May mắn là, đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tương lai sẽ không được quyết định bởi động lực đổi mới, sáng tạo mà là năng lực của quốc gia trong việc tận dụng tối đa các công nghệ kỹ thuật số do các nước khác phát triển. Cho đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư, với giá dịch vụ hợp lý. Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty CNTT hàng đầu thế giới như: Apple, Samsung, Intel… Thêm vào đó, mặc dù gây ra nhiều tác động tiêu cực, song đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam: 60% các doanh nghiệp hiện đang sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến. Chính phủ điện tử đang cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, khung pháp lý trong lĩnh vực này còn chưa đồng bộ; năng lực đổi mới sáng tạo còn yếu và mức độ tinh tế của người sử dụng chưa cao, trong khi bảo mật cá nhân chưa mạnh… Để khắc phục, Chính phủ nên tập trung giải quyết 3 “thất bại của thị trường”.
Đầu tiên là đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số. Có tới 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam có nguy cơ bị mất trong khoảng 5 năm tới do quá trình số hóa. Chuyển đổi kỹ thuật số cũng tạo ra nhiều việc làm mới, nhưng những công việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng mới, trong khi người lao động có thể không có thông tin hoặc nguồn lực tài chính để đầu tư học hỏi, trau dồi các kỹ năng cần thiết. Chính phủ được khuyến nghị loại bỏ các trở ngại pháp lý đối với dịch chuyển lao động; cung cấp thông tin cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính khi học những kỹ năng mới.
Giải pháp thứ hai là đảm bảo khu vực tư nhân trong nước luôn năng động, vì chu kỳ đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số rất ngắn. Sự lụi tàn của những thương hiệu lừng lẫy một thời như Blackberry hay Nokia là lời cảnh tỉnh thuyết phục. Muốn vậy, Nhà nước có thể duy trì một thị trường có tính cạnh tranh cao bằng cách giảm bớt các rào cản gia nhập và tăng cường các quy định pháp lý để tránh việc lạm dụng độc quyền; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nhỏ, có tài năng (chẳng hạn cung cấp cho họ nhiều phương án tài trợ như Singapore đã làm rất thành công)…
Cuối cùng, Chính phủ nên tạo điều kiện cho việc tiếp cận dữ liệu và thông tin với tính chất là một “hàng hóa công”: liên thông cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành và thông qua sáng kiến dữ liệu mở - trong đó có việc chia sẻ dữ liệu công trực tuyến. Điều đáng lưu ý trong quá trình này là phải tính đến quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu cũng như của người sử dụng dữ liệu.
Có tiềm năng, nhưng Việt Nam có trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến trên thế giới hay không và đây chính là lúc cần đến bàn tay can thiệp quyết đoán, khôn khéo của Nhà nước nhằm đưa đất nước tiến lên trên con đường chinh phục những mục tiêu kinh tế số đầy tham vọng.