có cùng quan điểm với bà và cô gái.
Còn chàng trai, tuy được khen hết lời về cách ứng xử văn minh trên sóng truyền hình, nhưng cuộc sống của anh và gia đình cũng ảnh hưởng không ít khi tập này được phát sóng. Với cách truyền tải thiếu tinh tế, khi đưa vấn đề tài chính của các chàng trai lên sóng, chương trình cũng đã khiến nhiều người cảm thấy tự ti về bản thân trước tình yêu. Chàng trai trong chương trình tuy là huấn luyện viên yoga, thu nhập cũng không phải hạng xoàng nhưng vẫn bị mẹ của cô gái dè bỉu. Vậy liệu những chàng trai đang ở độ tuổi 29 - 30 chưa ổn định về mặt kinh tế, có dám “nhắm mắt đưa chân”. Tình huống này càng khiến nhiều người có thêm niềm tin vào câu cửa miệng của những chàng ế: “Không tiền... chó nó yêu”, vì câu chuyện một túp lều tranh hai quả tim vàng đã chỉ còn trong truyền thuyết.
Trước đây tôi cũng xem qua không ít chương trình hẹn hò, mai mối tạo “sóng” không kém. Trong Quý cô hoàn hảo, Bạn muốn hẹn hò, cộng đồng mạng đã nhiều phen dậy sống với những thí sinh có màn ứng xử gây sốc. Đôi khi, tôi có cảm giác nhà sản xuất chương trình đang cố “tô đậm” thí sinh này và các phương tiện truyền thông thì giật những cái tít “cực gắt” như: “Sống chung với thể loại con dâu này chắc mẹ chồng chết mất!”, “Cô gái đòi bạn trai tài trợ du lịch châu Âu thì mới bấm nút hẹn hò”. Tôi thấy cách làm này đang ít nhiều làm xấu đi hình ảnh người phụ nữ trong mắt công chúng.
Chung quy những kiểu tạo “sóng” trên cũng chỉ vì muốn thu hút người xem. Nhưng do quá lạm dụng nên đã khiến nhiều khán giả không còn chú ý nhiều đến nội dung hay thông điệp của mỗi tình huống, thay vào đó lại chỉ quan tâm đến những chiêu trò tiêu cực.